Ngày 3/7, Tổng thống Vladimir Putin thông qua Chiến lược an ninh quốc gia mới trong bối cảnh Nga đang gặp nhiều thách thức, từ dịch Covid-19, kinh tế suy giảm tới các vấn đề khu vực và quốc tế.
Nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ đại dịch Covid-19, nguy cơ phục hồi kinh tế chậm, tới các vấn đề khu vực và quốc tế. (Nguồn: Getty Images) |
"Gọi tên" thách thức
Về đối nội, Moscow tiếp tục chịu sức ép lớn từ dịch Covid-19. Dù là quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19, song Nga có tốc độ tiêm chủng tương đối chậm, khi chỉ 16% dân số đã tiêm một mũi vaccine Covid-19.
Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 biến thể Delta lây lan nhanh càng khiến tình hình tại đây khó kiểm soát hơn. Trong ngày 4/7, nước này đã ghi nhận thêm 25.142 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, với số ca tử vong đạt kỷ lục mới, 679 ca.
Đáng ngại hơn, điều này có thể đe dọa tới triển vọng phục hồi kinh tế Nga. Sau khi giảm 3% năm 2020, mức cao nhất trong 11 năm qua, tăng trưởng của xứ bạch dương đã có tín hiệu tốt do nhu cầu mua sắm tăng cao và từng được dự báo tăng trưởng trở lại 3-4%. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 thấp có thể khiến mục tiêu trên trở nên xa vời hơn.
Về đối ngoại, Thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden ba tuần trước tại Geneva đã đạt một số kết quả tích cực như nhất trí để hai Đại sứ trở lại địa bàn công tác, ra tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong ổn định chiến lược hay an ninh mạng.
Mặt khác, Moscow và Washington vẫn duy trì khoảng cách. Tổng thống Joe Biden khẳng định sẵn sàng “rắn” với Nga nếu bị tấn công mạng hay can thiệp kinh tế, Mỹ vẫn duy trì trừng phạt với công ty Nga tham gia dự án Nordstream 2 và khuyến cáo công dân không du lịch xứ bạch dương.
Đáp lại, Nga kiên định lập trường trong các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là Biển Đen, bán đảo Crimea hay chiến sự vùng Donbass, Đông Ukraine. Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nhấn mạnh quan hệ song phương sẽ khó cải thiện nhanh nếu còn trừng phạt.
Về Đông Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng hiện nay, Mỹ “không có gì để làm ở Donbass”.
Ngược lại, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung Quốc được ông chủ điện Kremlin đánh giá là đang “ở cấp độ cao nhất trong lịch sử hai nước”, với sự tin cậy và hợp tác cao độ trong tất cả các lĩnh vực.
Hưởng ứng thông điệp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/6 cho rằng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, quan hệ hai nước đã đứng vững trước biến động quốc tế và là hình mẫu kiểu mới về quan hệ nước lớn.
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục căng thẳng khi hai bên tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Châu Âu cũng thể hiện lập trường cứng rắn khi nhiều lần đề cập thách thức từ Moscow trong Thông cáo chung của Thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với giọng điệu gay gắt.
Đáp lại, Nga chỉ trích việc NATO xem xét kết nạp Ukraine hay bất kỳ động thái nào nhằm cô lập Moscow. Điện Kremlin theo dõi sát sao mọi diễn biến tập trận chung Sea Breeze 2021 do Ukraine tổ chức từ ngày 28/6-10/7 trên Biển Đen, với sự góp mặt của Mỹ và nhiều nước châu Âu khác.
Bốn điểm nhấn lớn
Trong bối cảnh đó, Chiến lược an ninh quốc gia Nga, xác định ưu tiên cao nhất của nhà nước phục vụ người dân, đã phác thảo hướng đi mới cho xứ bạch dương thời gian tới với bốn điểm nhấn lớn.
Thứ nhất, đó là củng cố nội bộ, bảo đảm an ninh kinh tế. Theo đó, chính phủ Nga cần thiết lập điều kiện phù hợp cho phục hồi kinh tế sau đại dịch để tăng trưởng với tốc độ cao hơn trung bình toàn cầu.
Chiến lược cũng đề xuất cải thiện tính độc lập cho nền kinh tế, thông qua việc giảm phụ thuộc nhập khẩu trong một số lĩnh vực chủ chốt và hạn chế sử dụng USD trong giao dịch nước ngoài.
