Khi Thủ tướng đương nhiệm Sheikh Hasina đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư, các rạp chiếu phim ở khắp Bangladesh cũng trình chiếu bộ phim tiểu sử về cuộc đời bà. Phim đề cập tới sự vươn lên của Hasina từ con gái Tổng thống bị ám sát trở thành “mother of humanity” (tạm dịch: mẹ nhân ái) - cách mà người ta đã gọi bà sau khi Chính phủ Bangladesh có chính sách đón nhận người tị nạn từ Myanmar.
Bộ phim dài 70 phút miêu tả cuộc đời Sheikh Hasina gắn liền với sự phát triển của đất nước Bangladesh, từ khởi đầu nghèo nàn, đẫm máu cách đây 47 năm và đang trên con đường thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển nhất hiện nay.
Bộ phim, có tựa đề Hasina: A daughter’s tale (tạm dịch là: Hasina: Câu chuyện về một người con gái) nhắc lại ký ức kinh hoàng tháng 8/1975, khi cha bà cùng hầu hết các thành viên gia đình bị ám sát. Thời điểm ấy, bà và em gái đang ở Đức, không thể trở về quê nhà để từ biệt những người cha thân yêu Sheikh Mujibur Rahman - nhà lãnh đạo của phong trào độc lập và là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Bangladesh.
Thủ tướng Sheikh Hasina. (Nguồn: AFP) |
Giám đốc sản xuất phim Rejaur Rahman Khan Piplu cho biết, “người dân có thể thấy Sheikh Hasina rất gần gũi trong trái tim họ”. Tuy nhiên, phe đối lập lại cho rằng bộ phim nhằm vận động tranh cử, lấy lòng cử tri và vi phạm các quy tắc bầu cử.
Sự nghiệp đầy chông gai
Sinh năm 1947 tại miền Bắc Bangladesh (Đông Pakistan trước đây) trong một gia đình làm chính trị, cái tên Sheikh Hasina từng được nhiều người biết đến với tư cách là thủ lĩnh sinh viên Đại học Dhaka vào cuối những năm 1960. Khi ấy, bà đã lãnh đạo và tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
“Bà ấy cam kết cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Bangladesh”, Bộ trưởng Văn hóa Bangladesh Asaduzzaman Noor nói. |
Năm 1981, Sheikh Hasina bắt đầu sự nghiệp chính trị như một người anh hùng của nhân dân. Bà trở về nước sau 6 năm sống lưu vong ở Ấn Độ để tiếp quản vị trí lãnh đạo Liên đoàn Awami (AL) - đảng do chính cha bà sáng lập - và bắt đầu cuộc đấu tranh lâu dài để khôi phục nền dân chủ ở Bangladesh. Cũng từ đây, cuộc đời của bà Hasina là một chuỗi đan xem những sự kiện lúc đỉnh cao lúc vực sâu, giữa những lời ca ngợi và sự chỉ trích.
Trên con đường chính trị đầy chông gai của mình, bà Hasina phải đối mặt với không ít âm mưu đảo chính và ám sát. Tháng 7/2000, một quả bom 76kg được đặt dưới sân khấu sẽ diễn ra buổi thuyết trình của bà. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện ra thiết bị nổ trước khi sự kiện bắt đầu. Tháng 8/2004, bà Hasina tiếp tục là mục tiêu của vụ ám sát khác. Thủ phạm dùng lựu đạn tấn công một cuộc mít tinh ở thủ đô Dhaka khiến hơn 20 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, trong đó có bà Hasina. Cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Hasina nhận được mật thư từ Ấn Độ gửi tới. Bức thư cảnh báo rằng một số kẻ Hồi giáo cực đoan trong quân đội đang lên kế hoạch đảo chính và sát hại bà. Âm mưu bị phá vỡ nhưng chủ mưu là Thiếu tá Syed Mohammad Ziaul Huq đã trốn thoát sau vụ đảo chính hụt này.
Theo BenarNews, kể từ khi bước vào ánh hào quang chính trị, bà Hasina đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc sau gần 20 vụ tấn công. Đó là chưa kể tới từ năm 1983 đến năm 1990, bà bị quản thúc tại gia bảy lần khi chính quyền quân sự đàn áp phe đối lập. Thậm chí, năm 2007, bà Hasina còn bị kết án tù vì cáo buộc tham nhũng. Trải qua nhiều biến cố, bà trở lại vị trí thủ tướng vào tháng 1/2009, rồi tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3 vào năm 2014.
Một người đàn ông đi ngang qua bức tường có hình ảnh Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed và cha bà - ông Sheikh Mujibur Rahman khi chiến dịch tổng tuyển cử đang diễn ra tại Dhaka, ngày 16/12/2018. (Nguồn: AFP) |
Ngợi ca và chỉ trích
Ông Ataur Rahman - Giáo sư Đại học Dhaka - cho rằng đối với nhiều người Bangladesh, bà Hasina là “một nhà lãnh đạo xuất sắc”. Theo vị giáo sư, bà Hasina nên được nhìn nhận từ hai góc độ - chính trị và kinh tế.
