📞

Cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ “xoay trục”?

20:00 | 11/08/2016
Bên cạnh thiện chí hàn gắn quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn gửi một thông điệp đến phương Tây rằng, quốc gia Trung Đông này có trong tay nhiều sự lựa chọn chiến lược.

Ngày 9/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du Nga và hội kiến với người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin. Cuộc gặp này được nhận định sẽ có tác động mạnh mẽ tình hình khu vực cũng như quan hệ ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Trang mới trong quan hệ

Trả lời hãng thông tấn Nga TASS, Tổng thống Erdogan khẳng định chuyến thăm Nga của ông là cột mốc mở ra “một trang mới” trong quan hệ giữa hai nước, tạo cơ sở cho việc chính thức nối lại các hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa. Tổng thống Putin cũng bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ hợp tác với Ankara và nhấn mạnh đây sẽ là ưu tiên của hai nước trong thời gian tới. Sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã nhất trí về việc bồi thường vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, nối lại dự án đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và dịch vụ hàng không,  đồng thời cam kết hợp tác trong vấn đề Syria và chống khủng bố.

Với những lời “có cánh” này, có thể thấy quan hệ Moscow - Ankara đã đạt được bước tiến triển lớn kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria hồi tháng 11/2015. Vụ việc được ví như “giọt nước tràn ly”, đe dọa xóa sạch những thành quả hợp tác nổi bật trong hơn một thập niên gần đây giữa hai nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 9/8. (Nguồn: Reuters).

Quan điểm cứng rắn cùng những động thái trả đũa lẫn nhau sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ càng đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao chưa từng có, kéo theo những hậu quả kinh tế cho cả hai bên, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là nước chịu thiệt hại nặng hơn. Những lợi ích kinh tế quan trọng đã buộc Ankara phải gác lại những bất đồng với Nga.

Ngoài lý do kinh tế, tình trạng bất ổn chính trị - an ninh trong nước cũng là yếu tố thúc đẩy Chính quyền Ankara giảm nhẹ những căng thẳng ngoại giao. Đặc biệt, cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7 đã mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội nhìn lại các mối quan hệ đồng minh và kẻ thù ở bên trong lẫn bên ngoài.

Khác với lập trường gay gắt của các nước phương Tây, Nga là nước đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Erdogan và lên án các hình thức can thiệp quân sự ngay trong những giờ đầu tiên diễn ra binh biến. Một ngày sau cuộc đảo chính, ông Putin đã đích thân gọi điện chia buồn trước những mất mát về người và Điện Kremlin không hề có bất kỳ chỉ trích nào đối với chiến dịch đàn áp và thanh trừng mà Ankara tiến hành sau đó.

Cảm giác bị phản bội cùng sự mất niềm tin vào Mỹ và Liên minh châu Âu đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ về tầm quan trọng của phương Tây, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ tham gia từ năm 1952. Chính tâm lý này đã đốt nóng những chỉ trích gay gắt nhất từ trước đến nay của Ankara đối với phương Tây.

Hướng Đông, kích Tây

Trong bối cảnh nói trên, nhiều ý kiến cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách hàn gắn quan hệ rạn vỡ với Nga là nhằm chuyển hướng chính sách đối ngoại về phía Moscow, để đối phó những rắc rối mà Ankara đang gặp phải với phương Tây.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần chỉ trích bước đi của NATO nhằm lôi kéo các nước Đông Âu sát biên giới với Nga. Vì vậy, việc hướng sự chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên quan trọng của NATO ở Trung Đông - quay sang hợp tác với Nga, được cho là bước đi chiến lược của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, chỉ với chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Erdogan, chưa thể chắc chắn rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay lưng lại với phương Tây và “xoay trục” sang Nga. Có thể nói, dường như ông Erdogan đang muốn “làm mình làm mẩy” để phương Tây có cái nhìn khác hơn và biết trân trọng hơn mối quan hệ với Ankara.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung giống như một cuộc hôn nhân không hồi kết, bởi cả hai bên đều cần nhau. Trong quá khứ, mối quan hệ đồng minh này cũng đã trải qua nhiều sóng gió, tình hình căng thẳng hiện nay tuy khá nghiêm trọng song “sẽ không phá vỡ liên minh và cân bằng chiến lược” - theo ông Jean Marcou (Viện Sciences Po- Pháp). Những ngày qua, để bảo vệ những lợi ích và thành quả ở Trung Đông, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận biện pháp tháo gỡ bế tắc.

Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiểu rõ những tổn thất về an ninh - chính trị khi phá vỡ quan hệ với NATO. Sau nỗ lực đàn áp những kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã suy yếu đáng kể về mặt nhân lực, trong đó có những người đang thực hiện các chiến dịch chống lại đảng Công nhân Người Kurd (PKK) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước nguy cơ bất ổn an ninh ở biên giới Đông Nam, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của NATO hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng chia sẻ với Nga nhiều lợi ích kinh tế, song Moscow và Ankara vẫn khó lòng tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề an ninh như xung đột ở Syria, Ukraine hay thoát hẳn khỏi tâm lý cạnh tranh ảnh hưởng vốn có từ thời Đế chế Ottoman và Sa hoàng. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng loại trừ khả năng thiết lập liên minh quân sự mới giữa Moscow và Ankara.

Ông Alexander Baunov thuộc Viện Carnegie ở Moscow nhận định rằng: “Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ mang tính thực dụng, không dựa trên tình bằng hữu hay hệ tư tưởng mà dựa trên lợi ích chung”. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, trong tương lai, quan hệ với phương Tây vẫn tiếp tục là trục chính trong chính sách đối ngoại của Ankara.