📞

Bước tiến mới trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân

18:00 | 29/10/2016
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, Liên hợp quốc mới đây đã thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ủng hộ đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân

Ngày 27/10, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một dự thảo nghị quyết mới, kêu gọi các nước bắt đầu đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân. Dự thảo do Australia, Ireland, Mexico, Nigeria, Nam Phi và Brazil soạn thảo, đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Nội dung nghị quyết bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5/2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua bản dự thảo nghị quyết, các nhà hoạt động ủng hộ Chiến dịch quốc tế nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân khẳng định sự kiện này có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến kéo dài nhiều thế kỷ qua vì một thế giới không hạt nhân. Hiệp ước này sẽ không ngay lập tức loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, nhưng giúp tạo ra những chuẩn mực pháp lý mới có sức mạnh buộc các nước phải có hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của ĐHĐ LHQ đã thông qua một dự thảo nghị quyết mới kêu gọi các nước bắt đầu đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân. (Nguồn: UN News Centre)

Nhiều tuần trước đó, công tác vận động thông qua nghị quyết đã gặp nhiều khó khăn khi một số cường quốc hạt nhân, đặc biệt là Mỹ, đã gây áp lực buộc các nước đồng minh bỏ phiếu chống lại văn kiện này. Có tới 4 trong tổng số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu chống, trong khi nước còn lại là Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Ấn Độ và Pakistan cũng lựa chọn phiếu trắng. Các nước phản đối nghị quyết cho rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân cần được thực hiện trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Cùng ngày, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của ĐHĐ LHQ cũng đã thông qua nghị quyết do Nhật Bản đề xuất về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là lần thứ 23 nghị quyết này nhận được sự ủng hộ từ phần lớn các nước thành viên. Trung Quốc đã lần thứ hai bỏ phiếu chống lại nghị quyết trên khi cho rằng Tokyo sử dụng những người sống sót trong hai vụ nổ bom hạt nhân ở Nhật Bản để coi nước này là một nạn nhân của Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nỗi khiếp sợ của thế giới

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra. Năng lượng được giải thoát từ vụ nổ bom hạt nhân được đo bằng kiloton hoặc megaton - tương đương với hàng ngàn và hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (trinitrotoluen). Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân còn gây ra những tác hại nghiêm trọng như đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, hủy hoại môi trường… Các loại vũ khí hạt nhân gồm: bom nguyên tử (còn gọi là bom A), bom khinh khí (còn gọi là bom hydrogen hay bom H), bom neutron, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân.

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh hai quả bom nguyên tử bị quân đội Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945, làm hơn 210.000 người thiệt mạng. Không những thế, hàng nghìn người vẫn tiếp tục thiệt mạng sau đó vì tác hại của phóng xạ.

Trong suốt một thời gian dài sau đó, nhân loại yêu chuộng hòa bình phải sống trong sợ hãi về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sức phá hủy ghê gớm của vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội trên toàn thế giới. Nhằm khắc phục tình trạng này, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng đã liên tục được đàm phán và phát triển ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hình ảnh minh họa về một vụ nổ hạt nhân. (Nguồn: Huffington Post)

Là những quốc gia sở hữu phần lớn số vũ khí hạt nhân của thế giới, Mỹ, Liên Xô (trước đây) và Anh là những nước đầu tiên tham gia vào việc ký kết hiệp định cấm thử hạt nhân. Sau đó, đến năm 1968, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, LHQ đã xây dựng được NPT, đồng thời thúc đẩy xây dựng các hiệp ước quốc tế về các vùng không có vũ khí hạt nhân (NWFZ).

Hiệp ước NPT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/3/1970 và trên thế giới hiện đã có 191 quốc gia tham gia. Tuy NPT đến nay vẫn còn thể hiện nhiều hạn chế lớn, song không thể phủ nhận từ khi có hiệu lực, hiệp ước này đã có những vai trò nhất định trong việc kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như đóng vai trò cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân.

Năm 1996, Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) tiếp tục được thông qua. Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong số đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Để hiệp ước có hiệu lực, cần phải có sự phê chuẩn của 8 quốc gia nằm trong Phụ lục 2 gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ.

Tại kỳ họp 64 vào ngày 2/12/2009, ĐHĐ LHQ đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 29/8 làm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân nhằm mục đích nâng cao nhận thức về những tác động của các vụ thử hạt nhân và sự cần thiết phải chấm dứt những vụ thử như vậy, đồng thời xem đây là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu đảm bảo thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Việc phi quân sự hóa năng lượng hạt nhân cũng đã được đề xuất cho rất nhiều các ứng dụng dân sự và được nhiều nước hưởng ứng. Một tín hiệu đáng mừng là chỉ số an ninh vật liệu hạt nhân cho thấy nhiều tiến bộ ở một số nước. Trong ba năm qua, 7 quốc gia đã từ bỏ urani và plutoni cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi nhiều nước khác cũng đang siết chặt các biện pháp an ninh. Bên cạnh đó, thông qua những hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo tham dự đều nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hạt nhân.

Việc ĐHĐ LHQ nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân đã một lần nữa khẳng định quyết tâm cao của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

(theo UN News Centre, AFP)