📞

Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ và bất ngờ Việt Nam

Vũ Đăng Minh 09:44 | 03/11/2020
TGVN. Ngoại giao luôn chứa đựng những bất ngờ. Nhưng mọi bất ngờ đều dựa trên nền tảng cơ bản. Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo ngày 29-30/10 là một trường hợp như thế. Bình luận của TG&VN.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Indonesia ngày 29/10. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Chuyến công du “đánh chặn”

Hội nghị chính thức cấp bộ trưởng Bộ Tứ (Quad) lần thứ 2 ngày 6/10 tại Tokyo, Nhật Bản, tiếp tục khẳng định thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), hình thành một mặt trận rộng rãi kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu là vậy, nhưng Bộ Tứ vẫn chưa chế hóa, định dạng rõ khuôn khổ pháp lý, chưa thống nhất về mở rộng “bộ khung”, xây dựng “NATO châu Á” mới chỉ là ý tưởng của Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào đoạn nước rút mà dấu hiệu bất lợi đang nghiêng về đương kim tổng thống. Nếu ông Joe Biden đắc cử, Trung Quốc có thể hạ xuống thách thức thứ 2 sau Nga; FOIP có thể phải điều chỉnh bước đi, nhịp độ. Mỹ cần trấn an đồng minh, đối tác khu vực về chính sách đối ngoại không thay đổi.

Trung Quốc tiếp tục các cuộc diễn tập quân sự, ăn miếng trả miếng với Mỹ trong vấn đề Đài Loan; cảnh báo Mỹ “không nên làm điều gì phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định”! Tận dụng con bài kinh tế hậu đại dịch, Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), gia tăng ảnh hưởng cả ở châu Á-Thái Bình dương và Ấn Độ Dương. Trong khi FOIP của Mỹ và Bộ Tứ tỏ ra chậm chân hơn.

Ý đồ của Mỹ là xây dựng mạng lưới kết nối các đối tác trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, lấy Bộ Tứ làm hạt nhân kết hợp với các đối tác quan trọng ở những “điểm nút”. Mỹ là người khởi xướng, dẫn dắt FOIP, gánh vác trọng trách thương thuyết, lôi kéo các đối tác tham gia.

Ngoại trưởng Michel Richard Pompeo tuyên bố công khai mục đích trước khi đến Ấn Độ ngày 26/10: cảm ơn cơ hội kết nối với các đối tác của chúng tôi để thúc đẩy tầm nhìn chung về FOIP, bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng.

Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ đầu tháng 10 phải cắt ngắn (không đến Hàn Quốc, Mông Cổ), vì Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19. Chuyến công du từ ngày 26-30/10, tiếp nối hành trình dang dở là thường tình trong bối cảnh “bình thường mới” của Mỹ và khu vực. Dư luận quốc tế gọi chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ là “đánh chặn Trung Quốc”!

Những điểm đáng chú ý

Tháng 2/2020, Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ, ký kết thỏa thuận quốc phòng trị giá hơn 3 tỷ USD. Tháng 3/2020 diễn ra hội nghị cấp thứ trưởng Bộ Tứ trực tuyến, một số nước được mời tham gia đối thoại gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam, trao đổi về “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”.

Tháng 7/2020, Mỹ-Nhật Bản-Australia và Mỹ-Ấn diễn tập quân sự trên biển. Cuối tháng 8/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm quốc đảo Palau trước khi gặp người đồng cấp Nhật Bản ở Guam. Ngày 6/10, Ngoại trưởng Bộ Tứ gặp nhau ở Nhật Bản; dự kiến tổ chức diễn tập thường niên Malabar vào tháng 11/2020… Tần suất hoạt động hiếm có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điều khác thường, chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ chọn Ấn Độ làm điểm khởi đầu là có lý do. Trong Bộ Tứ, Ấn Độ có vị trí địa chiến lược quan trọng, đang xung đột biên giới với Trung Quốc, nhưng không phải là đồng minh của Mỹ.

Tuyên bố chung Mỹ-Ấn Độ thể hiện quan điểm gần gũi về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, về thách thức từ Trung Quốc; thể chế hóa khung khổ quan hệ, hợp tác chặt chẽ hơn về chiến lược, quân sự mà không phải ràng buộc trong 1 liên minh; giảm sự phụ thuộc quá mức vào mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo (thay đổi sau các kỳ bầu cử)...

Thông qua việc ký Hiệp định Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA), cùng với 3 hiệp định trước, Ấn Độ trở thành đối tác quốc phòng chủ chốt (MDP), toàn diện, bền vững, được chia sẻ tình báo, hỗ trợ hậu cần, cung cấp vũ khí...

Mỹ thúc đẩy Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, củng cố liên minh Bộ Tứ, kiềm chế Trung Quốc và thu lợi từ bán vũ khí.

Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kennet đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại sân bay ở thủ đô New Delhi ngày 26/10. (Nguồn: AFP)

Đông Nam Á, tâm điểm kết nối 2 đại dương là một trọng điểm cần lôi kéo. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á, thông qua chiến thuật “cắt lát Salami” gia tăng chi phối ASEAN.

