Căng thẳng Mỹ - Iran: Cơ hội nào cho trung gian hoà giải? (Nguồn: USA Today) |
Trên thế giới cũng vốn không thiếu quốc gia hay cá nhân muốn gây dựng vai trò trung gian hoà giải. Vấn đề chỉ là không dễ thành công với sứ mệnh ngoại giao này.
Khi nào cần hòa giải?
Căng thẳng và đối địch hiện tại giữa Mỹ và Iran là một tình trạng như vậy. Ở khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, Mỹ đã triển khai khoảng 54.000 binh lính, rất nhiều vũ khí và thiết bị chiến tranh ở nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều động thêm tầu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và tầu chiến đến khu vực này. Cả hệ thống tên lửa Patriot cũng được Mỹ triển khai. Ông Trump còn đưa thêm đến khu vực 1500 binh lính Mỹ.
Có thể nói Mỹ sẵn sàng xung đột quân sự và chiến tranh với Iran. Trong khi có những cộng sự của ông Trump khao khát chiến tranh với Iran thì ông Trump vẫn luôn quả quyết là bản thân không muốn chiến tranh với Iran, không chủ ý lật đổ thể chế nhà nước chính trị ở Iran và sẵn sàng đối thoại với Iran. Dù vậy, không thể nói là tình hình ở khu vực không căng thẳng và chiến tranh hoàn toàn bị loại trừ. Cơ hội cho ngoại giao trung gian hoà giải cũng ở đấy.
Cho tới hiện tại, Đức và Iraq đã hăng hái tự nhận về vai trò trung gian hoà giải này. Đức đã cử đặc phái viên đi Iran, còn Iraq cũng đã ngỏ ý sẵn sàng đảm trách vai trò trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran, trên thực tế đã có những hoạt động và vận động nhất định để được dành cho vai trò này. Câu hỏi hiện chỉ là liệu giữa Iran và Mỹ thật sự có cơ hội cho ngoại giao trung gian hoà giải hay không ?
Điều kiện để thành công?
Muốn thành công với sứ mệnh này, bên làm trung gian hoà giải phải được cả hai bên xung khắc nể vì, tức là có ảnh hưởng rất quyết định tới hai bên, hoặc thật sự hoàn toàn khách quan và vô tư. Sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải thành công hay không còn phụ thuộc vào hai bên xung khắc có muốn hoà giải với nhau hay không. Khi xưa, Mỹ thành công với vai trò này giữa Israel và Ai Cập nên có được Hiệp ước Camp David bởi Mỹ có thế và ảnh hưởng mà Israel và Ai Cập phải nể vì. Na Uy là nước thành công với vai trò trung gian hoà giải bởi được công nhận là khách quan và vô tư.
Mỹ và Iran tuy đều không muốn để xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau nhưng đều sẵn sàng tiếp tục găng với nhau nhiều hơn là đi vào hoà dịu với nhau. |
Trong trường hợp giữa Mỹ và Iran hiện tại, tất cả 3 nhân tố nói trên đều không có. Mỹ và Iran tuy đều không muốn để xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau nhưng đều sẵn sàng tiếp tục găng với nhau nhiều hơn là đi vào hoà dịu với nhau.
Mỹ đã xô đẩy mối hiềm khích song phương này đi xa tới mức Mỹ giờ không thể tự cài số lùi mà không bị tổn hại thể diện và uy danh. Ông Trump quả quyết sẵn sàng đàm phán với Iran nhưng làm sao Iran có thể tin Mỹ được nữa để tiến hành đàm phán.
Iran sẽ chỉ đàm phán với điều kiện tiên quyết mà Mỹ đời nào chấp nhận điều kiện tiên quyết để đàm phán, không chỉ với Iran mà còn cả với các đối tác và đối thủ khác. Sau này thì chưa biết thế nào chứ hiện tại Mỹ và Iran hoàn toàn không có nhu cầu về cần ai đó làm trung gian hoà giải, chưa sẵn sàng để hoà giải với nhau. Có thể trên danh nghĩa họ không phản đối hay cản trở ai đó như Đức hay Iraq tự đảm trách vai trò này, nhưng trong thực chất chỉ tận dụng và lợi dụng vào mục đích và lợi ích riêng, chứ không quan tâm và coi trọng.
Ai làm được vai trò hòa giải?
Iraq muốn trung gian hoà giải vì Mỹ và Iran căng thẳng với nhau không thôi chứ chưa nói đến xung khắc vũ trang hay chiến tranh với nhau thì Iraq đã bị khó xử và tổn hại. Iraq có quan hệ tốt với cả hai bên. Trên lãnh thổ Iraq có quân đội Mỹ. Iraq tâm đầu ý hợp với Iran thậm chí còn nhiều hơn cả với Mỹ. Iraq như thế thì làm sao Mỹ, dẫu có muốn và cần, chấp nhận để cho sắm vai trò trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran.
Mục tiêu hàng đầu của Đức với việc trung gian hoà giải là thuyết phục Iran không từ bỏ mà tiếp tục thực hiện thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi. Cách tiếp cận của Đức không phải là thuyết phục Mỹ đừng gây sự với Iran mà thuyết phục Iran tiếp tục thực hiện thoả thuận để Mỹ không có cớ gây chiến. Làm sao Iran có thể chấp nhận kiểu cách trung gian hoà giải này.
Cho nên có thể thấy thời điểm hiện tại chưa thích hợp và hiện cũng chẳng thấy có ai thích hợp cho sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran.