Đó là một chiến lược tổng thể về mọi mặt, từ công tác tổ chức bộ máy, chính sách con người đến các bước đi đột phá trong đào tạo các thê đội cán bộ, nhằm đáp ứng bước chuyển chiến lược của đất nước khi khởi động, triển khai đổi mới ở trong nước và phá vây, đi vào hội nhập với bên ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của công tác nghiên cứu trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là phương pháp tư duy tổng thể và công tác đại sự ký. (Ảnh tư liệu) |
Có thể nói, những nỗ lực tiên phong đổi mới xây dựng ngành đó đã không chỉ kịp thời hình thành một đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh dám đổi mới, cách tư duy và tri thức mới để triển khai nhiệm vụ đối ngoại thời kỳ đó; mà về dài hạn còn là việc nuôi dưỡng, chuẩn bị những thê đội cán bộ ngoại giao kế tiếp cho chặng đường phát triển cao hơn, hội nhập sâu hơn của đất nước 40 - 50 năm sau.
Là thế hệ cán bộ được tuyển dụng vào ngành đầu năm 1980 - đúng chặng đường ngành ngoại giao đổi mới theo tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thế hệ trẻ chúng tôi bấy giờ may mắn có cơ hội chứng kiến, trải nghiệm và hưởng thụ những bước đột phá về xây dựng ngành. Đây chính là những nền tảng giúp nhiều cán bộ thế hệ chúng tôi rèn rũa, trưởng thành, định hình bản lĩnh, tư duy, phong cách làm việc trong suốt chặng đường sau này.
Từ đó, xin chia sẻ suy nghĩ về hai vấn đề: (i) Thứ nhất là những dấu ấn về công tác đào tạo cán bộ trẻ thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; (ii) Thứ hai là một số bài học của tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch và công tác xây dựng ngành giai đoạn mới.
1. Những dấu ấn về đào tạo cán bộ trẻ thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Trong những năm 1980, khi đất nước bị bao vây cấm vận và rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, công tác đào tạo cán bộ trong ngành ngoại giao cũng đứng trước nhiều khó khăn, không chỉ về nguồn lực, tài chính.
Một trong những vấn đề lớn là việc đào tạo chủ yếu dựa trên lý luận, kiến thức của khối Liên Xô - Đông Âu, cung cấp những nền tảng cơ bản song còn nhiều hạn chế, không tiếp cận được nhiều thành quả chung khác của tri thức nhân loại, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của Việt Nam cũng như bước chuyển chiến lược của ngoại giao nước ta sang đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Trong tình hình đó, tư duy mới về đào tạo cán bộ theo tầm nhìn, lý luận sáng tạo của thực tiễn cách mạng Việt Nam mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khởi xướng và trực tiếp hoạch định đã tạo nên những đột phá sâu rộng, dài hạn.
Vì vậy, công tác đào tạo cán bộ trẻ được coi trọng, đẩy mạnh hơn trước nhiều và triển khai trong kế hoạch tổng thể đào tạo cơ bản và lâu dài các thê đội cán bộ ngoại giao cho thời kỳ mới. Có thể nói, những dấu ấn nổi bật của chương trình đào tạo cán bộ trẻ bấy giờ là:
Trước hết, Bộ ta đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo bài bản và toàn diện cán bộ trẻ, nhất là về phương pháp tư duy mới và kỹ năng làm việc, trong đó chú trọng đào tạo tại chỗ của các đơn vị, gắn với thực tiễn hoạt động đấu tranh ngoại giao hàng ngày.
Vì vậy, ngay từ những năm đầu vào ngành, cán bộ trẻ chúng tôi không chỉ làm việc trong không khí đổi mới quyết liệt của Bộ, mà còn được phân công tháp tùng, phục vụ lãnh đạo trong các cuộc tiếp xúc, hoạt động đối ngoại lớn nhỏ; được giao làm công tác nghiên cứu, xây dựng đại sự ký, viết báo cáo; trực tiếp được nghe chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Lãnh đạo Bộ hướng dẫn cách tiếp cận, phương pháp tư duy, cách thức làm việc mới mẻ…
Cuối những năm 1980 khi công tác tại Tổ Tổng hợp của Vụ Châu Á 3 (Vụ Đông Nam Á- Nam Á- Nam Thái Bình Dương hiện nay), tôi đã có cơ hội tham gia chuẩn bị, tháp tùng lãnh đạo Vụ tham dự nhiều cuộc thảo luận chính sách sôi động bấy giờ về tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, các đồng chí Lãnh đạo Bộ trực tiếp chủ trì.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đổi mới tư duy đối ngoại, trước hết là chuyển mạnh sang cách tiếp cận lợi ích quốc gia một cách đa chiều và tư duy đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế phù hợp với tình hình mới; tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của công tác nghiên cứu, đặc biệt là phương pháp tư duy tổng thể và công tác đại sự ký.
