📞

Brexit và những “cây cầu” gãy

17:16 | 25/06/2016
Quan hệ Mỹ - Anh sẽ không “có giá” bằng quan hệ Mỹ - Đức trong chính sách của Washington. NATO cũng sẽ không còn coi Anh là “cây cầu” nối với EU.

Anh vẫn nằm trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng khi không còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), vị thế quốc tế của xứ sở sương mù phần nào bị ảnh hưởng.

Các nhà lãnh đạo G7 họp tại Nhật Bản tháng 5/2016. (Nguồn: The Guardian)

Cuộc “ly hôn” với EU sẽ không thể khiến vị thế quốc tế của Anh sụp đổ ngay lập tức nhưng sẽ khiến vai trò toàn cầu của Anh bị suy yếu nghiêm trọng và khó có thể lấy lại. Các chuyên gia đối ngoại khẳng định, việc người dân Anh bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU (Brexit) có thể gây nên hiệu ứng dây chuyền (donimo), khiến nhiều nước trong EU có ý định rời liên minh, đồng thời làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Anh trong Liên hợp quốc, G7 và NATO.

Cụ thể, Scotland có thể li khai khỏi Anh trong vòng hai năm tới. Scotland có thể sẽ kế thừa vị thế của Anh, là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, tương tự Nga kế thừa vị trí trong Hội đồng bảo an của Liên bang Xô viết. Nếu điều này xảy ra, vấn đề cải tổ Hội đồng bảo an sẽ lại được thổi bùng lên. Trong 70 năm qua, dù thế giới hậu chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều biến đổi song Hội đồng bảo an vẫn chỉ có 5 thành viên thường trực là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon vừa khẳng định rằng, cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Scotland li khai khỏi Vương quốc Anh nhiều khả năng sẽ xảy ra sau khi người dân Anh quyết định rời khỏi EU. Scotland, với khoảng 5 triệu dân, đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU với tỉ lệ 62% so với 38% số người phản đối. Mặc dù vậy, số lượng này không thể giúp phe ủng hộ Anh ở lại EU giành chiến thắng. Cuộc trưng cầu dân ý có thể là dấu chấm hết của liên minh Anh và Scotland đã kéo dài 300 năm qua.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. (Nguồn: AP)

Bên cạnh đó, cuộc chia tay giữa Scotland và Vương quốc Anh cũng khiến G7 phải xem xét lại vai trò thành viên của Anh. Chắc chắn, nhóm các nước công nghiệp phát triển trên thế giới này khó có thể giúp đỡ được Anh trước cuộc khủng hoảng đang và sẽ xảy ra. G7 sẽ cân nhắc vai trò thành viên của để gìn giữ “thương hiệu” của mình. Đồng bảng Anh rớt giá thảm hại vào sáng ngày 24/6, Pháp cũng vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Ngoài ra, mối quan hệ đặc biệt giữa London và Washington cũng như vai trò thành viên của Anh trong NATO có thể nổi lên nhiều vấn đề. Những mỗi quan hệ này không ngay lập tức bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực nhưng sự chồng chéo trong các mối quan hệ sẽ khiến công việc đối ngoại của Anh gặp nhiều rắc rối.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói rõ ràng rằng mối quan hệ Mỹ - Anh có giá trị một phần là bởi nước Anh có vị trí như “trái tim” của châu Âu. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns, hiện là cố vấn của bà Hillary Clinton, sau cuộc trưng cầu ở Anh vừa qua đã viết lên twitter của mình: “Có lẽ Anh sẽ vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Nhưng không thể phủ nhận từ nay quan hệ của Mỹ với Đức sẽ là chìa khóa khi thảo luận về các vấn đề liên quan tới châu Âu”. Nước Anh đã có công trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vào năm ngoái bởi các cuộc đàm phán với Tehran khởi nguồn từ một nhóm gồm 3 nước EU, trong đó có Anh.

Vai trò thành viên trong NATO của Anh có lẽ sẽ không bị lung lay. Tuy nhiên, thứ Tư vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định rằng một trong những vai trò an ninh chủ chốt của Anh đã là cầu nối giữa EU và liên minh, “cây cầu đó đã bị gãy”.

(theo the Guardian)