📞

Châu Âu: Liên minh an ninh vẫn là điều xa vời

09:46 | 31/03/2016
28 thành viên của tổ chức liên chính phủ lớn mạnh nhất thế giới như Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa sẵn sàng để cùng giải quyết các vấn đề an ninh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Independent)

Sau mỗi vụ khủng bố, chính phủ và giới chức EU lại kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai. Phản ứng của EU sau vụ khủng bố Brussels ngày 22/3 vừa qua cũng không có gì khác. 

Sau vụ tấn công, chính phủ các nước Đức, Italy, Pháp và các thành viên Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị một sự phản ứng ở quy mô toàn cầu đối với mối đe dọa khủng bố. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker thậm chí còn đề xuất thành lập một “liên minh an ninh” của khu vực để chống chủ nghĩa khủng bố. Trong cuộc họp ngày 24/3, các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của EU đã nêu bật sự cần thiết phải chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên để chống khủng bố. 

Bất chấp những lời kêu gọi tăng cường hợp tác này, lợi ích quốc gia của từng quốc gia thành viên tới nay vẫn luôn thắng thế và do đó, triển vọng hội nhập của EU liên quan tới các vấn đề an ninh vẫn còn nhiều trở ngại. 

Những rào cản hiện hành

Hiện EU đã có một số cấu trúc an ninh tầm khu vực. Trong đó, phải kể tới Văn phòng cảnh sát châu Âu (Europol) có nhiệm vụ đối phó với tội phạm tình báo, tội phạm có tổ chức quốc tế; có Frontex – lực lượng biên phòng của EU điều phối hoạt động hợp tác giữa lực lượng kiểm soát biên giới các nước nhằm đảm bảo an ninh biên giới vòng ngoài của EU. Ngoài ra, còn có Eurojust, điều phối hoạt động điều tra và truy tố giữa các nước thành viên, nhất là với các dạng tội phạm xuyên quốc gia. 

Tuy nhiên, do nhiệm vụ chính của các cơ quan này chủ yếu mang tính chất hậu cần, điều phối hoạt động và nguồn lực giữa các nước thành viên, do vậy, các tổ chức trên có ít nhân viên và nguồn lực để thực thi nhiệm vụ. 

EU phải đối mặt với những rào cản để có thể thành lập được một mạng lưới an ninh chung. Một là, 28 quốc gia thành viên có những ưu tiên riêng, nguồn lực và mức độ chuyên môn khác nhau trong cuộc chiến chống tội phạm quốc tế và chủ nghĩa khủng bố. Những nước lớn như Pháp, Anh và Đức có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố và có đủ nhân lực, vật lực để vận hành các cơ quan an ninh, tình báo đồ sộ chống khủng bố. Với các nước nhỏ hơn, có ngân sách và trình độ chuyên môn khiêm tốn hơn, đây là cả một gánh nặng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Các vụ tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng về an ninh của Bỉ, với lực lượng mỏng khi phải giám sát lực lượng ngày càng đông những phần tử thánh chiến quay trở về từ nước ngoài. Mối đe dọa khủng bố đang buộc các nước phải đầu tư nhiều hơn vào chi tiêu cho an ninh sau nhiều năm cắt giảm. Nhưng ngay cả những nước giàu có như Đức cũng phải đối diện với khó khăn tương tự. Hôm 23/3, Chính phủ Đức thông báo kế hoạch tăng ngân sách an ninh nội địa lên thêm 2,1 tỷ Euro cho tới năm 2020, song Phó Giám đốc Cảnh sát Liên bang Đức cảnh báo số tiền này vẫn chỉ như "muối bỏ biển". 

Cùng với những nỗi lo về ngân sách, lực lượng an ninh các nước EU còn phải hoạt động trong môi trường nơi người dân được tự do đi lại giữa các quốc gia, song các cơ quan an ninh tình báo lại không có điều kiện đó. Vài giờ sau vụ tấn công Brussels, một số chính phủ trong EU nhấn mạnh các nước thành viên cần chia sẻ thêm thông tin về những mối đe dọa an ninh tiềm tàng như họ từng làm sau vụ Paris hồi tháng 11/2015. Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thừa nhận rằng các nước thành viên EU không muốn chia sẻ mọi thông tin mà họ có cho các đồng nghiệp và EU chưa kết nối được những kho dữ liệu riêng của từng quốc gia. Thông tin một trong những kẻ đánh bom liều chết tại Brussels từng bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ và bị trục xuất về Hà Lan, nơi sau đó tên này đã được thả, chứng minh điều này. 

