📞

Chìa khóa giúp Mỹ thành công ở châu Á

06:02 | 18/01/2018
Mới đây, The Hill - tờ báo thu hút sự quan tâm lớn của chính giới Mỹ đã đăng bài phân tích về chính sách của Mỹ ở châu Á của ông Max Baucus, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (nhiệm kỳ 2014-2017).

Đông Á đang đối mặt với hàng loạt thách thức, với sự nổi lên của các cường quốc khu vực, siêu cường thế giới, những mối đe dọa toàn cầu, xuyên quốc gia và đan xen về lợi ích. Việc giải quyết những thách thức khu vực đòi hỏi một tầm nhìn khu vực và những quốc gia không thể bị "sa lầy" vào tình hình chính trị nội bộ hay những mối lo ngại hàng ngày.

Tìm kiếm sự ổn định cho khu vực

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ "hướng tới" châu Á với sự thừa nhận rằng khu vực này có tầm quan trọng rất lớn đối với thương mại và an ninh quốc gia Mỹ. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng liên quan đến thương mại và an ninh, việc các nước Đông Á duy trì ổn định, chủ động dự báo và xử lý những vấn đề đối nội, đối ngoại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, mục đích là để tiếp tục thu hút đầu tư của Mỹ và duy trì sự thịnh vượng, phát triển trong khu vực. Thiện chí đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đối với lãnh đạo Kim Jong-un là một khởi đầu đáng khích lệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 7/11/2017 tại Hàn Quốc. (Nguồn: AP)

Các nước Đông Á đang trông chờ vào vai trò lãnh đạo của Mỹ để tìm kiếm sự ổn định và trật tự. Đáng tiếc là Mỹ đang phí phạm niềm tin đó. Việc Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thực hiện chính sách "nước Mỹ trước tiên", cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến lợi thế khu vực bắt đầu nghiêng cán cân về phía Bắc Kinh.

Về lĩnh vực an ninh, sự mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là căn nguyên của những căng thẳng. Đối với vấn đề Triều Tiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn giảm thiểu căng thẳng và tránh xung đột quân sự. Lịch sử cho thấy Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc là những bên chịu ảnh hưởng nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ với Triều Tiên. Điều này buộc mỗi quốc gia đều phải cố gắng hơn trong việc duy trì hòa bình khu vực.

Những mối đe dọa từ Triều Tiên đã đưa Tổng thống Moon Jae-in tới gần hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong lúc đó, thỏa thuận tự do thương mại (FTA) Mỹ - Hàn lại tạo ra sự bất đồng giữa Washington với đồng minh lâu đời này trong bối cảnh Seoul đang ở giai đoạn chuyển giao chính quyền. Sự bất ổn còn đe dọa đường hướng phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Vụ bê bối của Samsung - tập đoàn gia đình nổi tiếng và lớn nhất của Hàn Quốc - đã tạo ra cảm giác rằng chính trị, chứ không phải những bằng chứng thực tế, đang chi phối nền tư pháp của nước này. Dù kết quả xử lý vụ bê bối này thế nào đi nữa, nó cũng làm phức tạp hóa chương trình cải tổ đầy tham vọng của Tổng thống Moon.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Financial Tribune)

Thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ - Đông Á

Việc Mỹ giữ vững sự can dự của mình đối với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á khác tại thời điểm này quan trọng hơn bao giờ hết. Tác giả Max Baucus cho rằng khi còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, ông đã đi đầu trong các nỗ lực đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Lý do là bởi ông tin rằng tư cách thành viên của WTO sẽ buộc Trung Quốc phải hành động như một thành viên dẫn đầu và bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông Baucus cũng nhấn mạnh, sau 3 năm đảm nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông ngày càng thấy rõ hơn việc Trung Quốc có khát vọng sâu xa trở thành một cường quốc toàn cầu không có đối thủ.

Trong bối cảnh đó, về phía đồng minh lâu đời của Mỹ, cùng với việc giải quyết tình trạng hỗn loạn ở Samsung để bảo vệ nền kinh tế Hàn Quốc thì vấn đề FTA Mỹ - Hàn nếu được kiểm soát tốt sẽ có thể cải thiện quan hệ thương mại giữa Seoul và Washington. Hai bên có lợi ích trong việc duy trì quan hệ song phương ổn định và đôi bên cùng có lợi.

Theo tác giả Baucus, việc làm sâu sắc và đẩy mạnh hơn quan hệ thương mại của Mỹ ở châu Á sẽ tốt cho lợi ích của Mỹ, trong đó FTA Mỹ - Hàn là nền tảng của chiến lược này. Điều quan trọng là Mỹ cần duy trì sự tin cậy của một đối tác thương mại và điều đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp Mỹ hành động sáng suốt và bền vững.

Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc và cách hành xử nguy hiểm của Triều Tiên cũng như quá trình chuyển giao kinh tế, chính trị tại Hàn Quốc là những vấn đề có thể tác động đến lợi ích của Mỹ ở châu Á. Chỉ có cách cam kết chắc chắc về vị trí lãnh đạo và củng cố hợp tác với các đồng minh thì Mỹ mới có thể đẩy mạnh vai trò và thúc đẩy các lợi ích tương hỗ ở khu vực. 

(theo TTXVN)