📞

Chuyên gia kinh tế hàng đầu: Dù ai làm Tổng thống, cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc sẽ khó bề lay chuyển

Hồng Châu 13:45 | 10/08/2024
Theo cựu quan chức đồng thời là một trong những nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc, sẽ không có sự thay đổi mạnh mẽ nào trong quan hệ hai bên trong thời gian tới, Bắc Kinh nên nỗ lực giao tiếp thông qua các kênh chính thức và không chính thức để kết nối với Washington.
Ông Xu Lin, cựu quan chức và là một trong những nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc nhận định, sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào, mà sẽ chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ trong quan hệ Bắc Kinh-Washington, dù bất kể ai được bầu làm Tổng thống Mỹ. (Nguồn: European Forum)

Tại một hội nghi trực tuyến vào ngày 8/8, ông Xu Lin, cựu Tổng giám đốc bộ phận tài chính và tài khóa của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, cho biết hai siêu cường nên tăng cường giao tiếp chính thức và dân sự để làm rõ những hiểu lầm. Đồng thời, cơ quan lập pháp của Trung Quốc và các cố vấn chính trị hàng đầu của cơ quan này nên tăng cường giao tiếp với Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

“Cả Thượng viện và Hạ viện đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối với Trung Quốc. Việc tăng cường đối thoại giữa các cơ quan này có thể giúp làm sáng tỏ một số hiểu lầm, giảm bớt các chính sách và luật pháp bất lợi từ Washington đối với Bắc Kinh", cựu quan chức Trung Quốc cho hay.

Ông Xu Lin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp những “đối thoại thẳng thắn” với phương Tây.

“Trung Quốc cũng cần tăng cường tương tác dân sự với Mỹ. Điều này có thể giúp tạo ra một bầu không khí tốt, vì thái độ dân sự cũng ảnh hưởng đến các chính sách chính trị", ông nói.

Ngoài Mỹ, ông Xu Lin cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên tăng cường cải thiện quan hệ với các nền kinh tế lớn khác, điển hình là các quốc gia trong khối G20. "Điều này sẽ có lợi cho việc quản lý kinh tế vĩ mô trong nước", chuyên gia này khuyến nghị.

Kể từ năm 2018, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã liên tục gặp phải những trở ngại và bế tắc, từ cuộc chiến thương mại, xu hướng tách rời công nghệ cho tới những tranh chấp về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19 hay những cáo buộc về việc Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất...

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi công bố một đợt áp thuế mới đối với Trung Quốc, gần đây đã tiết lộ kế hoạch hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của các nhà sản xuất của quốc gia Đông Bắc Á này đối với các loại chip tối quan trọng.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Kamala Harris đang thu hẹp khoảng cách với cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa trong các cuộc thăm dò sau khi ông Biden rút lui, các thị trường đang suy đoán về những chính sách trong tương lai của Washington đối với Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào, mà sẽ chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ, dù bất kể ai được bầu làm Tổng thống", ông Xu Lin cho hay.

Ông nhận định, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đang tập trung quá nhiều vào việc gây trở ngại và tổn hại đến Trung Quốc mà bỏ qua những thiệt hại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính mình.

"Sự bế tắc giữa hai siêu cường có thể duy trì trong một kịch bản tổng bằng không, theo đó, không bên nào được hưởng lợi", ông nói.

Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cạnh tranh địa chính trị, chủ yếu được định hình bởi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang làm suy giảm quá trình toàn cầu hóa, dù vậy, Trung Quốc vẫn "nên tiếp tục duy trì kênh đối thoại với cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa hơn nữa bởi điều này thường có lợi cho nền kinh tế đất nước”.

(theo SCMP)