Ông nhiều lần dí dỏm ví von cách tư duy hẹp, phiến diện giống như hình ảnh “bốn anh mù sờ con voi”, mỗi anh chỉ cầm một cái chân thì khoe tướng lên hình hài con voi giống cái cột đình (!). Hay như để đào một cái hố sâu, thì người ta cần phải đào rất rộng trước rồi mới đào sâu được.
Nói cách khác, muốn hiểu biết sâu về một vấn đề, một lĩnh vực hay một đối tác, thì cán bộ ngoại giao phải đọc rộng, biết rộng hơn nhiều, phải nắm được nhiều mối quan hệ, các vấn đề liên quan cũng như cần đặt vấn đề đó trong bối cảnh tổng thể tình hình kinh tế, chính trị, an ninh và thậm chí là cả về văn hóa, ở khu vực và thế giới.
Bộ trưởng cũng luôn nhắc nhở, để làm việc hiệu quả, thì phải có phương pháp làm việc khoa học và làm việc theo quy trình hợp lý – tức là phải biết chọn việc ưu tiên mà làm và khi làm thì phải biết nên làm bước nào trước, bước nào sau. Ông lý giải, ai cũng có lượng thời gian trong ngày, trong tuần như nhau, nhưng có người làm được nhiều việc hơn và thành công hơn là do người ta biết chọn ưu tiên, việc chính mà làm và phải biết buông bỏ cái phụ.
Làm đúng quy trình thì không chỉ xử lý việc nhanh, hiệu quả, mà còn tránh tạo phát sinh hệ lụy.
Bộ trưởng thường căn dặn cán bộ trẻ phải chú trọng rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất cũng như kỹ năng giao tiếp, đặc biệt coi trọng việc tạo niềm tin với các đối tác, bè bạn. Tôi vẫn nhớ mãi, tại một cuộc nói chuyện của ông, có cán bộ trẻ đặt câu hỏi, để bảo vệ lợi ích quốc gia bằng mọi cách, thì có thể sử dụng khéo léo thủ thuật nói dối hay không.
Bộ trưởng đã khuyên rằng, trong ngoại giao cũng như trong cuộc sống, chữ tín là quan trọng hàng đầu, vì vậy không bao giờ được nói dối. Các đối tác, nhất là các nhà ngoại giao và nhà báo, đều rất tinh tường, nên nếu nói dối họ thì chỉ được một hay hai lần rồi người ta cũng sẽ nhìn ra. Nhà ngoại giao phải ứng xử khéo léo song phải vừa thể hiện được sự chân thành, như vậy mới tạo được niềm tin và giữ được quan hệ lâu dài.
Chính tấm gương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cùng các thế hệ cha anh đi trước và những trải nghiệm thực tiễn đã giúp cán bộ trẻ chúng tôi bấy giờ học hỏi, rèn rũa rất nhiều về bản lĩnh kiên định, tinh thần đổi mới quyết liệt, tư duy tổng thể và dài hạn, phong cách làm việc khoa học và sáng tạo, ứng xử tinh tế …
Thứ hai, Bộ đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ chương trình về bồi dưỡng lý luận, kiến thức đại trà cho cán bộ và cán bộ trẻ, gắn với thực tiễn đấu tranh ngoại giao; đồng thời, có các biện pháp chính sách đòn bẩy nhằm tăng cường ý thức nâng cao trình độ của cán bộ trẻ.
Có thể nói, Nghị quyết 38 của Ban cán sự đảng Bộ do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ký tháng 3/1981 về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao và chính sách đối với công tác giảng dạy có ý nghĩa đột phá quan trọng.
Một đột phá của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là việc ông đưa về nước cuốn Economics của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Samuelson và cho các đơn vị trong Bộ dịch thuật để làm tài liệu bồi dưỡng kiến thức. |
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trực tiếp chỉ đạo việc cập nhật, nâng cao chất lượng và tính thực tiễn của nội dung, tài liệu đào tạo, coi trọng việc kết hợp chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với thực tiễn đấu tranh ngoại giao và yêu cầu đổi mới trong nước. Một trong những đột phá là việc ông đưa về nước cuốn sách giáo khoa kinh tế “Economics: An Introductory Analysis” của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Samuelson, và cho các đơn vị trong Bộ dịch thuật để làm tài liệu bồi dưỡng kiến thức.