ASEAN tìm cách tiếp cận riêng, vừa tận dụng sự hậu thuẫn từ bên ngoài để hạn chế sự lấn lướt cứng rắn từ Trung Quốc, vừa không bị kẹt giữa Bộ Tứ và Trung Quốc.

Để lôi kéo ASEAN, Mỹ tập trung vào các nước có vai trò dẫn dắt. Trong đó, Indonesia, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á, có ảnh hưởng lớn đối với ASEAN về kinh tế, ngoại giao.

Lịch trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ có 3 quốc đảo Sri Lanka, Maldives và Indonesia; Maldives là chuyến thăm đầu tiên trong vòng 16 năm qua. Điều đó cho thấy sự quan tâm hiện nay của Mỹ đối với các vùng biển chiến lược.

Sri Lanka, Maldives có quan hệ với cả Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng đang có xu hướng ngả sang Trung Quốc. Sri Lanka phải gán cảng Hambantota 99 năm cho doanh nghiệp Trung Quốc để lấy 1,1 tỷ USD trả nợ chính Trung Quốc. Trước đó, ngày 9/10, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến thăm Sri Lanka.

Ngoại trưởng Mỹ mang đến Colombo 3 thỏa thuận kinh tế, an ninh, cùng với lời cáo buộc “Trung Quốc là kẻ săn mồi”, nhằm kéo Sri Lanka và các nước khác khỏi “bẫy nợ”, ảnh hưởng của BRI và tăng cường hiện diện quân sự ở các quốc đảo. Sri Lanka phủ nhận “bẫy nợ”, tuyên bố trung lập, không liên kết và quan hệ hòa bình với tất cả các nước.

Dư luận cho rằng Mỹ chưa có được điều cần ở Sri Lanka và Maldives.

Bất ngờ Việt Nam

Một số báo “giật tít” như vậy cũng có lý do. Theo thông báo ban đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, lịch trình chuyến công du gồm 4 nước, đến 29/10 thêm Việt Nam. Ngoại trưởng cường quốc số 1 đến đâu phải có sự chuẩn bị kỹ trước.

Nhiều câu hỏi đặt ra: Điều gì dẫn đến sự thay đổi bất ngờ? Chuyến thăm 4 nước chưa “đủ đô”?... Suy đoán là chuyện ưa thích của dư luận! Nhưng nó thể hiện sự quan tâm đối với quan hệ Việt-Mỹ.

Lý giải sự bất ngờ, không gì hơn là giải mã thông điệp và những tuyên bố của 2 bên trong chuyến thăm.

Một là, quan hệ Việt-Mỹ qua một phần tư thế kỷ tạo nền tảng cho những phát triển bất ngờ.

25 năm thiết lập quan hệ Việt-Mỹ vốn đã chứa đựng nhiều điều mà bên ngoài cho là bất ngờ. Từ chỗ là kẻ thù trở thành đối tác toàn diện, quan hệ phát triển tích cực, thực chất, trên 9 lĩnh vực, cả trên bình diện song phương và đa phương.

Trong 4 năm qua, 5 lần Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm lẫn nhau; trong đó Tổng thống Donald Trump đã 2 lần đến Hà Nội. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 76 tỷ USD năm 2019. Gần 30.000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ và khoảng 1.500 sinh viên Mỹ học tập tại Việt Nam mỗi năm.

Từ Tổng thống, Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ, đến quan chức chính phủ Mỹ đều đánh giá quan hệ Việt-Mỹ bằng những từ không thể “đậm đà” hơn: “dấu mốc lịch sử”, “chặng đường phi thường”, “đáng kinh ngạc”, “kỳ tích đặc biệt”, “kết quả của lòng can đảm, sự quan tâm và tầm nhìn từ 2 bên”…

Khi có sự tích tụ đủ lớn về lượng sẽ dẫn đến bước phát triển mới thực chất, đi vào chiều sâu trong quan hệ song phương.

Hai là, Mỹ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Trong năm 2020, Việt Nam có những đóng góp quan trọng trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và “thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong 1 năm đầy thách thức” như đánh giá của Ngoại trưởng Pompeo.

Mỹ hoan nghênh lập trường của ASEAN trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 53 (AMM 53), bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ việc nghiêm trọng, hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông… làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng, nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và pháp luật trong khu vực.

Nhà nghiên cứu quốc tế, Giáo sư danh dự Học viện Quốc phòng Australia Carl Thayer đánh giá: “ASEAN phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc” và “có sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Kinh tế thế giới, khu vực suy thoái, Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương (GDP hơn 3%), đứng đầu Đông Nam Á, thứ hai châu Á, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Tăng trưởng kinh tế càng làm cho vị thế của Việt Nam vững chắc hơn, đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực.

Khác nhau về thể chế chính trị nhưng Mỹ nhìn thấy ở Việt Nam những phẩm chất quan trọng cho vai trò dẫn dắt ở Đông Nam Á và 1 đối tác tiềm năng trong FOIP.