Còn Azizul Haque, một tài xế, cho biết anh rất hài lòng với hướng đi của đất nước dưới thời Thủ tướng Hasina. “Bà ấy lắng nghe chúng tôi. Bà đã cho xây dựng những con đường và trợ cấp cho người nghèo”.
Năm 2017, Bà Sheikh Hasina đứng thứ 26 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Forbes bình chọn. Tạp chí Time cũng bình chọn bà là một trong 100 người ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2018. |
Bà Hasina được ca ngợi vì những tiến bộ về kinh tế, y tế và giáo dục của đất nước, cũng như chính sách xử lý vấn đề người tị nạn Rohingya từ nước láng giềng Myanmar tràn sang Bangladesh năm 2017.
Tuy nhiên, theo BenarNews, những người chỉ trích lại cho rằng Chính phủ của bà ngày càng trở nên chuyên quyền, thông qua các đạo luật kìm hãm quyền tự do ngôn luận, can thiệp vào sự độc lập tư pháp... Trong một bài phát biểu ở trung tâm thủ đô Dhaka, nữ Thủ tướng đã bác bỏ các chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh đảng AL “cam kết bảo vệ nền dân chủ ở Bangladesh”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bangladesh Asaduzzaman Noor cũng lên tiếng: “Bà ấy thuộc về người dân, bà ấy thuộc về đất nước… Bà chiến đấu vì người dân, không phải vì lợi ích của một nhóm người”.
Bà Hasina được miêu tả là người tham công tiếc việc. “Tôi không biết bà ấy làm thế nào để quản lý quỹ thời gian của mình. Bà ấy làm việc đến nửa đêm và gặp các nhà lãnh đạo đảng gần như hàng ngày”, ông Asaduzzaman Noor nói. Còn trong ấn tượng của Giám đốc sản xuất phim Rejaur Rahman Khan Piplu, bà Hasina quan tâm tới người khác từ những điều rất nhỏ. Nhìn vào đôi giầy của ông Piplu, nữ Thủ tướng nhắc: “Ông Piplu, hãy buộc chặt dây giầy, ông có thể vấp ngã và bị thương”, vị Giám đốc nhớ lại.
Dấu ấn về kinh tế
Đầu năm 2018, chính quyền Bangladesh tuyên bố họ đang khởi động quá trình sáu năm để rời khỏi danh sách quốc kém phát triển nhất của Liên hợp quốc sang nước đang phát triển. Theo BenarNews, để đạt được mục tiêu trên, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của một quốc gia phải đạt ít nhất 1.242 USD; đồng thời quốc gia đó cần bảo đảm các mục tiêu về dinh dưỡng, y tế, xóa mù chữ…; nền kinh tế phải chứng minh khả năng phục hồi khi đối mặt với các rủi ro như thiên tai và bất ổn thương mại.
“Người cha của dân tộc đã lãnh đạo đất nước giành độc lập. Ông thành lập Bangladesh khi đó là quốc gia kém phát triển nhất. Chúng ta sẽ tiến thêm một bước”, bà Hasina nhấn mạnh trong bài phát biểu hồi tháng 3/2018. “Chúng ta sẽ trở thành quốc gia đang phát triển”.
Nikkei Asian Review nhận định Bangladesh đã trở thành một trong những câu chuyện thành công về kinh tế của thế giới. Từ một đất nước đã trải qua nạn đói khủng khiếp vào năm 1974, Bangladesh đã tự túc sản xuất lương thực cho hơn 166 triệu dân. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần ba lần so với năm 2009, đạt 1.750 USD. Cũng trong giai đoạn này, theo Ngân hàng Thế giới (WB), số người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực ở Bangladesh - với dưới 1,25 USD/ngày - đã giảm từ 19% dân số xuống dưới 9%. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bangladesh đạt 7,86%.
“Việc thoát khỏi tình trạng đất nước kém phát triển nhất mang lại cho chúng tôi sức mạnh và sự tự tin. Điều này rất quan trọng, không chỉ đối với các nhà lãnh đạo chính trị mà còn đối với người dân”, Thủ tướng Hasina trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review hồi tháng 12/2018. Bà khẳng định nền kinh tế Bangladesh sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Bên cạnh đó, Chính phủ của bà Hasina còn đang thực hiện kế hoạch đầy tham vọng: xây dựng mạng lưới gồm 100 đặc khu kinh tế trên khắp cả nước, 11 trong số đó đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng và các kỳ vọng lớn lao là những rào cản đáng ngại, trong đó có sự chia rẽ chính trị sâu sắc. Nền chính trị Bangladesh bị chi phối trong nhiều năm bởi sự cạnh tranh gay gắt AL - BNP, bà Hasina và “đối thủ truyền kiếp” - cựu Thủ tướng Khaleda Zia, người đã bị kết án 5 năm tù giam hồi tháng 2/2018 vì cáo buộc tham nhũng. Bên cạnh đó, sau hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp của đảng AL cầm quyền, các nhà phân tích chỉ ra quan điểm “chống đảng đương nhiệm” có thể thấy ở một bộ phân cử tri. Song, từ quan điểm kinh tế, nhiều người tán thành với ý kiến: chiến thắng của AL và bà Hasina sẽ hỗ trợ cho sự phát triển hơn nữa của đất nước Bangladesh.