📞

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Nhật đã bắt đầu?

Minh Anh 09:20 | 18/04/2019
Nỗi lo sợ bị tụt lại phía sau có thể sẽ khiến Washington hành động, dù đó có là một anh bạn đồng minh?

Mỹ và Nhật Bản vừa kết thúc 2 ngày làm việc của vòng đàm phán thương mại đầu tiên. Các nhà đàm phán đã thảo luận các vấn đề thương mại liên quan tới hàng hóa, trong đó có nông nghiệp, cũng như sự cần thiết phải thiết lập các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực thương mại số.

Mỹ sợ tụt lại phía sau

Phân tích quan hệ Mỹ - Nhật và tương lai của cuộc đàm phán, trên CNBC, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Thương mại Mỹ Tom Donohue bình luận: “Khi bạn đứng yên trong các mối quan hệ thương mại tức là bạn đang bị tụt lại phía sau. Không nơi nào nhìn thấy điều đó rõ ràng hơn trong quan hệ giữa Mỹ và Nhật - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Đó cũng là lý do tại sao Mỹ phải có một cuộc đàm phán về thương mại với Nhật Bản.”

Từ Thế chiến II, Mỹ - Nhật đã trở thành những đồng minh thân thiết. (Nguồn: AFP)

Giống như nhiều quốc gia khác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận thương mại mới và dần phá bỏ các rào cản đối với thương mại toàn cầu. Chính điều đó đã khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng, họ buộc phải hành động nhanh chóng để công nhân, nông dân và cả các công ty của mình “không bị mắc kẹt ở bên ngoài và chỉ có thể đứng nhìn vào trong”.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trường hợp điển hình. Mỹ từng dẫn đầu trong việc đàm phán hiệp ước thương mại này, nhưng khi Washington rút lui vào năm 2017, Nhật Bản và các nước tham gia khác đã chọn thực hiện nó mà không có Mỹ. Hiệp định thương mại mới, CPTPP cuối cùng đã có hiệu lực vào tháng 12/2018.

Nhờ thỏa thuận cắt giảm thuế quan, Nhật Bản đã nhập khẩu thêm 60% thịt bò từ Canada, Australia và các đối tác CPTPP khác trong tháng 1, so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi hiệp định thương mại EU - Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 2, nông dân và nhà sản xuất châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan tại Nhật.

Làn sóng thương mại gia tăng giữa Nhật và các đối tác của các hiệp định thương mại mới đồng nghĩa với việc người Mỹ đã dần đánh mất doanh số bán hàng cho thị trường Nhật. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ xuất sang Nhật Bản đã giảm 35% từ đầu năm đến nay. Lúa mì và lúa mạch cũng bắt đầu bị ảnh hưởng.

Mục tiêu tiếp theo của Mỹ?

Hồi tháng 9/2018, tuyên bố chung giữa Nhật – Mỹ đã thống nhất việc triển khai các cuộc đàm phán thương mại song phương, trong đó tôn trọng quan điểm của từng Chính phủ, đặc biệt là lĩnh vực ô tô và nông nghiệp. Tại đây, hai bên cũng khẳng định quyết tâm tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư trên cơ sở “có đi, có lại”, thúc đẩy kinh tế toàn cầu một cách tự do, công bằng và cởi mở.

Tuy nhiên, Tokyo bị đồn đoán có thể là mục tiêu áp thuế tiếp theo của Tổng thống Trump khi thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản vẫn ở mức cao, đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc, Mexico.

Năm ngoái, thương mại Mỹ - Nhật cán mốc 300 tỷ USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư gần 500 tỷ USD vào Mỹ và sử dụng gần 1 triệu lao động tại đây, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Anh. Ô tô và phụ tùng là nguyên nhân chính gây ra sự mất cân bằng trong cán cân thương mại. Trong khi ô tô do Nhật sản xuất là một trong những loại xe phổ biến nhất ở Mỹ, thì chỉ có một số ít ô tô do Mỹ sản xuất được tiêu thụ tại Nhật.

Tuần trước, trước thềm Cuộc họp Mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang tập trung tại Washington rằng: “Cuộc chiến thương mại của tôi chưa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu phải tiếp tục đối phó với nó”.

Với đe dọa mới nhất về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ một đồng minh thân cận là EU, Tổng thống Mỹ đã đưa ra một lời nhắc nhở rằng, ngay cả khi ông tiến tới thỏa thuận với Bắc Kinh để chấm dứt chiến tranh thuế quan, ông vẫn muốn “làm lại” nhiều mối quan hệ thương mại khác. Tất nhiên, EU không phải là duy nhất trong tầm ngắm của ông Trump.

Một toan tính khác

Tuy nhiên, Mỹ đã sẵn sàng tiến sâu hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Nhật có thể bằng những tính toán khác? Bởi thỏa thuận thương mại với Nhật Bản hoàn toàn có thể vượt ra ngoài quy mô của một thị trường, hoặc là bất lợi về thuế quan sẽ đến đối với chính nông dân và nhà sản xuất Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản có thế mạnh về vốn và công nghệ, và các công ty Nhật có thể cùng chia sẻ mối quan tâm với các “đồng nghiệp” Mỹ về những thách thức của thương mại toàn cầu, đổi mới và số hóa.

Từ đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật có thể là cơ hội để hai nền kinh tế lớn viết ra các quy tắc thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21. Với các quy tắc thương mại phù hợp, Mỹ và Nhật Bản có thể cùng thu lợi lớn.

Thậm chí giới chuyên gia Mỹ cho rằng, một thỏa thuận thương mại với Nhật cần phải khác USMCA (Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Canada - Mexico) - với các quy định ngăn chặn các quy tắc tùy tiện có thể chống lại hàng xuất khẩu của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật được kỳ vọng sẽ loại bỏ được những quy tắc thương mại “bình thường”, để gây dựng lên những quy tắc mới, lèo lái kinh tế thế giới.

Trên thực tế, kể từ Thế chiến II, Mỹ - Nhật đã trở thành những đồng minh thân thiết. Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ Tom Donohue, giờ là lúc thích hợp để có một hiệp định thương mại, bởi một nền tảng chắc chắn có thể giúp hai đồng minh cùng bước qua thách thức của tương lai. “Chúng ta cần viết các quy tắc thương mại toàn cầu, nếu không chúng sẽ được viết và chúng ta buộc phải thực hiện. Mỹ không thể bị tụt hậu. Với các đối tác như Nhật, Mỹ cần dỡ bỏ thuế quan”, ông Tom Donohue nói.