Giới chức Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken, mô tả cuộc họp là sự kiện một lần duy nhất, nơi chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ đối đầu với Trung Quốc về một loạt các vấn đề an ninh và nhân quyền. (Nguồn: AP) |
Khác biệt lớn trong kỳ vọng
Giới chức Mỹ chuẩn bị tham dự cuộc gặp cấp cao đầu tiên với Trung Quốc, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken - đã mô tả đây là sự kiện chỉ diễn ra một lần duy nhất, và ở đó, Mỹ sẽ thẳng thắn đương đầu với Trung Quốc về một loạt vấn đề an ninh, nhân quyền mà Bắc Kinh cần phải giải quyết trước khi có thể cải thiện quan hệ với Washington.
Ngược lại, các quan chức Trung Quốc coi cuộc gặp như cơ hội để Washington và Bắc Kinh thiết lập lại mối quan hệ với tư cách các cường quốc hàng đầu thế giới, xây dựng trật tự quốc tế mới.
Theo kế hoạch, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm văn phòng công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có các cuộc thảo luận với ông Blinken và ông Sullivan tại Anchorage, Alaska trong hai ngày 18-19/3.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken bác bỏ việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc gặp này là "một cuộc đối thoại chiến lược" và khẳng định rằng, ở thời điểm này, Mỹ không có ý định đưa ra bất kỳ cam kết nào.
Đây không phải là điểm căng thẳng duy nhất. Một quan chức Mỹ cho biết, phía Trung Quốc đã bày tỏ không hài lòng với khả năng phải nộp giấy xét nghiệm Covid-19 trước khi gặp các đối tác Mỹ.
| Mỹ tìm cách phối hợp đồng minh Đông Bắc Á đối phó Trung Quốc, dự đoán 'cuộc gặp khó khăn' ở Alaska TGVN. Ngày 11/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, một trong những mục tiêu chính trong chuyến công du tới ... |
Các quan chức hai bên dự kiến cũng không dùng bữa cùng nhau ở Anchorage, mặc dù đây là hoạt động thường có trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao như vậy.
Nhưng đó chỉ là những khác biệt nhỏ giữa hai nước.
Ngoại trưởng Blinken nói trước các nghị sĩ Quốc hội vào tuần trước rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn giữ quan điểm không thay đổi về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, duy trì áp đặt thuế quan như một phần của cuộc chiến tranh thương mại được cựu Tổng thống Donald Trump phát động, và sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, xung đột với Australia về thương mại và đe dọa các đồng minh khác của Mỹ.
Giới chức Mỹ mong đợi tất cả các chủ đề nêu trên sẽ được thảo luận trong cuộc gặp sắp tới.
Hình thức của các cuộc thảo luận vẫn đang được thương lượng, một quan chức Mỹ cho biết, nhưng kế hoạch có thể là tổ chức 3 phiên họp trong 2 ngày.
Vị quan chức này cũng tiết lộ thêm, có thể mỗi bên sẽ có tối đa 10 người tham gia. Việc phái đoàn của hai bên không đông đảo có thể được giải thích là để phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng có thể do bản chất căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, hoặc có thể là cả hai lý do này.
Những tính toán kỹ của Mỹ
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi cuộc gặp là cơ hội để giải quyết vấn đề với Trung Quốc khi Mỹ giữ "vị thế của kẻ mạnh", ông Sullivan nói với các phóng viên vào tuần trước.
Thời gian tổ chức cũng được cân nhắc kỹ lưỡng: ngay sau cuộc họp giữa các quan chức Mỹ với các đối tác quan trọng và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các cựu quan chức Mỹ và một số nhân vật đương chức nhận định, các hoạt động ngoại giao ngay trước thềm cuộc gặp Mỹ-Trung gửi thông điệp đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rằng, mạng lưới liên minh của Washington là lợi thế chính trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh.
Việc lựa chọn Anchorage làm địa điểm tổ chức cuộc gặp cũng mang tính chiến lược: Mỹ muốn cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Biden diễn ra trên đất Mỹ và theo các điều kiện của họ.
Tin liên quan |
Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên |
Danny Russel, người từng giữ vai trò Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định, nhóm cố vấn của ông Biden đã có sự đầu tư, tính toán kỹ lưỡng cho cuộc gặp khi tham vấn trước các đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ông Russel, việc sắp xếp các hoạt động ngoại giao một cách khoa học, tuần tự sẽ giúp Mỹ củng cố lợi thế trước cuộc gặp với Trung Quốc.
Hoàn cảnh cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung lần này khác hẳn so với lần gần đây nhất ông Dương Khiết Trì gặp Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo ở Hawaii, vào tháng 6/2020.
Khi ấy, Mỹ không hề có sự phối hợp công khai nào với các đồng minh, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó chỉ đưa ra thông cáo về cuộc gặp và sự ngắn gọn đó cho thấy cuộc họp dường như diễn ra không mấy tốt đẹp.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh đang hy vọng khôi phục quan hệ song phương bình thường với Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Hai bên cần tôn trọng và đối xử bình đẳng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại, quản lý và xóa bỏ những khác biệt, đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại đúng hướng”.
Truyền thông Trung Quốc tỏ ra ít ngoại giao hơn, chỉ trích Mỹ “lợi dụng” các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để dựng một bức tường thành chống Trung Quốc.
Ngay trong nội bộ nước Mỹ, những nghị sĩ Cộng hòa vốn không hài lòng với cách thức xử lý mối quan hệ với Trung Quốc của chính quyền mới cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc họp, đặc biệt như Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
Ông Rubio đã bày tỏ lo ngại về khả năng chính quyền của ông Biden nhượng bộ Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác nhiều hơn về biến đổi khí hậu – một trong những ưu tiên chính trong chính sách của chính trị gia 78 tuổi.