Nhỏ Bình thường Lớn

Các chuyên gia nói gì về việc Nga rút quân khỏi Syria?

Quyết định của Tổng thống Vladimir Putin về việc rút quân khỏi Syria có thể đã "gây sốc" cho cộng đồng quốc tế nhưng nhiều nhà bình luận cho rằng đây là một bước đi đầy toan tính.
cac chuyen gia noi gi ve viec nga rut quan khoi syria

Một binh sĩ Nga đứng canh gác ở căn cứ không quân Hemeimeem tại Latakia. (Nguồn: Independent)

Ngày 14/3, sau cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Putin đã ra lệnh rút các lực lượng quân sự chủ chốt của Nga khỏi Syria từ ngày 15/3.

Nhiệm vụ hoàn thành

Phản ứng trước quyết định của ông Putin, hầu hết các nhà bình luận Nga bày tỏ thái độ đồng tình. Họ cho rằng Nga đã “hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra”, đặc biệt là đã hỗ trợ giúp Chính phủ Syria và các phe phái đối lập có cơ hội tìm ra tiếng nói chung. Nhiều người ca ngợi Nga đã thực hiện một chính sách hợp lý, nhất quán và rõ ràng tại Syria.

Bên cạnh đó, giới phân tích còn nhận định rằng động thái này của Moscow là một “bước đi chiến thuật khôn ngoan” trong bối cảnh Nga “đã đạt được các mục tiêu” của mình. Cụ thể là: lấy lại vị thế trên trường quốc tế; nâng cao vai trò trong các cuộc đàm phán, đặc biệt là ngang hàng với Mỹ không chỉ riêng vấn đề Trung Đông mà còn trên nhiều lĩnh vực và khu vực khác; phô trương tiềm lực quân sự; thu hút tập trung của người dân Nga vào các hoạt động quân sự bên ngoài thay vì những dấu hiệu của sự khủng hoảng kinh tế bên trong…

Trong khi đó, nếu Nga tiếp tục duy trì quân đội thì có thể dẫn đến một sự gia tăng căng thẳng giữa các bên và điều đó rất nguy hiểm. Và việc rút lực lượng Nga sẽ làm giảm căng thẳng cho các bên đang tham gia các cuộc đàm phán tại Geneva và trong khu vực nói chung.

Đồng thời, giới quan sát còn đoán định rằng quyết định này của ông Putin có lẽ đang phát đi tín hiệu về một sự tin tưởng mới vào sự ổn định của chính quyền của Tổng thống Assad hoặc cũng có thể là một động thái gây sức ép buộc ông Assad phải ngồi vào bàn đàm phán với các đối thủ chính trị. 

Chiến thuật khôn ngoan

Quyết định trên cũng được đưa ra vào một thời điểm “đặc biệt nhạy cảm”, khi các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian được nối lại tại Geneva (Thụy Sỹ). Việc Nga rút quân không hoàn toàn khiến các lực lượng của ông Assad đơn độc, bởi họ vẫn còn sự hậu thuẫn của Iran và từ lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Theo học giả Andrew J. Tabler tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, Nga sẽ không rời bỏ ông Assad. Thay vào đó, chuyên gia này tin rằng tuyên bố của Nga dường như nhằm “chuyển gánh nặng quân sự lại cho ông Assad để khiến lập trường của ông ấy trên bàn đàm phán sẽ mềm mỏng hơn”.

Moscow gần đây từng kín đáo bày tỏ sự không hài lòng nhất định do trong hai tuần qua, ông Assad và các cố vấn từng có những tuyên bố đi chệch khỏi những mục tiêu Nga đặt ra cho các cuộc đàm phán hòa bình. Mới đây nhất hôm 12/3, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem khẳng định sự lãnh đạo của ông Assad là “ranh giới đỏ” và sẽ không bàn luận gì về việc tổ chức bầu cử Tổng thống.

Mặt khác, điện Kremlin cũng khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại căn cứ không quân ở Latakia, cùng với cơ sở hải quân tại thành phố Tartus (vốn có từ thời Liên Xô cũ). Xét cho cùng, Nga cũng “chẳng mất mát gì khi tuyên bố rút quân” trên lý thuyết. Trong khi thực tế, họ có thể dễ dàng nối lại các cuộc không kích từ căn cứ của mình khi cần và tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Syria cùng các đồng minh khác trên chiến trường.

“Mục tiêu của họ là bảo toàn chính quyền ở một dạng nào đó và đảm bảo rằng Nga sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực, xét về mặt cơ sở hải quân mà hiện tại họ vẫn còn cả một căn cứ không quân”, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị tại Moscow Aleksei Makarkin khẳng định.

Cùng quan điểm trên, nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts phát biểu trên tờ The Guardian rằng, Putin đã có “một bước đi chiến thuật rất khôn ngoan”.

“Sau những gì diễn ra tại Ukraine, phương Tây không muốn bắt tay với Nga và mục tiêu của chiến dịch tại Syria là nhằm buộc phương Tây phải nối lại đối thoại. Giờ điều đó đã xảy ra nên hiển nhiên Nga sẽ rút ra khỏi cuộc xung đột với số tổn thất tối thiểu”, ông Alexander Golts bình luận.

Một số tờ báo phương Tây khác còn đưa ra đánh giá rằng bước đi này của ông Putin đã “đảo ngược tiến trình chiến tranh”, thực hiện một mánh khóe đột ngột khi gửi đi một tín hiệu cho tất cả các lực lượng trong khu vực và đưa họ vào việc giải quyết chính trị cuộc xung đột. Và họ kết luận rằng: “Lại một lần nữa, ông Putin tỏ ra khôn ngoan hơn ông Obama ”.

Trang Thu (tổng hợp)