📞

Di sản chính trị của Tổng thống Hàn Quốc bị lung lay vì bê bối

09:48 | 04/11/2016
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi bà lên nhậm chức.

Bà Park Geun-hye đang tìm cách dập tắt những tranh luận xoay quanh việc người bạn thân tín của mình - bà Choi Soon-sil bị tình nghi can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Cùng với sự tiết lộ của các phương tiện truyền thông và sự nghi ngờ không ngừng gia tăng của dân chúng, sự kiện bà Choi can thiệp vào công việc đất nước tiếp tục trở nên sôi sục, gây sự chú ý của toàn thế giới.

Bán đảo Triều Tiên hiện nay vốn đang ở trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng, việc tăng thêm bất kỳ biến số nào đều có khả năng làm cho tình hình một lần nữa thay đổi nhanh chóng. Tổng thống Park Geun-hye vẫn đang kiên trì triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nếu thực sự phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có thì những quyết sách của Chính quyền Park Geun-hye trước đó trong vấn đề an ninh khu vực liệu có đáng được tuân theo, tiếp theo sẽ đối mặt với những biến số gì?

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. (Nguồn: Reuters)

Mất niềm tin vào tổng thống

Trước những bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye, những tiếng nói kêu gọi bà từ chức của sinh viên và người dân trong nước liên tục dâng cao trong mấy ngày qua. Tỉ lệ ủng hộ Park Geun-hye cũng liên tục xuống thấp.

Trước đó, tối 24/10, đài truyền hình cáp JTBC của Hàn Quốc công bố một thông tin gây chấn động cả nước, Choi Soon-sil, một người không đảm nhận bất cứ vị trí nào trong chính phủ đã nhận được hơn 200 văn bản trong đó có 44 bài phát biểu và báo cáo khác nhau của Tổng thống. Bằng chứng  được JTBC công bố cho thấy, bà Choi Soon-sil đã chỉnh sửa những văn bản này trước khi bà Park phát biểu chúng.

Ngày 25/10, các công tố viên phụ trách điều tra vụ bê bối đã khám nhà riêng của bà Choi Soon-sil, văn phòng của quỹ Mir và K-Sports do bà này nắm quyền điều hành để thu thập chứng cứ.

Ngày 26/10, nhật báo JoongAng Ilbo đăng tải thông tin cho biết, các dữ liệu được phân tích trong máy tính của bà Choi Soon-sil cho thấy, bà này không chỉ đơn thuần sửa các bài phát biểu của Tổng thống Park mà còn tiếp xúc với các văn kiện bí mật của quốc gia. Tờ báo này cũng cho biết, bề ngoài Choi Soon-sil không có mối liên quan trực tiếp với hai quỹ trên nhưng bà đã sắp xếp người thân nắm giữ các chức vụ quan trọng ở 2 quỹ này, đồng thời thông qua nhiều công ty ở Đức và Hàn Quốc để tham ô.

Trước các bằng chứng, ngày 25/10, Tổng thống Park Geun-hye đã phải chính thức xin lỗi người dân. Theo báo cáo của Realmeter - một cơ quan thăm dò dư luận độc lập ở Hàn Quốc, tỉ lệ ủng hộ đối với vị nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã giảm còn 17,5%, lần đầu tiên ở mức thấp dưới 20%. Trong đó, có tới 70% số người được hỏi đã đưa ra những đánh giá tiêu cực về tình hình điều hành chính phủ của bà.

Đối với câu hỏi Park Geun-hye phải chịu trách nhiệm thế nào về vụ bê bối này, 42,3% số người được hỏi nói rằng bà phải từ chức hoặc bị quốc hội luận tội, tiếp theo là cải tổ Nhà Xanh và Nội các, Tổng thống phải ra khỏi đảng cầm quyền... Mặt khác, tỷ lệ ủng hộ đối với Đảng Minjoo đối lập đã tăng lên 29%, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên đảng này giữ mức cân bằng với Đảng Saenuri cầm quyền, kể từ khi chính phủ mới được thành lập.

Ngày 27/10, tờ World News cho biết, lần đầu tiên, bà Choi Soon-sil đã lên tiếng thừa nhận từng sửa bài phát biểu của bà Park Geun-hye và từng nhận được các tài liệu mà Nhà Xanh gửi đến trong khoảng thời gian sau khi bà Park Geun-hye lên nắm quyền Tổng thống. Tuy nhiên, bà Choi phủ nhận mối quan hệ với quỹ Mir và K-Sports, cũng như những cáo buộc liên quan đến hối lộ.

