Tại vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên này, cử tri Pháp đã đến 10.228 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp để lựa chọn ra 2 trong số 7 ứng cử viên của các đảng cánh hữu tham dự cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017.
Kết quả bất ngờ
Dù chỉ là cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu nhưng cuộc bầu cử này được truyền thông và dư luận Pháp đặc biệt quan tâm. Trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ này, các cử tri lựa chọn ra 2 ứng cử viên trong số 7 ứng cử viên của phe cánh hữu, gồm: Jean-François Copé, François Fillon, Alain Juppé, Nathalie Kosciusko-Morizet, Bruno Le Maire, Jean-Frédéric Poisson và Nicolas Sarkozy.
Từ hai nhân vật này, một cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ được tổ chức vào ngày 27/11 tới để chọn ra ứng cử viên duy nhất đại diện cho cánh hữu tham dự cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4/2017.
Cựu Thủ tướng François Fillon trong vòng vây báo giới sau khi chiến thắng tại cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu. (Nguồn: Reuter) |
Kết quả của vòng bầu cử sơ bộ trên đã gây nhiều bất ngờ khi ứng viên được kỳ vọng như cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại không giành được chiến thắng, khi chỉ giành được 21% số phiếu. Trong khi đó, cựu Thủ tướng François Fillon và Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé với số phiếu tương ứng là 44,1% và 28,3% đã lọt vào vòng hai của vòng sơ bộ.
Ban tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ công bố, với khoảng 85% số phiếu được kiểm, ba ứng cử viên nói trên có sự cách biệt rất lớn so với 4 ứng cử viên còn lại, trong đó người cao nhất là cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire giành không quá 3% số phiếu.
Việc cựu Thủ tướng Fillon giành chiến thắng áp đảo về nhất với sự cách biệt khá xa so với người đứng thứ hai, ông Juppé, cũng là một kết quả hết sức bất ngờ đối với chính giới, người dân và truyền thông Pháp. Trong suốt chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng qua, giới phân tích, truyền thông và trong nội bộ phe cánh hữu, tất cả đều nhận định đây là cuộc đua tay đôi của hai ứng cử viên là Thị trưởng thành phố Bordeaux, ông Juppé và cựu Tổng thống Sarkozy, hai ứng cử viên luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, sau hai cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hồi cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, truyền thông Pháp mới bắt đầu nói đến cuộc đua tay ba giữa ông Juppé, ông Sarkozy và ông Fillon. Mặc dù vậy, việc ứng cử viên Fillon chiến thắng vang dội ở vòng 1 và đối đầu với ông Juppé ở vòng 2 là điều mà nhiều người chưa từng nghĩ tới.
Trong hai ứng cử viên về nhất của các đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử ngày 20/11, ứng cử viên Fillon, 62 tuổi, là gương mặt sáng trong phe cánh hữu với những quan điểm về kinh tế mở cửa và đã có kinh nghiệm chính trường khi ông giữ chức thủ tướng dưới thời Tổng thống Sarkozy (2007-2012). Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bordeaux Juppé, 71 tuổi, là người từng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng Pháp trong các năm (1995-1997) dưới thời Tổng thống Jacques Chirac.
Dư luận Pháp hiện đang rất hồi hộp chờ đón cuộc bầu cử sơ bộ lần hai ngày 27/11 tới để biết ai sẽ là ứng cử viên chính thức đại diện cho phe cánh hữu ra tranh cử tổng thống Pháp.
Cuộc đua khó đoán
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe cánh hữu ngày 27/11 tới sẽ đối mặt với đại diện phái cực hữu là bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia (FN) và đại diện cánh tả (nhiều khả năng là đương kim Tổng thống Francois Hollande) trong cuộc đua vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4/2017.
Trong suốt thời gian qua, chính trường Pháp nói chung đã có không ít biến động. Phe cánh tả cầm quyền hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sự bất đồng trong nội bộ và sự suy giảm uy tín đáng kể. Các đảng cánh tả như Mặt trận cánh tả (FG), đảng Cộng sản Pháp (PCF) hay đảng Xanh từ lâu nay đã tuyên bố không liên minh và không ủng hộ các chính sách của đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Những điều này buộc cánh tả Pháp cũng phải làm một việc hiếm hoi là tổ chức vòng bầu sơ bộ vào tháng 1/2017 tới để chọn ra ứng cử viên đại diện cho cánh tả tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Hiện nhiều khả năng Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ đầu tiên Francois Hollande sẽ tiếp tục là người đại diện cho cánh tả tham gia tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gây bất ngờ khi khi chỉ giành được 21% số phiếu. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, chính tình trạng bế tắc của đảng cánh tả cầm quyền đang là thứ làm nên sức mạnh cho cánh hữu. Cánh tả càng chia rẽ, càng suy yếu thì cơ hội cho cánh hữu giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm sau càng cao. Do đó, đối với cánh hữu, cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 vào ngày 20/11 vừa qua và vòng 2 vào ngày 27/11 tới đây có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đối với chiến dịch tranh cử Tổng thống từ nay tới tháng 4/2017.
Nhìn vào cục diện trên chính trường Pháp hiện nay, hai vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu trên thực tế được không ít nhà phân tích chính trị Pháp coi như là một cuộc bầu cử tổng thống sớm bởi rất nhiều yếu tố cho thấy, ứng cử viên đại diện cho cánh hữu nắm giữ khả năng rất lớn trở thành Tổng thống mới của nước Pháp vào năm 2017.
Tuy nhiên, dù giành được nhiều lợi thế hơn so với cảnh tả, thì phe cánh hữu vẫn phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm, đó là bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia-FN, đại diện cho phái cực hữu. Trong bối cảnh nước Pháp đã và đang xảy ra nhiều vấn đề về an ninh-xã hội, nhập cư, thất nghiệp, thì quan điểm của bà Le Pen trong việc hạn chế tiếp nhận người nhập cư đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều cử tri Pháp.
Nhìn chung, hiện cuộc đua vào điện Elysees năm 2017 vẫn rất khó đoán trước kết quả.