Diễn ra vào ngày 24/9, đây cũng sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng ở châu Âu trong năm 2017. Không hào nhoáng như cuộc chạy đua đến Nhà Trắng hay Điện Elysee, và các ứng cử viên cũng chẳng nhiều “cá tính” như Marine Le Pen hay Donald Trump, nhưng bầu cử ở Đức không vì thế mà kém hấp dẫn. Biến động của tình hình quốc tế và sóng gió chính trường trong nước càng làm cho cuộc chạy đua quyền lực ở Berlin diễn ra khốc liệt và gay cấn.
Cờ Đức tung bay cạnh tòa nhà Quốc hội Đức. (Nguồn: ValueStockPhoto) |
Tuy nhiên, “quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”, vai trò ngày càng quan trọng của Đức trong khu vực và trên thế giới cũng đòi hỏi nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này phải vượt qua vô vàn thách thức đối nội và đối ngoại.
Vật đổi sao dời
So với bốn năm trước, thế giới đã trải qua những thay đổi lớn, tạo ra nhiều thách thức mới đối với Đức. Một trong những diễn biến quan trọng nhất chính là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và đưa ra các quyết định đi ngược với xu thế quan hệ quốc tế như tăng cường bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa, xem xét lại nghĩa vụ của các quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mối quan hệ với nhiều đồng minh truyền thống. Điều này khiến nhiều người dân Đức không khỏi bất an khi Washington là đối tác quan trọng bậc nhất cả về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng đối với Berlin.
Sự kiện gây sốc không kém là việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU hồi tháng 6/2016. Cơn “động đất” này đã buộc EU, mà đứng đầu là Đức, phải nghiêm túc xem xét lại phương thức hoạt động để ngăn các nước thành viên khác tiếp bước London. Làn sóng thiên hữu ở châu Âu trong năm qua cũng khiến chính trường tại đây chao đảo, trước khi dịu xuống sau kết quả bầu cử ở Pháp và Hà Lan.
Sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Trung Đông đã dẫn đến làn sóng di cư khổng lồ từ châu Phi, tạo nên khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu thời hậu chiến. Việc trên một triệu người tị nạn tràn vào Đức trong năm 2015 và 2016 đã đẩy Chính phủ quốc gia này vào tình trạng quá tải. Quan trọng hơn, diễn biến này còn khiến quan hệ giữa các đảng chính trị cầm quyền trong Liên minh ngày càng rạn nứt và gây phân hóa sâu sắc trong xã hội Đức. Không chỉ có vậy, tội phạm liên quan đến người nước ngoài, đặc biệt là người tị nạn tăng chóng mặt khiến nhiều thành phố ở Đức luôn trong trạng thái bất an, xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Làn sóng khủng bố quốc tế đang đe dọa cuộc sống của người dân châu Âu nói chung và công dân Đức nói riêng, bởi những cuộc tấn công bằng xe tải, xe bán tải, đâm dao, bổ rìu ngay khu vực chợ Giáng sinh, giữa trung tâm sầm uất của Berlin và nhiều thành phố khác trên cả nước. Tâm lý lo sợ khiến nhiều người dân quay ra chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn của Chính phủ Đức và đẩy các mâu thuẫn trong lòng xã hội quốc gia này lên cao, gây tổn hại không nhỏ đến hình ảnh chính trị của Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) - Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đối thủ Martin Schulz, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD). (Nguồn: News front) |
Thách thức đối ngoại
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh có phần ngặt nghèo đó, Berlin vẫn đứng vững. Sau 12 năm chèo lái của Thủ tướng Merkel, nước Đức đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với mức tăng trưởng cao (trên dưới 2%). Năm 2016, quốc gia này đứng đầu thế giới về xuất khẩu và thặng dư thương mại không chỉ với các nước nhỏ, mà cả với những bạn hàng lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc. Sự phồn thịnh của nền kinh tế Đức còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác như thăng dư ngân sách đạt khoảng 24 tỷ Euro năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập tăng, lạm phát thấp, giá cả ổn định, chỉ số tiêu dùng tăng.
Trớ trêu thay, chính sự vươn mình mạnh mẽ của Berlin lại khiến những trọng trách của quốc gia này trên trường quốc tế nặng nề hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nước EU khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italy đều yêu cầu Berlin phải tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng ở cả các nước thành viên khác, thậm chí chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính quyền của bà Merkel từng đề xuất.
