Ban đầu, quyết định giúp đỡ Tòa án Tối cao Mỹ thi hành án là dễ hiểu khi Canada và Mỹ đã ký kết hiệp định dẫn độ. Ngoài ra, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto chỉ vừa mới đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Ottawa không muốn mạo hiểm.
Song trớ trêu thay, động thái tưởng chừng an toàn này đã đẩy Canada vào giữa hai làn đạn trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, khiến nước này phải hứng hậu quả nặng nề.
Sảy một li, đi nghìn dặm
Đầu tiên, Trung Quốc đã tiến hành bắt giữ ba công dân Canada đang sinh sống và làm việc tại nước này. Thậm chí, cựu nhân viên ngoại giao Michael Korvig, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á của nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã bị bắt giữ cùng thời điểm xét xử bà Mạnh Vãn Chu tại Canada ngày 7/12. Sự “ngẫu nhiên” này có thể đã tác động đến quyết định của Tòa án khi cho phép Giám đốc Tài chính Huawei được tại ngoại ở căn nhà của bà tại Vancouver.
(Nguồn: FIPPA) |
Hai người sau đó, doanh nhân Michael Spavor và một công dân khác chưa được xác định, bị bắt giữ vào ngày 12/12 và 19/12. Cả ông Spavor và ông Korvig đều bị bắt giữ với cáo buộc “gây nguy hại an ninh quốc gia”, song nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Hiện Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum đã được phép tiếp xúc với họ, song động thái này chỉ đơn thuần là đảm bảo liên lạc và không đồng nghĩa ông Korvig và ông Spavor sẽ sớm được trả tự do. Việc ba công dân liên tiếp bị bắt giữ chỉ trong ba tuần đang dần hé lộ cái gọi là “hậu quả khó lường” mà Canada phải hứng chịu khi bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.
Quan trọng hơn, vụ bắt giữ này đã khiến mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc một lần nữa rơi xuống vực thẳm. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Justin Trudeau đã có nhiều động thái cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và tưởng chừng như những nỗ lực đó sẽ đơm hoa kết trái khi hai bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, khi bà Mạnh bị bắt, tiến trình này đã ngay lập tức bị đình trệ, đồng thời Ottawa nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với trừng phạt kinh tế đến từ Bắc Kinh.
Điều này đặt Canada vào tình thế vô cùng khó khăn, khi quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ đang trên đà đi xuống kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, còn bang giao với Trung Quốc, đối tác lớn thứ hai, ngày một xấu đi sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.
Thủ tướng Justin Trudeau nhận thức rất rõ thách thức mà Canada đang phải đương đầu: “Chúng tôi quan ngại rẳng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang đến nhiều hậu quả khó lường đối với Canada nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.” Song giải pháp để thoát ra khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo là điều mà chính phủ của ông vẫn đang tìm kiếm.
Gần ngay trước mắt, xa tận chân trời
Trong ngắn hạn, Canada có thể “trông cậy” vào Thỏa thuận Kinh tế và Thương mại Toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), cũng như từ Hiệp định Đối tác Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 12. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Canada tại những thị trường trong khối, đặc biệt là Nhật Bản.
Ngày 11/12, Ottawa và Tokyo đã đạt được thỏa thuận trong vấn đề xây dựng chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cho ô tô, qua đó mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu ô tô của Canada, nơi sản xuất oto lớn cho Toyota, Honda, General Motors, Ford và Fiat Chrysler.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời và trong tương lai, chỉ có thỏa thuận thương mại dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc mới là giải pháp tốt nhất cho tình thế khó khăn hiện nay của Canada. May mắn thay, đây dường như là điều Washington đang hướng tới. Việc bắt Giám Đốc Tài chính của Huawei và kêu gọi đồng minh “bài” thiết bị viễn thông của họ là hai trong nhiều động thái cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chiếm thế thượng phong để sớm đạt được thỏa thuận có lợi với Trung Quốc vào tháng 3/2019, mà không làm tổn hại tới lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ. Trả tự do cho bà Mạnh nhiều khả năng sẽ là một phần của thỏa thuận, khi đó, Canada sẽ được “giải vây”.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu gì sẽ chùn bước trước Mỹ khi trong bài phát biểu ngày 18/12, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định: “Không ai được quyền ra lệnh cho Trung Quốc nên hay không nên làm những gì”. Đây có thể là phản ứng “ngầm” của ông Tập trước khả năng Mỹ đưa điều khoản chống gián điệp kinh tế, đánh cắp công nghệ hay buộc chuyển giao công nghệ vào trong thỏa thuận thương mại sắp tới.
Khi kẹt trong thế khó và không thể tự quyết định số phận của mình, Ottawa sẽ buộc phải nín thở theo dõi từng đường đi nước bước của Bắc Kinh và Washington. Song khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tương lai của Canada nói chung và nhiệm kỳ của Thủ tướng Justin Trudeau nói riêng vẫn là một câu hỏi không lời giải đáp.