Ngày 3/11, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã chính thức công bố lệnh bắt giữ sau khi thẩm vấn bà Choi Soon-sil trước sự chứng kiến của các công tố viên và luật sư của bà.

Vụ bê bối chính trị này đã gây sốc cho tất cả mọi người. Phe đối lập rõ ràng sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Trong những ngày qua, các đảng đối lập ở Hàn Quốc liên tiếp có ý kiến nên cải tổ lại Nhà Xanh và Park Geun-hye nên được điều tra riêng.

Theo nhật báo The Hankyoreh, các vụ bê bối liên tục bùng phát làm cho từ “luận tội” đã trở thành chủ đề nóng trên các trang web chính của Hàn Quốc. Giáo sư Đại học Kyung Hee Lee Taek-gwang cho biết, niềm tin cuối cùng của người dân Hàn Quốc đối với Chính quyền Park Geun-hye đã mất. Trong thời gian tới, bà Park Geun-hye không thể nhận được sự ủng hộ của đa số người dân.

Thậm chí, nhiều người thuộc Đảng Saenuri cầm quyền đã liên tục kêu gọi bà Park Geun-hye ra khỏi đảng, để bảo đảm sự chiến thắng cho đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Một số thành viên đảng này cho biết: “Park Geun-hye đã tạo thành gánh nặng cho sự phát triển của Đảng Saenuri”.

Trả lời phỏng vấn của hãng Yonhap mới đây, những người có liên quan của Phủ tổng thống cho biết, sau khi Đảng Saenuri cầm quyền chính thức yêu cầu điều chỉnh toàn diện nhân sự, Park Geun-hye đã điện thoại cho lãnh đạo đảng nói rằng bà đang suy nghĩ việc này. Điều này được hiểu như là về cơ bản, bà Park đã đồng ý đối với việc điều chỉnh nhân sự. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nhân sự khó có thể thực hiện nhanh, do phải xem xét tới người kế nhiệm và định hướng cầm quyền, dự kiến đầu tháng 11 mới có thể tiến hành công việc này.

Người biểu tình đeo mặt nạ hình Tổng thống Park Geun-hye và bạn thân Choi Soon-sil nhằm phản đối vụ bê bối chính trị. (Nguồn: AFP)

Việc sửa đổi hiến pháp có thể “chết yểu”

Dùng từ “bấp bênh” để mô tả chính trường Hàn Quốc hiện nay có lẽ là không quá. Tờ Financial Times cho biết, các công tố viên Hàn Quốc đang điều tra xem có phải bà Choi Soon-sil đã sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, SK Group, LG quyên tặng hàng triệu USD cho 2 quỹ của bà Choi hay không. Và, động thái mới nhất là việc bà Choi bị bắt giữ có lẽ đã đẩy cuộc khủng hoảng lên đỉnh điểm. Vụ bê bối này đang làm xói mòn những nỗ lực cải cách luật lao động và khôi phục nền kinh tế thiếu sức tăng trưởng của Hàn Quốc trong 18 tháng cầm quyền cuối cùng của bà Park Geun-hye.

Cũng theo Financial Times, “những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và tư bản thân hữu ngày càng nhiều đã dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong sự nghiệp của bà Park Geun-hye, điều này có thể làm hỏng những chính sách lớn của bà đồng thời bôi nhọ di sản chính trị của bà”.

Xét về những tác động tới an ninh khu vực Đông Bắc Á, không còn nghi ngờ gì nữa di sản chính trị lớn nhất của bà Park Geun-hye chính là việc triển khai THAAD. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến bà Park Geun-hye ra sức thúc đẩy sửa đổi hiến pháp. Trước vụ bê bối ngày 24/10, Tổng thống Park Geun-hye đã phát biểu trước Quốc hội kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt, bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp để thay đổi sự hạn chế về nhiệm kỳ tổng thống hiện nay. Bà nói rằng, việc tổng thống chỉ có thể đảm nhận một nhiệm kỳ đã không còn phù hợp với nhu cầu quốc gia.

