📞

Dịch Covid-19 tấn công dồn dập, vì sao Italy ‘thất thủ’?

Quang Đào 13:48 | 20/03/2020
TGVN. Từ một trong những quốc gia tự tin có thể ngăn cản được dịch Covid-19, giờ đây Italy đã trở thành tâm điểm của đại dịch tại châu Âu và là quốc gia có số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều thứ hai thế giới. Việc quốc gia phát triển hàng đầu "lục địa già" trở thành một ổ dịch khiến rất nhiều người cảm thấy bất ngờ.
Italy là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới với 41.035 ca nhiễm, 3.405 ca tử vong tính đến 20/3. (Nguồn: Sky)

Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh đáng sợ của mọi người dân trên thế giới. Trung Quốc, nơi khởi nguồn của Covid-19 đã phần nào kiểm soát thành công được đại dịch. Giờ đây, mỗi ngày Trung Quốc chỉ ghi nhận vài chục người nhiễm mới, con số vô cùng nhỏ nhặt so với kỷ lục hơn 14.000 ca mà quốc gia này ghi nhận vào ngày 13/2. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã chữa trị thành công khoảng 83% các ca nhiễm bệnh, với tỷ lệ tử vong khoảng 12%. Có thể nói, điểm nóng Covid-19 của thế giới giờ đây đã hạ nhiệt.

Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại tại đó. Những ổ dịch mới lại nổi lên ở mọi lục địa trên thế giới, từ Hàn Quốc, Iran, Mỹ, Tây Ban Nha và nặng nề nhất, chính là Italy. Chỉ mới một tháng trước thôi, với ba ca nhiễm, Italy không hề lo lắng, thậm chí là tự tin rằng Covid-19 sẽ không gây ảnh hưởng gì tới nước này. Mà giờ đây, “đất nước hình chiếc ủng” có số ca bệnh cao thứ hai thế giới, hơn rất nhiều so với hai điểm nóng khác là Iran và Hàn Quốc, cũng như các quốc gia châu Âu khác. Italy cũng có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới (7%) chỉ sau Trung Quốc đại lục, dù có thời điểm bùng phát dịch chậm hơn.

Theo Anadolu, có ít nhất 27 quốc gia ghi nhận ca nhiễm bắt nguồn từ Italy hoặc là công dân Italy, bao gồm: Australia, Bosnia & Herzegovina, Nam Phi, Hy Lạp, Nga, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, CH Czech, Ireland, Argentina, Ukraine, Iceland, Morocco, Latvia, Jordan, Tunisia, Andorra, Luxembourg, Mexico, CH Dominica, Litva, Nigeria, Đan Mạch, Bắc Macedonia, Romania và Brazil.

Thầm lặng nhưng chết người

Mặc dù Italy đã có những phương pháp phòng chống dịch nhanh chóng ngay khi Covid-19 lan rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc. Sau khi phát hiện ra ba trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên, trong đó có hai khách du lịch Trung Quốc vào cuối tháng Một, các bệnh nhân đã được cách ly trong một bệnh viện tại Rome. Ngay sau đó, Italy là một trong những quốc gia đầu tiên ngừng các chuyến bay với Trung Quốc.

Italy tự tin tới mức, ngày 31/1, Thủ tướng Giuseppe Conte tự hào tuyên bố rằng Italy đang áp dụng hệ thống phòng ngừa nghiêm ngặt nhất châu Âu. Nhưng thực tế, virus đã len lỏi một cách thầm lặng tới miền Bắc Italy trong khoảng giữa tháng Một và bùng phát vào trong tháng Hai.

Italy ban đầu xét nghiệm đông đảo người dân. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục thực hiện hàng trăm ngàn lần kiểm tra như vậy, chính phủ đã cho cách ly “vùng đỏ” - tâm dịch phía Bắc, sau đó mở rộng lệnh phong tỏa cho cả đất nước 60 triệu dân. Cái giá phải trả cho việc này là không thể chủ động tìm kiếm và điều trị nhanh người bệnh, và các cư dân không tránh khỏi cảm giác bức bối.

Theo hãng tin Anadolu, số ca nhiễm của Italy tăng vọt từ hàng trăm lên hàng ngàn chỉ trong vòng hai tuần, từ vài trăm ca trong tuần thứ ba của tháng Hai lên hơn 3.000 ca trong tuần đầu tiên của tháng Ba. Ngày 10/2, Thủ tướng Giuseppe Conte quyết định phong tỏa cả nước đến hết ngày 3/4. Lệnh phong tỏa yêu cầu 60 triệu cư dân hạn chế di chuyển, cấm các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học...

Sự bùng phát dịch trên diện rộng và khó kiểm soát thực sự khiến ngành y tại Italy quá tải, từ thiếu hụt nhân lực, cơ sở vật chất, cho đến vật tư y tế. Tờ Business Insider cho biết, một số bác sĩ đã phải “chọn lựa bệnh nhân để điều trị” vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng không ngừng. Những bác sĩ làm việc theo ca thậm chí còn phải gánh cả phần việc của các đồng nghiệp không may mắc bệnh, khiến họ chịu áp lực lớn.

Phòng dịch thiếu nhất quán

Chưa rõ tại sao Covid-19 ở Italy lại bùng phát nhanh hơn các quốc gia châu Âu khác, nhưng có vài giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng sự tăng vọt số ca nhiễm là chiến dịch xét nghiệm rộng lớn ở vùng Lombardy. Tương tự như ở Hàn Quốc, càng xét nghiệm nhiều, số ca phát hiện càng tăng.

Một giả thuyết khác cho rằng Covid-19 lây lan trong hệ thống bệnh viện trước khi các bác sĩ phát hiện, khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn. Washington Post đưa tin ngày 3/3, khoảng 10% số y bác sĩ ở vùng Lombardy đã nhiễm bệnh. Nhân viên y tế chiếm 5% tổng số ca bệnh cả nước. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận Italy nên cải thiện vấn đề bảo hộ cho y bác sĩ.

Cũng có giả thuyết cho rằng dân số già chính là gánh nặng của Italy trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi đây chính là đối tượng dễ bị virus corona tấn công nhất. Cùng với sự gia tăng nhanh ca nhiễm, dân số già chính là phép thử đối với hệ thống y tế của quốc gia này.

Ngoài ra, theo The Guardian, vào thời gian đầu bùng phát dịch, chính quyền trung ương và các bệnh viện ở phía bắc Italy không thống nhất được quy trình kiểm tra những bệnh nhân bị sốt và vấn đề hô hấp không rõ nguyên nhân, và liệu những người không có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc có nên được kiểm tra nhiễm virus hay không.

Lập luận này có nguồn gốc thực tế là việc “bệnh nhân số 1” của Italy, ngày 18/2, một người đàn ông 38 tuổi khỏe mạnh và chưa từng đến Trung Quốc ở thành phố Codogno bỗng dưng đổ bệnh một cách kỳ lạ, không được xét nghiệm nhiễm virus corona tại các bệnh viện địa phương dù đã nhiều lần đi khám. Mãi sau đó 36 giờ, người đàn ông này mới được đưa đi xét nghiệm Covid-19 và lây bệnh cho vợ và nhiều y bác sĩ tại Codogno.

Bác sĩ Lorenzo Casani, Giám đốc một phòng khám tại Lombardy nhận định, Italy không có một kế hoạch khẩn cấp cụ thể nào để chống lại đại dịch, mặc dù đất nước luôn chuẩn bị cho những trường hợp thảm hoạ thiên nhiên xấu nhất. Ngoài ra, Italy là nạn nhân đầu tiên của Covid-19 tại châu Âu, cho nên nước này đã thật sự bị “ngợp” .

Một góc phố ở khu Chinatown, thành phố Milan. (Nguồn: The New York Times)

Giới chuyên gia đánh giá, lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước được dự đoán sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Italy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Italy sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2020. Cú đánh vào GDP sẽ lớn hơn rất nhiều nếu lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước được kéo dài đến cuối tháng Sáu.

Ngoài ra, ngành du lịch Italy có thể mất khoảng 8,3 tỷ USD doanh thu do dịch Covid-19.

Phép thử khó cho châu Âu

Việc Italy bất ngờ trở thành tâm dịch của châu Âu, khiến các quốc gia khác trong và ngoài khu vực cũng lo “sốt vó” không kém bởi đây là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới.

Theo Washington Post, nhiều chuyên gia y tế hàng đầu thế giới dự đoán rằng, chỉ trong vài tuần sắp tới, phần lớn châu Âu sẽ phải hứng chịu một “làn sóng” ca nhiễm mới, giống như những gì Italy đã trải qua. Các nhà dịch tễ học đã phát triển các mô hình toán học để theo dõi sự lây lan của virus corona, cho thấy một quỹ đạo nhiễm bệnh lớn sẽ tiếp tục diễn ra tại Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh và nhiều nước khác ở “lục địa già”.

Thực tế đã chứng minh. Sau khi Trung Quốc được cho là vượt qua đỉnh điểm của dịch bệnh, châu Âu hiện đang trở thành tâm điểm toàn cầu. Ngày 17/3, phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn, Thủ tướng Montenegro, ông Dusko Markovic thông báo nước này đã ghi nhận hai ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mốc dịch bệnh Covid-19 đã lan ra toàn bộ các nước châu Âu.

Ngay trong tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo các quốc gia thành viên EU đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch.

Đối mặt với một loại virus không tôn trọng ranh giới, Hiệp ước Schengen đầy rẫy tự hào của EU đã biến châu Âu từ một vùng đất “không biên giới” giờ đây trở thành “miền đất hứa” cho sự phát triển của virus corona.

Mỗi thành viên EU cũng có những câu trả lời khác nhau để đối phó với đại dịch, như công bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa toàn quốc, đóng cửa biên giới và giảm bớt lượng người nhập cảnh…

Các quốc gia châu Âu có thể học tập theo những phương án phòng dịch của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, những “điểm nóng” đã nguội bớt phần nào và tránh đi vào “vết xe đổ” của Italy. Phối hợp phòng dịch vẫn là phương án tối ưu nhất, vừa để làm giảm số người nhiễm bệnh, vừa để giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế của châu lục, vừa để thể hiện tinh thần đoàn kết mạnh mẽ trong khu vực, cho dù châu Âu đã bở lỡ giai đoạn vàng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Italy - đất nước được mệnh danh là cái nôi của nền văn minh châu Âu, vẫn đang cố gắng từng ngày vượt qua thảm hoạ này. Với những thành công đạt được ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, cùng với sự hỗ trợ không ngừng từ WHO và những quốc gia khác, mong rằng Italy và cả thế giới sẽ sớm vượt qua được cơn ác mộng này.

(tổng hợp)