📞

Chính sách châu Á và Trung Quốc của Tổng thống Obama

23:00 | 24/09/2016
Đã đến lúc nhìn lại mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, những lợi ích của Mỹ tại châu Á và những thành quả gần đây mà Tổng thống Obama đạt được tại khu vực này.

Trong lịch sử, các vấn đề toàn cầu rất ít khi được giải quyết một cách dứt khoát và nhanh chóng mà phải cần có thời gian, chẳng hạn như sự sụp đổ của Liên Xô hay thống nhất Đông Đức và Tây Đức... Và dưới thời Tổng thống Obama, phương châm này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những chính sách của Mỹ tại châu Á.

Ông Obama đáp xuống sân bay Hàng Châu hôm 3/9. (Nguồn: Reuters)

Những câu chuyện thành công tại châu Á

Không giống như một Trung Đông luôn ở trong tình trạng hỗn loạn và khủng hoảng hay một châu Âu với sự thống nhất luôn bị đe dọa, châu Á là một khu vực có nền kinh tế năng động và môi trường hòa bình, ổn định. Hơn nữa, châu Á là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, là cái nôi của những công ty, công nghệ làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu cũng như là nơi mang lại hàng trăm tỷ USD thương mại, đầu tư cũng như nguồn nhân lực lao động tại Mỹ.

Những dấu hiệu tích cực này là thành quả của chính sách đối ngoại lưỡng đảng tại Mỹ. Nó đã góp phần củng cố hệ thống liên minh vững chắc, nâng tầm liên kết kinh tế với những đối tác châu Á, xây dựng mối quan hệ tích cực với một Trung Quốc đang trên đà phát triển và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực.

Tổng thống Obama tin rằng, lợi ích mà Mỹ theo đuổi có mối quan hệ chặt chẽ với những khu vực có nền kinh tế phát triển, ví dụ như mối quan hệ khăng khít của Mỹ với một châu Âu thịnh vượng và năng động trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này có nghĩa là Mỹ vừa không muốn duy trì hiện trạng khu vực, cũng không muốn gây mất ổn định tại nơi đây. Vì vậy, Mỹ cần phải có một chính sách cân bằng trong việc ứng phó với một Trung Quốc đang gia tăng về sức mạnh kinh tế, quân sự cũng như chính trị. Hiện Trung Quốc được xem như là nỗi lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực và là đối thủ chiến lược tiềm tàng của Mỹ trong tương lai.

Trung Quốc và châu Á có mối quan hệ chặt chẽ với lợi ích của Mỹ. (Nguồn: Asi Art Archive in America)

Nguyên tắc xuyên suốt 

Chính sách Trung Quốc của Tổng thống Obama là một sự tiếp nối trong chính sách của các Tổng thống Mỹ trước đây kể từ thời Richard Nixon. Cơ sở hoạch định chính sách này dựa trên một số nguyên tắc bao gồm: chấp nhận sự gia tăng ảnh hưởng trên thế giới của một Trung Quốc phát triển hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế; xây dựng mạng lưới liên kết rộng lớn, quan hệ khăng khít với giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc; bảo vệ các đồng minh và đối tác trong khu vực cam kết an ninh và hiện diện quân sự trong trường hợp xấu nhất xảy ra; và thiết lập một khuôn khổ hợp tác đa phương chính thức bao gồm Mỹ, Trung Quốc và những nước khu vực khác.

Bên cạnh đó, những thành tựu to lớn của Mỹ tại khu vực trong thời gian qua bao gồm việc thành công thiết lập nền Dân chủ tại Myanmar; quyết định gia nhập Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và những nỗ lực nhằm nâng tầm Hội nghị này trở thành diễn đàn an ninh chính của khu vực; tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh khác; và đưa quan hệ với 10 quốc gia thành viên ASEAN đi vào chiều sâu.

Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN. (Nguồn: AP)

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Obama đã từng bước cải thiện quan hệ hợp tác và tính minh bạch, cùng với thực hiện những biện pháp tăng cường an ninh của đồng minh tại khu vực. Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán và đi đến thỏa thuận quân sự nhằm tránh những sự cố va chạm trên biển và không phận quốc tế. Ngoài ra, chính quyền Obama đã thỏa thuận thành công với Trung Quốc trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân tại Iran; đặt ra định mức cho lượng khí thải nhà kính gây nên thay đổi khí hậu; và tăng cường an ninh mạng trong vấn đề sở hữu trí tuệ của những doanh nghiệp Mỹ.

Bên cạnh những thỏa thuận đó, Mỹ cũng tăng cường hiện diện hải quân của mình tại biển Đông và lần đầu tiên đưa ra chính sách lâu dài của mình tại biển Đông một cách toàn diện. Chính sách nay chủ yếu xoay quanh việc Mỹ sẽ gửi một số hạm đội hải quân và không quân tiến bộ bậc nhất của mình đến khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định sự đảm bảo an ninh Nhật Bản đối với những quần đảo đang xảy ra tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Những nhiệm vụ dang dở

Cuộc gặp mặt cuối cùng giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với những lãnh đạo cấp cao châu Á khác đã nêu lên hai thách thức lớn đối với chính sách của Mỹ tại châu Á.

Thách thức thứ nhất đó là những khó khăn chồng chất trong vấn đề đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình; hợp tác trong việc đẩy lùi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; xây dựng một mối quan hệ bình thường, tích cực với Nhật Bản. Liệu Bắc Kinh có hướng tới một thể chế thương mại và đầu tư bền vững hơn cũng như tháo dỡ những chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc và trọng thương khiến các quốc gia khác phải trả đũa bằng những hàng rào thuế quan và làm giảm đi sự thịnh vượng toàn cầu hay không? Người nắm đáp án trả lời những câu hỏi nay chỉ có thể là Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay sẽ giúp cho Trung Quốc tìm được câu trả lời. Giờ đây chính sách ngăn chặn của Mỹ hay sự cô lập Trung Quốc sẽ không thể đi đến những kết quả mong muốn. Trong nhiệm kỳ của mình,Tổng thống Obama chưa thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong những vấn đề kể trên nhưng những gì ông đạt được đã thể hiện những tiến bộ vượt bậc và tạo tiền đề vững chắc giúp vị tổng thống kế nhiệm có thể làm tốt hơn.

Chính trị Mỹ đang đối mặt với nhiều thử thách. (Nguồn: Business Insider)

Thách thức thứ hai đến từ tình hình nội tại nước Mỹ. Nó bắt nguồn tư những những đề xuất vô lý của ông Donald Trump - Ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới - đó là cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân; từ bỏ liên minh nếu đối tác của Mỹ không có những “chia sẻ công bằng”; áp mức thuế 45% với Trung Quốc; và quay lưng lại với những xúc tiến về thương mại tự do.

Tất cả những đề xuất này nếu trở thành sự thật thì sẽ là một bước thụt lùi, một sự phá hoại tất cả những thành tựu của Tổng thống Obama và những người tiền nhiệm đã phấn đấu nhằm xây dựng một châu Á hòa bình và thịnh vượng phục vụ những lợi ích của Mỹ. Đàm phàn đi đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những thành tựu điển hình trong chính sách “xoay trục” châu Á của Tổng thống Obama, có thể cũng sẽ trở thành nạn nhân của chính trị trong nước Mỹ. Nếu như TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, thì nó sẽ cần phải được nhanh chóng thông qua vào nhiệm kỳ tới của Tổng thống kế nhiệm. Nếu không uy tín của Mỹ sẽ mất đi trong mắt các quốc gia châu Á mà từ trước tới nay họ luôn xem Mỹ như một đối tác tin cậy.

 

 

(theo Viện Brookings)