TIN LIÊN QUAN | |
Khôi phục kinh tế hậu Covid-19 không chỉ cần đa phương mà còn phải đa thành phần | |
Hội thảo Hợp tác ASEAN - EU vì đối tác bền vững và chủ nghĩa đa phương hiệu quả tại Hà Lan |
Một cuộc họp trực tuyến của G20 nhằm đối phó với Covid-19. (Nguồn: AP) |
Thiệt hại ngoài sức tưởng tượng
Các nhà lãnh đạo G20 cần nhanh chóng cùng nhau xây dựng một phản ứng đồng bộ trên quy mô toàn cầu nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Dù các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng tại một số nơi, song số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới mỗi ngày gần đây lại đạt mức kỷ lục đau buồn mới, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế tiếp tục leo thang, trong khi ngày càng xuất hiện nhiều tâm dịch mới tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi.
Nhân loại đang ở thời khắc then chốt, bởi những quốc gia nghèo nhất tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế và y tế công đòi hỏi những hành động cấp thiết. Các nền kinh tế có thu nhập tầm trung cũng cần rất nhiều trợ giúp.
Tính tổng thể, các quốc gia này chiếm tới gần 70% dân số thế giới và khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Nhu cầu của các quốc gia này sẽ càng gia tăng trong thời gian tới. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) ước tính số giờ làm việc trên thế giới trong quý II/2020 sẽ thấp hơn mức trước khủng hoảng khoảng 10,5%, tương đương khoảng hơn 300 triệu người mất việc làm toàn thời gian.
Lần đầu tiên trong thế kỷ XXI, tỷ lệ đói nghèo toàn cầu gia tăng. Trên thực tế, suy thoái toàn cầu có thể đảo ngược tới 3 thập kỷ cải thiện chất lượng cuộc sống và theo một ước tính, có thể đẩy từ 420-580 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói. Chương trình Đói nghèo Thế giới cảnh báo, dịch Covid-19 sẽ làm tăng gấp đôi số nạn nhân của tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng, lên 265 triệu người.
Dịch bệnh cũng đẩy ngành giáo dục vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có, khi 1,7 tỷ trẻ em - hơn 90% số trẻ em trên toàn thế giới - phải ở nhà vì các biện pháp phong tỏa. Tại các nước nghèo, nhiều trẻ em có thể sẽ không bao giờ còn có thể quay lại trường học.
Hàng triệu trẻ em không được nhận các bữa ăn miễn phí tại trường, trong khi nhiều chính phủ buộc phải cắt giảm hỗ trợ giáo dục do thiếu thốn nguồn tiền. Tình trạng khẩn cấp về xã hội và kinh tế sẽ không chấm dứt chừng nào cuộc khủng hoảng y tế công chưa khép lại và tất cả các quốc gia trên thế giới đều giải quyết được dịch bệnh.
| Khôi phục kinh tế hậu Covid-19 không chỉ cần đa phương mà còn phải đa thành phần TGVN. Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab nhận định, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra ... |
Cam kết chi tổng cộng 8 tỷ USD để phát triển vaccine và các phương thuốc điều trị Covid-19 được đưa ra trong hội nghị trực tuyến đặc biệt ngày 4/5 vừa qua là một nỗ lực đáng hoan nghênh, song các chính phủ và các nhà tài trợ cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa cam kết này và giải quyết nhiều đòi hỏi quan trọng.
Các quốc gia và các thể chế cũng cần đẩy nhanh việc phát triển công nghệ xét nghiệm, triển khai trên quy mô lớn hơn. Hợp tác xuyên biên giới chặt chẽ hơn là điều đặc biệt cần thiết để tăng nguồn cung y tế trọng yếu trên toàn cầu. Các quốc gia đang phát triển cần được hỗ trợ để xây dựng năng lực và hệ thống y tế, đồng thời để cải thiện mạng lưới an sinh xã hội. Các nước G20 cần ủng hộ lời kêu gọi của Liên hợp quốc về bảo vệ người tị nạn, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa và những người sống dựa vào viện trợ nhân đạo.
