Parag Agrawal - người vừa được bổ nhiệm giữ chức CEO của Twitter. (Nguồn: Twitter) |
“Đây là một đại dịch mà chúng tôi rất vui và tự hào khi nói rằng, nó bắt nguồn từ Ấn Độ. Đó là "Virus CEO Ấn Độ"… Không có vaccine nào có thể chống lại nó”, doanh nhân người Ấn Anand Mahindra - Chủ tịch Mahindra Group chia sẻ hài hước trên trang blog cá nhân.
Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, Indra Nooyi của PepsiCo, hay mới đây là Parag Agrawal - người vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc điều hành của Twitter - đều là những nhà lãnh đạo gốc Ấn.
Họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công ty có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, bao gồm cả IBM, Palo Alto Networks hay VMWare.
Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm tới Mỹ hồi tháng 9 đã gặp gỡ các CEO hàng đầu thuộc 5 lĩnh vực quan trọng, 2 trong số đó “thật trùng hợp” là người Mỹ gốc Ấn - Shantanu Narayen của Adobe và Vivek Lall của General Atomics.
CEO gốc Ấn Tarun Gupta của Stockland trong tháng 10 vừa qua cũng đã ghi tên mình vào danh sách các nhà lãnh đạo của những công ty lớn tại Australia, bên cạnh những cái tên nổi tiếng gốc Ấn khác như Sanjeev Gandhi của Orica, hay Sandeep Biswas của tập đoàn Newcrest Mining.
Năm 2019, một trong những tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới ThyssenKrupp của Đức đã bổ nhiệm ông Premal Desai, người từng giữ vị trí Giám đốc tài chính, làm Giám đốc điều hành của công ty.
Ở một khía cạnh khác, Phó Tổng thống đương nhiệm Mỹ - bà Kamala Harris - cũng là người Mỹ gốc Ấn Độ.
Đây chỉ đơn thuần là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đã có chủ ý? Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao những người gốc Ấn lại đang nắm giữ phần lớn các vị trí quan trọng, đặc biệt là trong các công ty hàng đầu thế giới?
Môi trường Ấn Độ và kỹ năng của những “nhà quản lý thiên tài”
Những kỹ năng tích lũy từ môi trường sống ở Ấn Độ nằm trong số những yếu tố chủ chốt giúp các nhà lãnh đạo gốc Ấn nhận được sự tín nhiệm và xem xét trao quyền.
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đối mặt với nhiều hạn chế từ cơ sở hạ tầng đến cơ hội việc làm, những người Ấn Độ buộc phải học cách đương đầu và tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có.
Điều này phần nào rèn nên sự sáng tạo, đức tính cần cù, tư duy kinh doanh nhạy bén và trang bị cho người Ấn Độ trở thành những “nhà quản lý tự nhiên” theo như nhà chiến lược công ty nổi tiếng người Ấn Độ CK Prahalad từng đề cập.
Nói cách khác, sự cạnh tranh và hỗn loạn trong nước khiến họ trở thành những người dễ thích nghi trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Ông Gopalakrishnan bổ sung: “Đây là đặc điểm của những nhà lãnh đạo hàng đầu ở mọi nơi trên thế giới".
Một xã hội “đa dạng”
Là quốc gia đa ngôn ngữ với nhiều phong tục tập quán, xã hội Ấn Độ “mang lại cho họ - những nhà quản lý gốc Ấn Độ - khả năng điều hướng các tình huống phức tạp, đặc biệt liên quan đến quy mô tổ chức”, tỷ phú người Mỹ gốc Ấn, nhà đầu tư mạo hiểm Vinod Khosla và đồng sáng lập Sun Microsystems cho biết.
Nhiều người Ấn Độ cũng có một số thành kiến nhất định về dân tộc, chủng tộc, giới tính và đẳng cấp.
Tuy nhiên, họ đã học cách bỏ qua, chấp nhận sự khác biệt về thái độ và tín ngưỡng để theo đuổi sự nghiệp khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh.
Hơn nữa, lợi thế ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đã giúp ích cho người dân nước này trong việc hòa nhập vào nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp công nghệ đa dạng ở các quốc gia.
Giá trị của văn hóa công sở
Một điều đáng chú ý ở hầu hết người Ấn Độ là sự khiêm tốn, vốn được xem là đức tính quan trọng trong văn hóa công sở.
Đây cũng chính là tiền đề tạo nên sự khác biệt của thế hệ các nhà lãnh đạo gốc Ấn.
CEO Satya Nadella của Microsoft, sau khi nhậm chức vào tháng 2/2014, đã chọn tập trung vào thay đổi văn hóa công ty đầu tiên.
Với niềm tin vào Phật giáo, ông quyết tâm định hướng môi trường làm việc là nơi chấp nhận việc khiêm tốn học hỏi, vốn trái ngược với thế giới quan “biết tất cả” trong công ty lúc bấy giờ.
Các nhân viên sau đó đến công ty với tâm lý thoải mái, đặt nhiều câu hỏi hơn và năng suất làm việc được cải thiện rõ rệt.
Kết quả là, vốn hóa thị trường của Microsoft đã tăng từ khoảng 300 tỷ USD từ khi ông Nadella nhậm chức lên 2,5 nghìn tỷ USD như hiện nay.
Đến nay, Microsoft đã trở thành một trong hai công ty có giá trị nhất thế giới.
CEO gốc Ấn Satya Nadella được bổ nhiệm làm Chủ tịch Microsoft, sau 7 năm nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành của công ty. (Nguồn: BBC News) |
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Không chỉ làm nên chuyện ở Mỹ, trên thực tế, tại Vương quốc Anh và Canada, cộng đồng người gốc Ấn đã cho thấy ảnh hưởng về mặt chính trị và tiềm năng vươn lên những vị trí cao nhất.
Điển hình là Nghị sĩ Anh gốc Ấn tại nhiệm lâu nhất Keith Vaz, hay lãnh đạo Đảng Dân chủ Jagmeet Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan của Canada.
Bên cạnh dân số hơn một tỷ trong nước, Ấn Độ hiện có 420 cộng đồng người dân trải rộng trên 166 quốc gia trên thế giới.
Tính đến năm 2020, Mỹ, Đức, UAE, Anh và Canada là những quốc gia có nhiều người gốc Ấn sinh sống nhất hiện nay.
Theo báo cáo "Global Wealth Migration Review" do công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth thực hiện trong năm 2019, hiện có khoảng 7.000 người giàu Ấn Độ (chiếm khoảng 2% trong tổng số người có giá trị tài sản ròng cao trên thế giới) đang sống ở nước ngoài.
Ấn Độ là quốc gia có truyền thống cộng đồng cao, người dân quan hệ mật thiết với nhau. Đây cũng là điều làm nên sự thành công của những người gốc Ấn xa quê hương.
Tại Việt Nam, vào năm 2015, tập đoàn đồ uống hàng đầu thế giới Diageo có trụ sở tại Anh đã bổ nhiệm ông Shivam Misra gốc Ấn làm Tổng giám đốc chi nhánh.
Anirban Lahiri, CEO gốc Ấn hiện đang nắm giữ chức vụ Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đồng thời cũng là người thành lập công ty Medisetter Limited có trụ sở tại Việt Nam.
Đón đầu làn sóng “CEO Ấn Độ”, liệu đây có phải thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa ra những chính sách ngoại giao với cộng đồng Ấn kiều tại các quốc gia có sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng này?
Đặc biệt, việc tận dụng cơ hội, kết nối với cộng đồng những doanh nhân, nhà khoa học, kỹ sư gốc Ấn có nên được xem xét như một cách tiếp cận mới trong phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ hay không?