Không chỉ có vậy, quan hệ của Đức với các nước phía Đông vốn có quan hệ truyền thống tốt đẹp cũng sắp chạm đáy. Việc nước này ngả theo Mỹ và NATO để kéo dài cấm vận Nga đã gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Berlin và Moscow, vốn được coi là chìa khóa để giữ ổn định cho châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière còn cảnh báo rằng không loại trừ khả năng can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tới ở Đức, như đã từng xảy ra với Mỹ.
Trong khi đó, dưới thời của Thủ tướng Đức Merkel, mối quan hệ giữa Berlin và Ankara đang dần trở nên khó đoán định. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị quan trọng tới an ninh và là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Đức. Đức hiện có tới đến hơn ba triệu người gốc Thổ. Bên cạnh đó, Ankara còn là thành viên NATO và đóng vai trò then chốt trong thỏa thuận về người tị nạn với EU.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên tục chỉ trích những biện pháp mà Berlin áp đặt với Ankara, công kích chính quyền của bà Merkel. Hai bên liên tục có những xích mích như công dân Đức bị bắt giam ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara từ chối cho nghị sĩ Đức thăm quân đội đang đồn trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, hay Berlin cho nhiều người bị nghi tham gia đảo chính bất thành hồi năm ngoái được tị nạn... Đáng lo ngại hơn, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn có động thái can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Đức khi kêu gọi những cử tri gốc Thổ không bỏ phiếu cho cả hai đảng lớn là Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) và Dân chủ Xã hội Đức (SPD) vì hai đảng này có thái độ thù địch với Thổ.
Mối quan hệ nhạy cảm khác giữa Đức và Ba Lan, nước láng giềng phía Đông, trong thời gian gần đây cũng đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi khi Warsaw tiếp tục tiến hành cải tổ Hiến pháp, phớt lờ những cảnh cáo từ Brussels và Berlin.
Chính trường khốc liệt
Bên cạnh những thách thức đối ngoại, chính quyền kế nhiệm cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió ở ngay trong lòng nước Đức. Hiện nội bộ Liên minh cầm quyền đang lủng củng và mâu thuẫn chưa từng có, khi CDU/CSU và SPD liên tục xung đột về việc giải quyết khủng hoảng người nhập cư. Ngay cả đảng “chị em” với đảng CDU là CSU cũng liên tục chĩa mũi dùi vào Thủ tướng Merkel vì câu chuyện “giới hạn trần” và đe dọa đưa vấn đề này ra Tòa án Hiến pháp, thậm chí rút khỏi Liên minh.
Trong khi đó, lợi dụng tâm lý bài xích người nước ngoài, đặc biệt là người tị nạn nở rộ, làn sóng thiên và cực hữu của đảng “Giải pháp cho nước Đức” (AFD) đã giành được ủng hộ ở nhiều bang phía Đông và trở thành nhân tố có sức ảnh hưởng trong cuộc bầu cử Liên bang sắp tới. Trái ngược với AFD, SPD lại liên tục thất cử tại nhiều bang “thành trì” .
Trong thời gian gần đây, chính trường Đức đang dậy sóng khi một số cựu chính trị gia “đầu quân” cho các doanh nghiệp và tập đoàn của nước ngoài. Nhiều nghị sĩ SPD phê phán mạnh mẽ việc cựu Tổng thống Đức Christian Wulff thuộc đảng CDU có quan hệ làm ăn với hãng thời trang của Thổ Nhĩ Kỳ, không xứng đáng với cương vị là cựu nguyên thủ. Quan trọng hơn, công ty mà ông Wulff tham gia lại đến từ quốc gia đang có quan hệ căng thẳng với Đức.
CDU ngay lập tức “phản pháo” việc SPD cho phép cựu Thủ tướng Gerhard Schröder tham gia lãnh đạo một công ty Nga. Đích thân Thủ tướng Angela Merkel đã chỉ trích hành động của ông Schröder, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang bị EU cấm vận. Tuy nhiên, giành ưu thế trong những cuộc đấu khẩu này không đồng nghĩa với việc chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong bối cảnh hiện tại, một số chuyên gia cho rằng sẽ không có chính đảng nào giành chiến thắng áp đảo và nhiều khả năng Đức sẽ tiếp tục được điều hành bởi một chính phủ liên minh. Tuy nhiên, liệu điều này có trở thành sự thực hay không thì chỉ người dân Đức mới có thể quyết định.