Xét thực trạng kinh tế Nga trước làn sóng Covid-19 những ngày qua, nhiệm vụ này là khả thi, song sẽ phụ thuộc vào công tác chống dịch và chính sách hỗ trợ phục hồi của Moscow thời gian tới.
Chiến lược an ninh quốc gia mới cho thấy sự thức thời và quyết đoán của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Thứ hai, Chiến lược an ninh quốc gia mới nhấn mạnh việc giữ gìn giá trị cốt lõi và đề cập các thách thức an ninh phi truyền thống. Liên quan tới an ninh mạng, văn bản mong muốn bảo vệ xã hội “khỏi những thông tin phá hoại và tác động tâm lý, xây dựng không gian mạng an toàn”.
Chiến lược cũng nhấn mạnh về giữ gìn, củng cố các giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống, di sản văn hóa và lịch sử của người Nga. Đồng thời, văn bản này kêu gọi bảo vệ sinh thái, môi trường, tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ.
Có ba ý xung quanh câu chuyện này. Đầu tiên, Nga muốn chứng minh rằng tấn công mạng không chỉ là vấn đề của riêng Mỹ, mà của tất cả các quốc gia và xứ bạch dương không phải ngoại lệ. Thêm vào đó, việc nhắc tới nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, từ tấn công mạng tới biến đổi khí hậu, phản ánh cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Moscow với các vấn đề chung toàn cầu.
Quan trọng hơn, Moscow hiểu rõ tầm quan trọng của các vấn đề trên tới tương lai của nước Nga, từ giữ gìn giá trị cốt lõi tới giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Từ đó, chính quyền Tổng thống Putin sẽ tích cực tìm kiếm giải pháp, đưa xứ bạch dương phát triển nhanh, độc lập và bền vững, với bản sắc riêng.
Thứ ba, về đối ngoại, Nga vẫn tỏ ra thận trọng trong quan hệ với phương Tây. Chiến lược an ninh quốc gia Nga nhận định môi trường địa chính trị bất ổn và xung đột là kết quả của sự phân chia lại tiềm lực phát triển toàn cầu, với “một số quốc gia cố gắng níu giữ vị thế dẫn đầu thông qua các biện pháp cạnh tranh không công bằng, trừng phạt đơn phương hoặc công khai can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.” Không khó để thấy đối tượng được Nga nhắc tới ở đây là Mỹ.
Thêm vào đó, Nga sẽ duy trì cách tiếp cận chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột. Tuy nhiên, Moscow sẵn sàng chặn đứng mọi hành động “không thân thiện” từ bên ngoài nhằm “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đây là lời nhắc nhở về lập trường cứng rắn của Nga về bán đảo Crimea và các hoạt động quân sự gần đây của khối NATO gần biên giới xứ bạch dương.
Một cuộc thượng đỉnh tích cực với Mỹ hay hợp tác nhỏ lẻ với vài nước châu Âu là chưa đủ để mang đến thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Nga thời gian tới. |
Thứ tư, Nga kêu gọi mở rộng quan hệ với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, Moscow muốn mở rộng hợp tác chiến lược với New Delhi, song song với phát triển quan hệ đối tác toàn diện cùng Bắc Kinh. Sputnik cho rằng chính sách này hướng tới xây dựng một tiến trình đảm bảo ổn định, an ninh khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương, tách biệt hoàn toàn với các cơ chế do Mỹ dẫn dắt.
Đề cập “xung đột vũ trang leo thang thành chiến tranh địa phương và khu vực giữa các quốc gia hạt nhân”, Chiến lược an ninh quốc gia Nga rõ ràng muốn nhắc khéo về mối nguy hiểm tiềm ẩn trong căng thẳng tại biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, vốn chưa được giải quyết triệt để.
Mối quan hệ Nga-Trung Quốc khăng khít là điều không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc đưa nó vào trong Chiến lược an ninh quốc gia có thể nhắn nhủ rằng Washington cần thiện chí hơn, tỷ như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, để có thể “chèo kéo” Moscow trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.
Từ đó, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có thể khéo léo tận dụng vai trò trong tam giác Mỹ-Nga-Trung để tìm kiếm lợi ích từ cả hai bên còn lại, củng cố vị thế và tiềm lực, đưa nước Nga phát triển theo tầm nhìn định sẵn.
Thức thời trước tình hình mới, quyết đoán để thành công là vậy.