📞

Bức tranh 8/1 của “Họa sĩ” Donald Trump

09:00 | 10/01/2019
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu dục ngày 8/1 về bức tường biên giới xứng đáng là kiệt tác trong nhiệm kỳ của ông.

Sở dĩ có thể nói như vậy bởi ông Trump đã cố gắng khắc họa một bức tranh toàn cảnh, với tông màu xám về tình trạng nhập cư tại biên giới Mỹ và Mexico. Trong tông ảm đạm đó là một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” của biên giới phía Nam xứ cờ hoa, nơi thanh niên chết vì nghiện ngập, trẻ em trở thành món hàng giữa các băng đảng, còn phụ nữ phải đối mặt với những cuộc tấn công tình dục.

Qua nét vẽ của ông Trump, đảng Dân chủ hiện lên như nhân tố cản trở nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh đó chính là ông Donald Trump, người đang “chiến đấu” để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp tràn vào từ biên giới phía Nam, khiến cho nơi đây “an toàn hơn bao giờ hết”.

Bức tường biên giới được dựng lên tại Calexico, California. (Nguồn: AP)

Đó sẽ là bức tranh rất nghệ thuật, nếu nó được thực hiện bởi một họa sĩ, thay vì Tổng thống của một quốc gia. Ông Trump đã nhấn vào “mối đe dọa” đến từ thực trạng nhập cư, đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân Mỹ, khiến cho họ quên đi những lợi ích đến từ việc nhập cư và bản chất của vấn đề.

Song thực tế lại rất khác. Một báo cáo năm 2017 của Viện Thuế & Chính sách Kinh tế tại Washington cho thấy người nhập cư bất hợp pháp “đóng góp một phần thuế đáng kể vào ngân sách Mỹ”. Hầu hết các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng người nhập cư, dù hợp pháp hay không, đang giúp ích cho người Mỹ khi tham gia lao động chân tay, tạo cơ hội cho cư dân bản địa đảm nhận những vị trí quản lý hay đòi hỏi nhiều kiến thức.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng đây là vấn đề mà người dân Mỹ phải chọn một trong hai, “giữa đúng hoặc sai, giữa công lý và bất công”. Nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo quốc gia là đoàn kết những con người có chung dòng máu, bản sắc, tìm kiếm giải pháp cho bất đồng, chứ không phải chia rẽ họ. Song với việc buộc người dân phải lựa chọn, ông Trump rõ ràng đang vẽ đường kẻ chia đôi nước Mỹ, nhưng lại cho rằng đây là “lẽ thường”.

Và như thường lệ, mọi lỗi lầm được dồn sang phía đảng Dân chủ. Trên thực tế, chính phủ liên bang tiếp tục đóng cửa bởi Tổng thống Trump đã kiên quyết đòi hỏi ngân sách cho bức tường biên giới, ngay cả khi dự thảo đã được Thượng viện, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, thông qua. Thêm vào đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện đã ít nhiều nhượng bộ khi cho biết có thể cung cấp tới 1,3 tỷ USD cho đòi hỏi của ông Trump. Đưa đảng Dân chủ làm “thủ phạm” không chỉ gây áp lực cho đảng này, mà còn giúp ông Trump giành được thêm sự ủng hộ, tạo tiền đề cho cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần vào năm 2020.

Điểm tích cực hiếm hoi trong bài phát biểu của ông Trump không đến từ những gì ông làm, mà đến từ những gì ông không làm.

Trái với dự đoán của nhiều người, ông Trump đã không công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, thuộc quyền hạn đặc biệt của Tổng thống, cho phép ông có thể tiến hành xây dựng bức tường biên giới mà không cần phải thông qua Quốc hội, với lý do “khủng hoảng nhân đạo” gây nguy hại tới “an ninh quốc gia”.

Song, đây là canh bạc quá lớn. Thực hiện điều này sẽ gần như chắc chắn khiến ông Trump vướng rắc rối với Tòa án Tối cao Mỹ, nơi mà đảng Cộng hòa không có nhiều ảnh hưởng. Và một khi thất bại, ông Trump sẽ chịu thiệt hại nặng nề về uy tín và tỷ lệ ủng hộ, trong khi chiến dịch tái cử 2020 đang đến gần.

Bởi vậy, “bức tranh” của Tổng thống Donald Trump hôm 8/1 vừa qua chẳng những không hóa giải những bất đồng xoay quanh ngân sách xây dựng bức tường biên giới, mà chỉ đổ thêm dầu vào lửa và căng thẳng lại ngày một nóng lên giữa ông chủ Nhà Trắng và đảng Dân chủ.