Vấn đề phiên dịch giữa các nước châu Âu càng làm vấn đề thêm rối rắm khi các nước thành viên sử dụng những hệ thống phiên âm tiếng  Ả rập khác nhau, vốn có thể dẫn tới những sơ suất trong quá trình giám sát những phần tử cực đoan.

Câu hỏi về chủ quyền

Mặt khác, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo là vấn đề nhạy cảm. Tại một khu vực nơi hàng hóa, con người và dịch vụ đã được phép tự do di chuyển giữa các quốc gia, thì việc trao đổi thoải mái hơn về thông tin tình báo có vẻ lôgích. Tuy nhiên, sự hợp tác hạn chế của châu Âu đối với các vấn đề an ninh cho thấy rằng dù sau 60 năm hội nhập, ở góc độ nào đó, EU vẫn chưa phải là một liên minh thực sự. Mặc dù các nước thành viên sẵn sàng từ bỏ vấn đề chủ quyền đối với một số vấn đề như thương mại hay lao động, các nước này vẫn chưa thể nhượng bộ trong các vấn đề nhạy cảm như an ninh quốc gia. Các hiệp ước của EU đã thừa nhận điều đó. Thực tế này lý giải tại sao các vấn đề liên quan tới liên minh tiền tệ hay khu vực thương mại tự do thường được bỏ phiếu thông qua với đa số tán thành, trong khi các nước bảo lưu quyền phủ quyết đối với các vấn đề thuộc an ninh hoặc chính sách đối ngoại. 

Có ý kiến cho rằng với các mối đe dọa mang tính toàn cầu – từ chủ nghĩa khủng bố tới cạnh tranh thương mại, cần có những phản ứng ở tầm toàn cầu. EU đã đạt tới mức độ là một liên minh khu vực mà bất kỳ sự hội nhập sâu hơn nữa nào của các nước thành viên sẽ đòi hỏi từng quốc gia phải từ bỏ những điều thuộc về niềm tự hào dân tộc, chủ quyền quốc gia – đều là những vấn đề rất quan trọng với từng nước. 

Những trở ngại mà EU phải đối mặt hiện nay không chỉ là hợp tác về an ninh. EU còn đang phải đấu tranh để thành lập một hệ thống nơi sự giàu có của các quốc gia phía Bắc được tái phân bổ cho các nước phía Nam và cho các nước bị mất khả năng kiểm soát chính sách tài khóa. Châu Âu không thể trở thành một “Hợp chủng quốc” như đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Châu Âu cũng khó có được một cơ quan tình báo liên bang hay một quân đội liên bang. Việc thành lập các thể chế như trên sẽ cần thay đổi hiệp ước thành lập EU, một quyết định mà các nước thành viên không muốn thực hiện, đặc biệt khi chủ nghĩa dân tộc đang lên ở châu Âu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của châu Âu đã kéo theo cuộc khủng hoảng về việc làm và khủng hoảng chính trị. Cuộc khủng hoảng nhập cư và chủ nghĩa khủng bố chỉ là những gia vị làm gia tăng sự chia rẽ về chính trị của châu Âu. Các nước thành viên ngày càng khó khăn hơn trong việc đưa ra những phản ứng thống nhất trước khủng hoảng.

Trong tình hình đó, những quyết định của từng quốc gia đã thay thế cho chính sách chung của EU. Chẳng hạn như các nước thành viên EU đã phản đối việc áp đặt hạn ngạch nhận người tị nạn và đấu tranh để bảo vệ quyền kiểm soát biên giới. Các đảng phái chính trị ôn hòa ở các nước vẫn đang ra sức bảo vệ Thỏa thuận Schengen và tự do lưu thông trên thị trường lao động. Nhưng các phong trào đối lập quốc gia chủ nghĩa đang nổi lại lên tiếng yêu cầu tái thiết lập biên giới quốc gia, siết chặt luật về nhập cư. 

Dù còn nhiều bất đồng, việc tăng cường hợp tác về an ninh không phải là điều không thể với EU. Trong những tháng tới, các thể chế như Europol và Frontex có thể sẽ được cung cấp thêm nguồn lực và EU sẽ thảo luận về các kế hoạch nhằm xây dựng một đường biên giới liên minh an toàn, cùng lực lượng bảo vệ bờ biển mạnh hơn. EC cũng sẽ thúc đẩy sự chia sẻ tốt hơn về dữ liệu an ninh, tăng cường các biện pháp an ninh ở sân bay.

(Theo Stratfor)