Một bằng chứng phản ánh thiệt hại nặng nề về kinh tế và tài chính tại nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chính là việc hơn 100 quốc gia đã đề nghị nguồn hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo ước tính của IMF, các quốc gia này cần 25.000 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng, song có thể chỉ một phần nhu cầu này được thỏa mãn.
G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (tính theo GDP, PPP) và Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: QT) |
G20 phải làm nhiều hơn nữa
Kế hoạch hành động mà G20 đề ra là rất đáng trân trọng song các nhà lãnh đạo thế giới vẫn cần làm nhiều hơn nữa. Trước hết, các nhà cho vay cả tư nhân và song phương cần giảm gánh nặng nợ cho 76 quốc gia thuộc Hiệp hội Phát triển Quốc tế từ nay tới hết 2021. Hơn 10 nền kinh tế đang nổi có thể sẽ không đủ khả năng thanh khoản nợ trong các tháng tới và IMF cần chuẩn bị để kết nối các bên nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi nhất.
Thứ hai, G20 cần nhất trí cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 25.000 tỷ USD và điều này cần sự chung tay của IMF, Ngân hàng Thế giới cùng các ngân hàng phát triển khu vực nhằm tăng cường các khoản vay và nâng mức trần, trong khi các ngân hàng phát triển đa phương cần mở rộng danh mục đầu tư trong 18 tháng tới từ giá trị 500 tỷ USD lên 650-700 tỷ USD. Các thể chế này cần đảm bảo nguồn lực lớn hơn và nới lỏng việc xét duyệt những khoản vay phù hợp.
Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, người ta chủ yếu nhấn mạnh vào việc đảm bảo khả năng thanh khoản, bảo vệ việc làm và đầu tư khẩn cấp trong lĩnh vực y tế. Hiện các nhà hoạch định chính sách đều đang tìm cách đưa nền kinh tế thế giới về mức tăng trưởng trước khủng hoảng và vì vậy, sự phối hợp trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ là điều cần thiết.
Các chính phủ cần cân nhắc thiết lập mục tiêu tăng trưởng toàn cầu bên cạnh các mục tiêu về lạm phát quốc gia. Đầu tư xanh cũng là một hướng đi cần thúc đẩy, với việc các chính phủ ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường phát triển bền vững và từ đó hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Để tăng nguồn thu cần thiết cho các chính phủ, các nhà lãnh đạo thế giới phải nhất trí về một chiến lược nhằm thu hồi phần thuế bị thất thoát. Các quốc gia cần trao đổi thông tin về thuế, minh bạch hóa thông tin về những người thụ hưởng và ủy thác, sẵn sàng trừng phạt những quốc gia không tuân thủ các nguyên tắc đã được nhất trí.
Covid-19 là hồi chuông báo hiệu rằng thế giới cần xây dựng một cơ chế đa phương mới và hiệu quả hơn, được trang bị đủ để giải quyết các thách thức trong thế kỷ XXI. Cấu trúc y tế và tài chính toàn cầu cần được củng cố và phần nào đó là cần tái thiết, để đảm bảo sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai một cách nhanh chóng và tương xứng.
Những hành động mạnh mẽ hơn của G20 - nhằm ngăn chặn cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn, hạn chế những ảnh hưởng của nó đối với những người nghèo nhất thế giới - sẽ giúp tiến tới mục tiêu trên. Thành quả nằm ở quyết tâm thực hiện những gì cần thiết của giới lãnh đạo G20.
| G20 nêu sáng kiến cho công cụ y tế chống dịch Covid-19 TGVN. Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26/4 đã phát động một sáng kiến quốc tế ... |
| G20 cam kết chi hơn 7.000 tỷ USD đối phó Covid-19, ủng hộ sáng kiến đình nợ cho các quốc gia nghèo nhất TGVN. Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí bơm hơn 7.000 tỷ USD nhằm ... |
| G20 cam kết đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ, Canada 'từ chối' đề cập giảm sản lượng TGVN. Ngày 10/4, các bộ trưởng năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ... |