Đập Tam Hiệp, Trung Quốc. (Nguồn: Weibo) |
Các chuyên gia này cũng lưu ý, con đập vẫn nguyên vẹn và đã được tính toán các khả năng dự phòng trước dòng nước lớn hiện tại, trong bối cảnh các vùng phía Nam Trung Quốc đang phải gồng lên chống chọi với lượng mưa lớn và mực nước của hồ chứa Tam Hiệp vượt ngưỡng kiểm soát lũ.
Kể từ khi mùa lũ tháng 6 bắt đầu, các khu vực phía Nam và phía Đông Trung Quốc đã phải trải qua lượng mưa lớn và trải rộng. Theo China Daily, mới tính đến ngày 23/6 đã có gần 8,2 triệu người tại 10 tỉnh thuộc lưu vực sông Dương Tử đã bị ảnh hưởng từ mùa lũ năm nay, 255.000 người đã phải sơ tán. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính là 3,4 tỷ USD và 861.000 ha đất nông nghiệp tại 26 tỉnh, thành bị thiệt hại. Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp ngày 26/6 cho biết, mưa lớn sẽ còn tiếp tục diễn ra tại nhiều vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử, ảnh hưởng đến 13 tỉnh.
Trên thực tế, mực nước trong Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ đã đạt tới 147m vào ngày 20/6, cao hơn 2m so với vạch cảnh báo lũ. Trong khi đó, lưu lượng dòng chảy đã tăng lên 26.500m3/s, từ 20.500 m3/s vào ngày hôm trước.
Mực nước rất đáng báo động đã làm dấy lên tin đồn rằng, con đập đang gặp vấn đề về cấu trúc và người dân gần đó được cảnh báo sơ tán. Một số phương tiện truyền thông phương Tây đã đề cập khả năng vỡ đập, đây không phải là thông tin quá mới với một dự án vốn đã có nhiều thông tin trái chiều.
Guo Xun, một nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học Kỹ thuật thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã bác bỏ những tin đồn và suy đoán. Nhà nghiên cứu này nói rằng, con đập có khả năng chứa lượng nước lớn hơn nhiều so với hiện tại.
Nói với Global Times, chuyên gia Guo Xun thông tin, đập Tam Hiệp được thiết kế với khả năng chịu đựng những cơn lũ nghiêm trọng chỉ có thể xảy ra “một ngàn năm một lần”. Theo đó, con đập có thể chịu được mực nước lên tới 175m hoặc lưu lượng dòng 70.000m3/giây. Hiện tại, mực nước đang ở 147m và lưu lượng 26.500m3/giây là tuyệt đối an toàn, trong khả năng chống chọi của con đập.
Nhà nghiên cứu Guo còn lưu ý rằng, việc mực nước vượt quá 2m so với vạch cảnh báo lũ có nghĩa là nước trong hồ chứa cần phải được xả để cân bằng dòng chảy và để hạn chế mực nước tiếp tục cao lên, đây là một thông lệ trong mùa mưa. “Tình hình hiện nay không phải là một thách thức đối với đập Tam Hiệp”, ông Guo nói.
Những đồn đoán về sự an toàn của đập Tam Hiệp và một thảm họa nếu điều đó xảy ra vốn đã tồn tại từ lâu. Thậm chí, hồi tháng 7/2019, một hình ảnh vệ tinh trên Google Maps được cho là hình ảnh đập Tam Hiệp đã bị bóp méo, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ con đập khổng lồ có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Trong một tuyên bố sau khi đưa ra các dữ liệu giám sát, Nhà điều hành đập Tam Hiệp CTGC khẳng định, con đập trong tình trạng hoạt động bình thường, dự án an toàn và hoàn toàn đáng tin cậy. Dù biến dạng nhỏ có thể xảy ra mọi lúc, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến an toàn của đập, miễn là nó nằm trong phạm vi đàn hồi, các nhà phân tích giải thích.
Guo nói rằng con đập được trang bị một "hệ thống theo dõi an toàn" đa kênh, nó sẽ đưa ra cảnh báo bất cứ khi nào phát hiện có sự cố bất thường, như biến dạng, rất lâu trước khi sự cố có thể xảy đến.
Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang vừa đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sự xuất hiện của “trận lụt số 1 trên sông Trường Giang năm 2020”. Đến sáng 2/7, lượng nước vào hồ chứa nước của đập Tam Hiệp đã đạt tốc độ 47.000m3/s và lên 50.000m3/s trong đầu giờ chiều hôm đó. Lượng nước này tương đương tốc độ của đợt lụt năm 1998.
Tuy nhiên, khi cảnh cáo về trận lụt số 1 được đưa ra, cư dân mạng tiếp tục đồn đoán về khả năng chịu đựng của đập Tam Hiệp vì nó đang phải trải qua bài kiểm tra khó nhất kể từ khi được hoàn thành vào năm 2003.
Dù các quan chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng, nỗi lo con đập sẽ vỡ và gây hậu quả thảm khốc chỉ là “điều nhảm nhí”, nhưng họ không xua được lo ngại khi khu vực này vẫn tiếp tục hứng mưa lớn và lở đất trong những ngày qua, cộng thêm một trận động đất vào ngày 2/7. Và dù Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc cho biết, trận động đất chỉ có cường độ 3,2 độ richter ở tâm chấn nằm ở độ sâu 8km, dư luận vẫn lo ngại về một nguy cơ lở đất đe dọa đập Tam Hiệp.