Đó là sự ổn định chính trị, xã hội, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ…

Ngoại trưởng Pompeo và nhiều quan chức chính phủ Mỹ đánh giá “Việt Nam là đối tác gần gũi nhất của Mỹ ở Đông Á”; cam kết “xây dựng mối quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế kiểu mẫu trong 25 năm quan hệ song phương tới đây”.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Việt Nam vừa là quan hệ song phương vừa có ý nghĩa đa phương. (Nguồn: VGP)

Ba là, hai nước có những điểm tương đồng lợi ích.

Trong thư gửi Tổng thống Mỹ nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ 2 nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam khẳng định, quan hệ Việt-Mỹ đã vượt qua xa cách về địa lý và những khác biệt để phát triển tích cực và ổn định, đưa Mỹ trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực…

Việt Nam tin rằng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững, phục vụ lợi ích nhân dân 2 nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ khẳng định: “Sự phát triển của quan hệ đối tác giữa 2 nước là kỳ tích đặc biệt… tạo nền tảng cho sự tin tưởng và thấu hiểu…”; Cam kết “tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ giữa 2 nước trên cơ sở tầm nhìn chia sẻ về 1 khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng cũng như tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và luật lệ”.

Thông điệp từ người đứng đầu 2 nước cho thấy những điểm tương đồng lợi ích. Trước hết là cùng cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau; thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam ủng hộ hoạt động của Mỹ và các nước khác phù hợp với luật pháp quốc tế, có lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực. Mỹ ủng hộ 1 nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thông qua Việt Nam củng cố quan hệ với ASEAN, thúc đẩy tham gia tích cực vào FOIP. Đó là lý do quan trọng của chuyến thăm không có sẵn trong lịch trình.

Bốn là, tiếp tục khẳng định và cam kết.

Trong hội đàm, gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá mối quan hệ Việt-Mỹ “mạnh mẽ chưa từng thấy”, tiếp tục khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực; cam kết duy trì quan hệ ổn định, hợp tác thúc đẩy quan hệ 2 nước tiến triển thực chất, tin cậy, hiệu quả, bền vững.

Hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Viêt-Mỹ và các vấn đề chung cùng quan tâm.

Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã “xuất hiện” ở Việt Nam qua lời phát biểu trực tuyến trong Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPBF 2020) lần thứ 3, khai mạc tại Hà Nội ngày 28/10.

Đại diện 2 bên ký kết 7 bản thỏa thuận, ghi nhớ, có 6 thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam trị giá nhiều tỷ USD. Theo tinh thần đó, trong hội đàm, 2 bên nhất trí tăng cường đầu tư song phương cùng có lợi, quan hệ thương mại hài hòa, bền vững.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ đánh giá Việt Nam rất đáng tự hào trên cương vị Chủ tịch ASEAN; mong muốn 2 bên tiếp tục tăng cường phối hợp xử lý các thách thức chung, các vấn đề an ninh; trao đổi đoàn thường xuyên, nhất là cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Qua chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Pompeo muốn gửi thông điệp về chính sách đối ngoại không thay đổi của Mỹ đối với khu vực, trước thềm Hội nghị Đông Á và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Rõ ràng, chuyến thăm vừa là quan hệ song phương vừa có ý nghĩa đa phương.

Năm là, Việt Nam chủ động, linh hoạt trong ngoại giao.

Trong quan hệ với cường quốc số 1, Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, theo sát chính sách đối ngoại của Mỹ, chủ động nắm bắt kịp thời tín hiệu từ các phía, phối hợp với cơ quan ngoại giao Mỹ để thực hiện chuyến thăm và trao đổi các vấn đề 2 bên cùng quan tâm đối với khu vực.

Dư âm và hàm ý

Từ sự hiểu biết và các góc nhìn khác nhau, dư luận quốc tế đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam. Có thể chia thành 3 dạng chính: Một, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội; hai “nước xa không cứu được lửa gần”; ba, luôn giữ cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn.

Sức mạnh tổng hợp của Việt Nam dựa trên nền tảng nội lực kết hợp với tranh thủ ngoại lực. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội cần có nội lực đủ mức khai thác hiệu quả ngoại lực. Việt Nam quyết không đánh đổi giá trị cơ bản của mình để tìm kiếm cơ hội.

Việt Nam luôn nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không dựa vào bên ngoài để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, không bao giờ có chuyện nhờ “nước” của bất cứ ai để “dập lửa” từ bất kỳ nguồn nào.

Giữ cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn là một quan điểm cơ bản trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta dựa trên lợi ích cơ bản của quốc gia, dân tộc để lựa chọn đối tác, quan hệ hợp tác phù hợp, không vì quan hệ với nước này dẫn đến đối đầu với nước khác.

Mối quan hệ song phương chỉ bền vững khi 2 bên cùng có lợi và đặt trong tổng thể quan hệ đa phương. Việt Nam luôn coi trọng gắn lợi ích của mình với lợi ích chung như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”.