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về kinh tế thị trường được giới thiệu ở nước ta và sau này được sử dụng ở nhiều trường đại học của ta. Bộ trưởng luôn nhấn tầm quan trọng của yếu tố kinh tế, sức mạnh kinh tế trong đánh giá so sánh lực lượng, phân tích tình hình, mục tiêu chính sách của các nước… Đây thực sự là kiến thức, cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ đối với cán bộ chúng tôi bấy giờ.
Các khóa bồi dưỡng lý luận, chính trị, kiến thức chuyên ngành, kinh tế, ngoại giao kinh tế… được Bộ chủ động tổ chức hoặc phối hợp với Học viện chính trị Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện công tác nên đông đảo cán bộ và cán bộ trẻ đã được tham gia.
Đồng thời, Bộ đã thực hiện mạnh mẽ các nhóm biện pháp đòn bẩy liên quan, như: (i) Giao thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo, bảo đảm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được tạm dứt khỏi công việc để tham gia các khóa bồi dưỡng, hạn chế thực trạng ai không làm được thì cho đi học; (ii) Gắn việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng với khen thưởng, đề bạt cán bộ, nâng lương; (iii) Đồng thời, chú trọng và có biện pháp khuyến khích đào tạo, hình thành đội ngũ giảng viên kiêm chức và chuyên nghiệp chất lượng, coi đó là khâu then chốt để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
Thứ ba, Bộ đã triển khai các biện pháp đào tạo cán bộ trẻ theo điểm – đó là lựa chọn những cán bộ trẻ xuất sắc mới vào ngành để cử đi công tác tại các cơ quan đại diện của ta ở những địa bàn thử thách để rèn luyện, trưởng thành. Đây là cách làm hiệu quả để đào tạo, rèn rũa cán bộ trẻ và sớm trưởng thành một cách toàn diện.
Nhiều lứa cán bộ trẻ vào ngành trong những năm 1980 đã được lựa chọn (mỗi năm khoảng từ 2 đến 4 cán bộ tốt nghiệp đại học với kết quả xuất sắc) để sớm cử đi công tác tại các cơ quan đại diện ở New York, London, Canberra… là những tuyến đầu đấu tranh ngoại giao của ta với phương Tây bấy giờ.
Sau khoảng một năm vào ngành, tôi cùng một số anh em tốt nghiệp loại ưu của Đại học Ngoại giao đã được cử đi công tác tại Đại sứ quán ta tại London từ 1982-1985. Chúng tôi may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Đặng Nghiêm Bái, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ và là một trong những “cây đa cây đề” về công tác nghiên cứu của Bộ, và được anh Lê Bàng, người thứ hai của Đại sứ quán, trực tiếp quản lý, hướng dẫn trong công tác hàng ngày.
Cán bộ trẻ chúng tôi được giao làm mọi việc từ lễ tân, phiên dịch, báo chí, tiếp xúc đối ngoại, tổ chức đảng phái, quần chúng, công tác văn phòng, tổ chức chiêu đãi, nấu ăn, tham gia xây dựng cơ quan, đến điểm tin, báo cáo định kỳ, nghiên cứu động thái, đề tài nghiên cứu chiến lược hoàn thành trong cả nhiệm kỳ...
Những khó khăn, cọ xát trong thực tế xử lý công việc hằng ngày cũng như trong phấn đấu vào Đảng ở địa bàn đầy thử thách như vậy thực sự đã cho chúng tôi nhiều bài học lớn, rất quý báu để trưởng thành trong nghề.
Thứ tư, Bộ đồng thời rất coi trọng việc tạo môi trường làm việc công bằng, dân chủ, minh bạch để cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, rèn luyện, trưởng thành và cống hiến. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã thúc đẩy cách quản lý theo cơ chế ba mặt, bỏ phiếu đánh giá cán bộ ở các đơn vị cũng như bầu tập sự cấp Vụ, cấp Bộ…
Ông từng nói rằng, bỏ phiếu không phải là hình thức dân chủ nhất, nhưng đó là hình thức tốt nhất có thể có hiện nay để có công bằng. Thực tế là nhiều cán bộ trẻ ở các đơn vị đã được bình bầu với số phiếu rất cao hàng năm, tạo niềm tin, niềm tự hào và động lực cho chúng tôi làm việc hăng say, sáng tạo.
Có thể nói, những dấu ấn đào tạo của thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã ảnh hưởng sâu sắc, thấm sâu vào cách tư duy, phẩm chất, phương pháp làm việc của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao, từ khi còn trẻ đến khi trưởng thành và trở thành lãnh đạo sau này.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga phát biểu tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
2. Một số bài học của tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch và công tác xây dựng ngành giai đoạn mới
Bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, ngoại giao nước ta đứng trước những chuyển đổi hết sức sâu sắc cả bên trong và môi trường bên ngoài: nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới, với mục tiêu, tầm nhìn và khát vọng lớn; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với quá trình chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, những chuyển dịch chưa từng có; quá trình tái định hình cục diện khu vực, quốc tế thời kỳ hậu Covid-19 diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn, khó dự báo… Những chuyển đổi căn bản đó tất yếu đòi hỏi ngành ngoại giao, trong đó có công tác xây dựng ngành, một lần nữa phải đổi mới mạnh mẽ, để chủ động thích ứng và phát huy vai trò tiên phong.
