Giữa khi Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ và EU mới thống nhất được trong nội bộ về phương án để tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, thì Nhật Bản và Mỹ đã khởi động tiến trình đàm phán về thoả thuận thương mại mới. Cùng là chuyện xung khắc và đàm phán thương mại, nhưng Mỹ vận dụng những cách thức và lộ trình khác nhau đối với các đối tác khác nhau.
Liệu Mỹ và Nhật Bản có nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại? |
Chuyện đàm phán này trở nên cần thiết đối với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, sau khi họ bị Mỹ xô đẩy vào cuộc xung khắc thương mại với nguy cơ có thể biến tướng và leo thang mức độ quyết liệt thành chiến tranh thương mại. Tất cả đều liên quan đến quan điểm chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được ông Trump thực hiện rất kiên định và quyết liệt từ khi lên cầm quyền. Người này nêu cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" để xem xét lại quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại của Mỹ với những đối tác mà ông Trump cho là Mỹ bị thua thiệt, dùng xung khắc thương mại thúc ép các đối tác này phải chấp nhận đàm phán lại thoả thuận thương mại với Mỹ. Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi nhiều thoả thuận đa phương, bất chấp cả Tổ chức Thương mại thế giới và theo đuổi chủ trương đàm phán thương mại song phương.
Thực chất ở đây là ông Trump muốn xoá hết những thoả thuận trước đó giữa Mỹ và các đối tác, bất kể song phương hay đa phương để chơi một cuộc chơi mới theo luật chơi, điều kiện cũng như lộ trình của Mỹ mà kết cục cuối cùng đến đâu là chuyện khác. Thành quả hiện tại không đáng kể bằng bắt đầu cuộc chơi. Ông Trump không có ý định dùng kết quả đạt được với đối tác này hay đối tác kia làm khuôn mẫu mà hiện chỉ coi cách chơi làm khuôn mẫu.
Cho nên với từng đối tác riêng, ông Trump sẽ nhằm mục đích và kết cục riêng, cho dù cùng về chủ đề nội dung. Từ đó có thể thấy: đàm phán có thể dễ bắt đầu nhưng rồi sẽ khó và không thể nhanh kết thúc cũng như không chỉ đàm phán mỗi lần này là xong.