📞

Công nghiệp văn hóa của Trung Quốc: Tìm bước đột phá

20:00 | 08/05/2016
Trung Quốc đang chuyển đổi phương thức phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chú trọng chiều sâu, hiệu quả thực tế và đóng góp cho xã hội.

Những nỗ lực cải cách thể chế văn hóa của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI đã giúp ngành công nghiệp văn hóa của nước này giải phóng sức sản xuất, tăng trưởng mạnh và mở rộng quy mô ngành nghề. Nhưng việc sử dụng phương thức phát triển nhanh trên quy mô rộng đã khiến cho ba lĩnh vực then chốt tạo nên sự phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa Trung Quốc là đầu tư sáng tạo, tiêu dùng và xuất khẩu bị xem nhẹ.

Để giải quyết tình trạng trên, từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành các bước chuyển đổi phương thức phát triển trên các khâu vốn bị xem là yếu kém và “lép vế” so với các cường quốc công nghiệp văn hóa trên thế giới.  

Đẩy mạnh tiêu dùng văn hóa

Trong nhiều năm qua, mức chi tiêu cho các sản phẩm văn hóa của người dân Trung Quốc  rất thấp. Theo kết quả điều tra, hơn 50% số người được hỏi cho biết chi tiêu bình quân vào khoảng 2.000 NDT/năm (hơn 300 USD), chiếm khoảng 12% tổng thu chi/người/năm, trong khi đó thời gian dành cho các sản phẩm văn hóa cũng không nhiều (từ 1-3 tiếng/ngày).

Chính vì vậy, đẩy mạnh tiêu dùng văn hóa đã trở thành một điểm trọng tâm của quá trình chuyển đổi phương thức phát triển công nghiệp văn hóa sau Đại hội XVIII. Về cơ bản, các biện pháp đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm văn hóa được xác định: 1) Tạo các hình thức thương mại mới, mở rộng thị trường tiêu dùng văn hóa đại chúng, mở rộng tiêu dùng dịch vụ văn hóa, hình thành các điểm tăng trưởng tiêu dùng mới; 2) Nâng cao trình độ tiêu dùng văn hóa; 3) Thúc đẩy các ngành xuất bản, biểu diễn, điện ảnh, mạng Internet phát triển bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi hơn nữa cho người tiêu dùng, hỗ trợ tiêu dùng văn hóa đối với người dân khó khăn và tầng lớp công nhân, nông dân; 4) Phát huy vai trò xúc tiến tiêu dùng văn hóa của du lịch. 

Thống kê năm 2013 chỉ ra, chính sách hợp tác văn hóa, đặc biệt là “cái bắt tay” giữa điện ảnh Mỹ với Trung Quốc đã thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện ảnh - phát thanh của Trung Quốc. Năm 2015, doanh thu phòng vé của điện ảnh Trung Quốc đạt 40,05 tỷ NDT, tăng 4 lần so với 10,2 tỷ NDT năm 2010. Trong đó, doanh thu phòng vé phim nội địa Trung Quốc năm 2015 chiếm 60% tổng doanh thu phòng vé.

Đầu tư sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật

Trước đây, công nghiệp văn hóa Trung Quốc thường dựa vào sức lao động giá rẻ, khai thác những nguồn lực sẵn có để sản xuất các sản phẩm văn hóa đại trà mà chưa chú trọng nhiều đến khả năng liên kết, tỷ lệ đóng góp của khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Do vậy, tỷ lệ sáng tạo của Trung Quốc tương đối thấp, chiếm khoảng 3/10.000 sản phẩm. Khoảng 90% sản phẩm của Trung Quốc mang thương hiệu nước ngoài, trong khi sản phẩm văn hóa nội địa chiếm tỷ lệ rất thấp. Để thay đổi hình ảnh là “công xưởng gia công”, “bản sao cứng” của thế giới về văn hoá, Trung Quốc đã thúc đẩy năng lực tự chủ, sáng tạo văn hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành công nghiệp văn hóa nhằm phát huy tác dụng hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa và khoa học kỹ thuật, đi sâu thực hiện chiến lược thúc đẩy khoa học kỹ thuật, tăng cường năng lực sáng tạo, tự chủ trong hoạt động sản xuất và dịch vụ văn hóa, ứng dụng các thành quả của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật ở các lĩnh vực xuất bản, in ấn, truyền thông, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật và Internet.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm văn hóa

Việc nhân vật Hoa Mộc Lan trong sử thi dân gian Trung Quốc trở thành hình ảnh độc quyền thể hiện giá trị tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cá nhân Mỹ trong phim hoạt hình “Mộc Lan” của hãng Walt Disney với doanh thu đạt 120 triệu USD (tại Mỹ), 10 triệu USD (tại Trung Quốc), hay trường hợp phim “Kungfu Panda” của điện ảnh Mỹ tiếp tục sử dụng ý tưởng và chất liệu của văn hóa truyền thống Trung Hoa đã trở thành bài học đắt giá đối với ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc khi đánh mất lợi thế phát triển do xem nhẹ việc xây dựng thương hiệu văn hóa mang bản sắc dân tộc trong việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Vì vậy, Trung Quốc đã xác định mở rộng xuất khẩu, tiếp cận thị trường văn hóa quốc tế thông qua việc đầu tư phát triển các thương hiệu văn hóa mạnh… nhằm tăng cường khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế của công nghiệp văn hóa Trung Quốc.