Hiến pháp Hàn Quốc hiện nay quy định, tổng thống chỉ có thể đảm nhận một nhiệm kỳ 5 năm. Mặc dù trước đó ở Hàn Quốc cũng có những tiếng nói yêu cầu sửa đổi cơ chế này, nhưng bà Park Geun-hye luôn nói rằng sẽ không sửa đổi hiến pháp trong nhiệm kỳ của mình. Do đó, tuyên bố đột ngột vào ngày 24/10 của Park Geun-hye khiến thế giới vô cùng ngạc nhiên. Do pháp luật Hàn Quốc quy định việc sửa đổi nội dung hiến pháp không áp dụng cho chính phủ hiện nay, nên ngay cả khi việc sửa đổi hiến pháp thành công thì bà Park Geun-hye cũng không thể tái cử. Một số nhà phân tích hoài nghi rằng, mục tiêu của bà phần nhiều là để khôi phục ảnh hưởng chính trị, đồng thời giúp Đảng Saenuri tăng thêm phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, cũng là để giảm áp lực cho mình.

Nhưng hiện nay có vẻ như việc sửa đổi hiến pháp gần như không thể thực hiện được. Tờ Kung Hyabg mới đây đã có bài xã luận cho rằng, người dân Hàn Quốc hiện nay đang hết sức tức giận về vụ bê bối của chính phủ. Trong tình hình hiện tại, việc bà Park Geun-hye đề xuất sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống khó có thể thực hiện được.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Phó Giáo sư Hình Lệ Cúc - thuộc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết: “Bà Park Geun-hye đề xuất sửa đổi hiến pháp là vì lợi ích của đảng phái mình. Do đặc điểm của hệ thống chính trị Hàn Quốc, một khi thay thế đảng cầm quyền, các chính sách ở trong nước sẽ có thay đổi lớn. Hiện nay Đảng Saenuri của bà Park Geun-hye đã nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp nên việc tiếp tục cầm quyền không phải là dễ dàng. Sau khi xảy ra các vụ bê bối nói trên, Đảng Saenuri cũng đang đối mặt với rất nhiều áp lực. Hiện nay, ngay cả nội bộ đảng cầm quyền cũng đang chống lại bà Park Geun-hye. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi hiến pháp mà bà Park đề xuất trước đó khó thực hiện được”.

Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể gặp khó khăn trong thời gian tới. (Nguồn: Yonhap)

Tương lai của THAAD là khó đoán định

Ngoài khả năng hiến pháp không được sửa đổi, di sản chính trị về an ninh khu vực mà bà Park Geun-hye ra sức thúc đẩy sẽ phải đối mặt với cục diện như thế nào trong bối cảnh chính trường Hàn Quốc có nhiều biến động hiện nay?

Sau tất cả, người dân Hàn Quốc hiện nay thậm chí không thể xác nhận việc triển khai THAAD có phải là xuất phát từ mong muốn của bản thân Park Geun-hye hay không. Tờ Chosun Ilbo cho biết, nhiều người thừa nhận câu nói chế nhạo của Chủ tịch Đảng Minjoo đối lập lớn nhất Choo Mi-ae rằng “Hiện có hai tổng thống đang lãnh đạo đất nước này”.

Nhà nghiên cứu Lộc Âm thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Đại học quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Tất nhiên, cách nói này chỉ là suy đoán, nhưng chắc chắn nó sẽ gây khó khăn cho việc triển khai THAAD”. Theo bà Lộc Âm, do trước đó việc triển khai THAAD đã gây ra sự phản đối của nhiều người ở trong nước, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn cho đến gần đây. Mặc dù trong ngắn hạn, việc triển khai THAAD là không thể thay đổi, nhưng về trung và dài hạn, nó sẽ gây trở ngại nhất định khi chính quyền tiếp theo của Hàn Quốc xem xét vấn đề này.

Trước đó, do nhấn mạnh mối quan hệ liên minh trong vấn đề quân đội Mỹ triển khai THAAD, bà Park Geun-hye đã phải chịu áp lực từ nhiều bên. Trong bài viết đăng trên trang mạng “Quan sát phương Đông mới” của Nga, chuyên gia Konstantin Asmolov từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho biết, mối nguy hiểm từ việc triển khai THAAD là rõ ràng, không những gây tác động tiêu cực cho Hàn Quốc mà còn có thể khiến nước này bị cuốn vào cuộc đối kháng quân sự giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, đây là một hành động chung của liên minh và vai trò thúc đẩy đằng sau của Mỹ là không thể bỏ qua.

Hiện tại cũng là thời điểm quan trọng khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến hồi kết, câu trả lời này có lẽ cũng sẽ làm tăng thêm một biến số cho tình hình bán đảo vốn đã sục sôi này. Với nỗi lo chồng chất ở trong và ngoài nước, bước tiếp theo Tổng thống Park Geun-hye sẽ làm như thế nào? Cả thế giới đều vẫn đang dõi theo.

(theo People's Daily)