Việc tổng kết “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại” và thực tiễn triển khai 40 năm qua cho chúng ta nhiều bài học quý, thiết thực cho giai đoạn mới.
Một là, cần xây dựng Kế hoạch/ chiến lược tổng thể, dài hạn về xây dựng ngành đến năm 2030, trong đó đề ra những định hướng với tầm nhìn 20 - 30 năm cho việc đổi mới toàn diện bộ máy tổ chức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng các thê đội đội ngũ cán bộ, và các chính sách đòn bẩy, phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới. Có thể cân nhắc việc lập nhóm ad hoc tư vấn chính sách xây dựng ngành (gồm một số anh chị em có kinh nghiệm về công tác tổ chức, đào tạo) giúp Vụ Tổ chức Cán bộ trong việc xây dựng Kế hoạch/chiến lược tổng thể này (thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có Vụ Tổng hợp nội bộ phụ trách đề xuất chính sách xây dựng ngành).
Hai là, bộ máy tổ chức của Bộ cần sớm có sự điều chỉnh mạnh mẽ để đáp ứng nhiệm vụ mới, tư duy mới của ta về “vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” và phù hợp với các xu thế lớn của quan hệ quốc tế thế kỷ XXI.
Các xu thế đó là: (i) chuyển đổi số và phát triển bền vững, (ii) các vấn đề toàn cầu và ngoại giao đa phương, (iii) ngoại giao số, ứng dụng công nghệ và phát huy sức mạnh mềm thời đại 4.0… Với nước ta, phát triển bền vững và chuyển đổi số chính là hai trụ đỡ then chốt để Việt Nam vươn tầm phát triển cao hơn trong những thập kỷ tới.
Do đó, có thể cân nhắc điều chỉnh bộ máy, chức năng của một số đơn vị theo hướng như: Vụ Các vấn đề toàn cầu và các tổ chức quốc tế; Vụ Tổng hợp kinh tế, phát triển và đổi mới sáng tạo; Vụ Ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng; Vụ Thông tin báo chí và ngoại giao số…
Bài học của thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là, muốn đẩy mạnh ngoại giao làm kinh tế thì phải có Vụ tổng hợp kinh tế; muốn thúc đẩy chiến lược xây dựng ngành thì phải lập Vụ tổng hợp nội bộ; để có cách nhìn tổng thể trong hoạch định chính sách đối ngoại thì phải có Vụ tổng hợp đối ngoại…
Thực tế hiện nay là Bộ ta cũng như Học viện ngoại giao chưa có các đơn vị chuyên trách, đi sâu các xu thế lớn, vấn đề mới, cho thấy sự thay đổi tư duy của ta có phần còn chậm so với tình hình.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng tri thức và kỹ năng cho cán bộ ngoại giao thời kỳ mới cũng cần phải gắn với các xu thế lớn nói trên và cách tiếp cận mới. Cùng với việc đào tạo các thê đội cán bộ, đã đến lúc cần coi trọng việc đào tạo, hình thành một đội ngũ chuyên gia thực thụ và có uy tín quốc tế về các vấn đề, diễn đàn có ý nghĩa chiến lược với ta thời gian tới, như về đa phương (các vấn đề toàn cầu, ASEAN, Liên hợp quốc, WTO, FTA…), về luật pháp quốc tế, về liên kết kinh tế - phát triển và chuyển đổi số. Muốn có đội ngũ chuyên gia như vậy thì phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay từ khi còn trẻ.
Tiếp tục chú trọng đào tạo cán bộ trẻ gắn với tư duy Cộng đồng ASEAN, trải nghiệm thực tiễn công tác tại các địa bàn thử thách, như các nước ASEAN và diễn đàn đa phương.
Cuối cùng, để có được những chuyển biến căn bản như trên thì yếu tố quyết định vẫn là phải đề ra các chính sách đòn bẩy hiệu quả, phù hợp tình hình mới, nhất là phải gắn việc đào tạo, học tập và bồi dưỡng cán bộ với đánh giá bình bầu, lên lương, đề bạt, luân chuyển. Công tác ngoại giao nước ta thời đại số đòi hỏi cán bộ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, hình thành văn hóa học và đam mê sáng tạo trong ngành.
(*) Tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội.