📞

Đối thoại Shangri-La 2016: Tâm điểm là quan hệ Mỹ - Trung

19:01 | 03/06/2016
Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu quân đội của khoảng 20 nước sẽ đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La thường niên từ ngày 3-5/6.

Cuộc đối thoại năm nay sẽ được bắt đầu bằng bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha và kết thúc sau khi tiến hành hàng loạt phiên thảo luận kín cũng như công khai.

Đối thoại Shangri-La năm 2016, hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London tổ chức, dự kiến có 4 chủ đề chính chi phối các cuộc thảo luận. Đó là vấn đề Biển Đông, Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung và chủ nghĩa khủng bố.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha phát biểu khai mạc. Ảnh: IISS

Có nhiều ý kiến cho rằng, sức hấp dẫn của Đối thoại Shangri-La không chỉ bởi những cuộc tranh luận về chính trị của các đại biểu cấp cao mà còn bởi các cuộc thảo luận sôi nổi, nhất là các phiên Q&A (hỏi-đáp), trong đó tâm điểm vẫn là mối quan hệ Mỹ-Trung.

Vấn đề quân sự hóa Biển Đông: Các nước tại khu vực và các cường quốc thế giới đang bức xúc trước cái mà họ coi là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang dồn dập triển khai những nỗ lực khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới và được coi là nơi có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt.

Bốn nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn vùng biển này dựa trên những tấm bản đồ lịch sử đầy tranh cãi. Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye và một phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không công nhận bất kỳ phán quyết nào. Vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ trở thành chủ đề tranh luận căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa lúc 2 nước không ngừng cáo buộc lẫn nhau về việc quân sự hóa ở Biển Đông.

Vấn đề trừng phạt Triều Tiên: Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là một chủ đề chính được đề cập tại cuộc đối thoại năm nay. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kịch liệt lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa trong tuần này và hồi tháng 4 đã hối thúc các chính phủ tăng cường nỗ lực áp đặt trừng phạt Bình Nhưỡng. Các nghị quyết của LHQ cấm Triều Tiên sử dụng mọi công nghệ tên lửa đạn đạo, dù Triều Tiên thường xuyên bắn tên lửa tầm ngắn ra bờ biển phía Đông của nước này.

Mỹ-Trung căng thẳng: Hai cường quốc này nhiều khả năng sẽ có cuộc đối đầu tại Đối thoại Shangri-La năm 2016, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến có một bài phát biểu cứng rắn có thể khiến Trung Quốc tức giận. Giới chức Mỹ đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc kích động căng thẳng trên Biển Đông, song Bắc Kinh cáo buộc Washington quân sự hóa khu vực này bằng các chuyến tuần tra “tự do hàng hải”. Ông Carter cũng chỉ trích Trung Quốc về hành động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin của các công ty Mỹ trước khi ông tới Singapore.

Thông thường, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có bài phát biểu đầu tiên trong ngày thứ nhất, và ngày thứ hai sẽ bắt đầu bằng bài phát biểu của một tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc, thường là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Cách sắp xếp như vậy của ban tổ chức – Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - làm tăng tới mức tối đa sự hấp dẫn của diễn đàn này đối với các đại biểu và giới truyền thông.

Đối thoại do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. Ảnh: Straitstimes

Theo tờ Straits Times, kể từ năm 2013 tại diễn đàn thường niên này, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ngày càng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn, nhất là về vấn đề Biển Đông. Điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc có phản ứng dữ dội. Năm 2014, Tướng Vương Quán Trung, lúc đó là Phó Tổng tham mưu trưởng PLA, đã “lạc ra khỏi” bài diễn văn được chuẩn bị trước tới 10 phút để đáp trả những nhận định mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra ngày hôm trước.

Chủ nghĩa khủng bố: Hàng trăm phần tử cực đoan từ những quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số như Indonesia, Malaysia và Bangladesh đã gia nhập các tổ chức khủng bố quốc tế như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. IS thậm chí còn có cả một đơn vị bao gồm các tay súng tới từ các nước Đông Nam Á và chính phủ các nước trong khu vực này đang phải chật vật đương đầu với những tay súng tham gia IS trở về nước hoạt động (những kẻ này được huấn luyện các chiến thuật tấn công quân sự một cách bài bản).

Ngay trước ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La năm 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Thường niên năm 2015 về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

(theo Reuter, Newstraitimes)