Những bước tiến mới

Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ ngành công nghiệp văn hóa thế giới vào những năm 1990, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đứng trong top 5 quốc gia xuất nhập khẩu văn hóa lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy, khả năng mở rộng thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của công nghiệp văn hóa Trung Quốc đang có những bước tiến đột phá.

Năm 2015, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê duyệt ngân sách 5 tỷ NDT cho Quỹ Phát triển công nghiệp văn hoá, tổng hạng mục hỗ trợ gồm có 850 hạng mục, tăng 6,25% so với năm 2014. Đến nay, ngân sách của Quỹ đã lên tới 24,2 tỷ NDT, hỗ trợ cho hơn 4.100 hạng mục văn hoá. Sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp văn hóa Trung Quốc xâm nhập thị trường văn hóa của các nước có nhu cầu tiêu dùng văn hóa cao.

“Kungfu Panda” của điện ảnh Mỹ tiếp tục sử dụng ý tưởng và chất liệu của văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Các số liệu thống kê cho thấy, nếu năm 2014, Trung Quốc chỉ xếp thứ hai sau Mỹ về thị trường game tính cả về quy mô và doanh thu với 18 tỷ USD so với 21,3 tỷ USD của Mỹ, dự đoán năm 2018, thị trường game của Trung Quốc sẽ có doanh thu 32,8 tỉ USD, vươn lên vị trí số 1 thế giới về cung cấp game, trong đó game PC (gồm cả webgame và game online) chiếm thị phần áp đảo. Tiếp đến là Mỹ với 24 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Pháp, Brazil, Canada và Mexico.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ một “Trung Quốc chế tạo” sang “Trung Quốc sáng tạo” và từ một “nước lớn” sang “nước mạnh” về Internet thì việc mở rộng thị trường và tăng mạnh doanh thu của ngành công nghiệp game đã khẳng định đây là ngành có nhiều cơ hội, cũng như không gian để Trung Quốc hiện thực hóa các bước điều chỉnh phương thức phát triển công nghiệp văn hóa.

Giới hạn khó vượt qua

Trung Quốc chưa tạo được môi trường kích thích sáng tạo và hình thành các sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Để tránh tình trạng các sản phẩm văn hóa ngoại lai thâm nhập và gây xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, hoặc dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trong đời sống xã hội, Trung Quốc đã  thắt chặt truyền thông và truy cập Internet. Mặt khác, nước này lại mở rộng và cho phép các đài truyền hình thực hiện các chương trình truyền hình thực tế theo phiên bản của nước ngoài xen kẽ với các cuộc thi trong nước theo xu hướng đáp ứng nhu cầu giải trí mang tính thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề Trung Quốc đang gặp phải là họ cấm truy cập truyền thông, nhưng lại không đủ chế tài phù hợp để hạn chế tình trạng nhập lậu các văn hóa phẩm thiếu lành mạnh. Tương tự như vậy, Trung Quốc cho phép sản xuất ồ ạt các chương trình giải trí phiên bản nước ngoài, song lại không có một cơ chế quản lý, điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế phát triển văn hóa. Hạn chế trên đã bộc lộ những lỗ hổng rất lớn trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc.

Hệ thống luật bảo hộ bản quyền tác giả thiếu các bảo đảm cần thiết để kích thích khả năng sáng tạo và hội nhập quốc tế của văn hóa Trung Quốc. Năm 2012, theo báo cáo của Bộ Văn hóa Trung Quốc, trong số 647 hạng mục được điều tra của thị trường văn hóa, có tới 60% các trường hợp vi phạm pháp luật, nhiều nhất là luật bản quyền tác giả. Các số liệu đã xác nhận một thực tế, các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc ở cả khía cạnh kinh tế lẫn giá trị và bản sắc, hầu hết đều không được bảo đảm một cách chắc chắn trong hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền...

Sự yếu kém trong hệ thống luật bảo hộ này khiến các sản phẩm văn hóa Trung Quốc không được bảo đảm các quyền cơ bản để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cản trở việc phát huy khả năng sáng tạo văn hóa và không kiểm soát được các thiệt hại khi bị chiếm đoạt bản quyền, thương hiệu, các bí mật thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế. Do đó, nếu không thực sự tạo nên những bước đột phá có chiều sâu trong lĩnh vực này, chắc chắn Trung Quốc sẽ khó tạo nên các thương hiệu mạnh, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc trong những sản phẩm văn hóa có sự thăng hoa giữa công nghệ hiện đại và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân.

(Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)