📞

Đông Á: Nơi hội tụ tham vọng của phương Đông và phương Tây

16:54 | 18/09/2016
Theo mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor", mặc dù đang ở thế đối đầu nhau tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song Trung Quốc và Mỹ lại có sự tương đồng trong tầm nhìn chiến lược ở Đông Á. 

Sức mạnh của Mỹ và của Trung Quốc, sự tương tác giữa cường quốc đã khẳng định mình và cường quốc đang nổi lên, tất yếu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn lên khu vực, mặc dù chính các quốc gia bị giằng co giữa hai cường quốc này lại đóng vai trò trong việc định đoạt số phận của hai nước.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Bắc Kinh đã khẳng định vị thế ngang bằng của mình với Mỹ và châu Âu, ít nhất là về sức mạnh kinh tế. Thông qua sự kiện chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh được vị thế ngày càng tăng của mình trên trường quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đóng vai trò kép vừa là cường quốc vừa là quốc gia đang phát triển. Nước này tự xem mình là quốc gia tiên phong của thế giới đang phát triển, thách thức nguyên trạng do Mỹ và châu Âu thiết lập, điều này đã được thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh mời nhiều quốc gia đang phát triển cử đại diện có mặt bên lề hội nghị G20.

Thông qua sự kiện chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh được vị thế ngày càng tăng của mình trên trường quốc tế và khu vực. (nguồn: affinitymagazine)

Ngay sau khi Trung Quốc chủ trì hội nghị cấp cao G20, tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc lại lời kêu gọi thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong nỗ lực khẳng định vai trò đi đầu trong cơ cấu quan hệ thương mại trong tương lai của châu Á.

Mặc dù Chính quyền Obama coi TPP là hòn đá tảng trong quan hệ thương mại của Mỹ tại châu Á, hiệp định này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trên chính trường Mỹ, khiến tương lai của nó trở nên bấp bênh. Ông Obama cũng phải xử lý mối quan hệ đang xấu đi với tân Tổng thống Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ đóng vai trò then chốt trong cuộc cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á. Những thách thức này cho thấy rõ Washington không còn có thể đơn giản khẳng định quyền dẫn dắt châu Á của họ, bởi lẽ nguyên trạng mà họ tạo ra tại đây đã tan vỡ.

Hai cực đối lập

Mỹ - một quốc gia trẻ theo các tiêu chuẩn đánh giá của Trung Quốc - hiện là nước duy nhất có sức mạnh thực sự trên quy mô toàn cầu và đảm nhận sứ mệnh “chăm sóc” cả thế giới, và trong nhiều phương diện, nước này muốn duy trì nguyên trạng đó. Mỹ vẫn đang tìm cách khẳng định vai trò của mình trong một thế giới mà họ không có đối thủ rõ ràng nào sau gần 50 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Do các đại dương chia tách Mỹ với các trung tâm dân cư khác của thế giới, Mỹ lâu nay dựa vào sức mạnh hàng hải để đảm bảo an ninh của mình. Trong thời kỳ đầu phát triển các mối quan hệ đối ngoại, Washington hướng sang châu Á để truyền bá ảnh hưởng. Chính sách xoay trục sang châu Á mà ông Obama tuyên truyền rầm rộ sau một thập niên nước Mỹ bận bịu tại Trung Đông trên thực tế là khôi phục sự hiện diện mà Mỹ từng có ở khu vực này.

Trung Quốc - một quốc gia cổ xưa trong nhiều thế kỷ chiếm giữ trung tâm ảnh hưởng tại châu Á - dựa vào sự can thiệp quân sự có giới hạn bằng bộ binh và một cơ chế chư hầu để hình thành trật tự khu vực - trong chừng mực nào đó nằm ở cực đối lập với Mỹ. Quốc gia này chỉ mới tái nổi lên là một cường quốc khu vực, và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu.

Giống như Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vai trò của họ trên thế giới, mặc dù đó cũng là một sản phẩm của một cơ chế mà họ đang muốn lật đổ. Các chính sách và những hành động của Bắc Kinh sẽ được định đoạt tại Đông Á, nơi Trung Quốc cảm thấy cần phải bảo vệ những lợi ích của mình song song với việc mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.

Nghịch lý châu Á

Điều duy nhất có thể thấy rõ về các mối quan hệ hiện tại ở châu Á là tình trạng thiếu rõ ràng. Năm 2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nhắc tới "nghịch lý châu Á", mà theo mô tả của bà là "càng giàu thì càng căng thẳng". Theo quan điểm của bà, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng lớn giữa các quốc gia Đông Á cùng tồn tại với những căng thẳng và những mối đe dọa địa chính trị ngày càng tăng. Cùng với những phức tạp của lịch sử, văn hóa, sắc tộc cùng khu vực, sự ổn định của khu vực xem ra ngày càng bị đe dọa.

Chẳng hạn, Hàn Quốc là một đồng minh của Mỹ và đang tiếp nhận hàng nghìn binh sĩ Mỹ, song nước này lại có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc và đã thách thức nỗ lực của Mỹ tạo ra một tam giác an ninh Mỹ-Hàn-Nhật.

Triều Tiên lâu nay nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc, tuy nhiên việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân chứng tỏ những hạn chế của Bắc Kinh trong việc định hướng hành vi của khu vực. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây tổn hại cho những lợi ích chiến lược của Trung Quốc vì vô hình trung đây lại là lý do để Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực còn Nhật Bản thì đẩy nhanh tốc độ cải tổ quân đội.

ASEAN đang cùng lúc vừa gây dựng sự đoàn kết thông qua sự hòa nhập kinh tế vừa đối diện với thực tế rằng các nước thành viên khác nhau có những lợi ích khác nhau và sự đoàn kết này có thể nhanh chóng bị tan rã dưới ảnh hưởng của bên ngoài.

Những người ngoài cuộc thường cho rằng các quốc gia châu Á muốn cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh thân thiết với Mỹ. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Hầu như không có quốc gia nào trong khu vực chỉ dựa vào một trong hai cường quốc này. Và về phần mình, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không sử dụng hết các công cụ để gây ảnh hưởng lên hành vi của khu vực. Thay vào đó, ranh giới giữa đồng minh, đối tác, đối thủ và địch thủ khá mờ nhạt.

Thách thức của Mỹ

Chiến lược “xoay trục” của Mỹ phần nào đó là sự khẳng định rằng Chính quyền Washington sẽ không thay đổi hoàn toàn sang chủ nghĩa biệt lập sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan (cả hai cuộc rút quân đều chưa diễn ra). Tuy nhiên, chiến lược này cũng thể hiện sự công nhận tính năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong ít khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao và phát triển, nhất là so với các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đã chín muồi. Chiến lược này còn nhấn mạnh những quan ngại của Mỹ rằng nếu như Washington không đảm nhận vai trò chủ động hơn tại châu Á, Trung Quốc sẽ ngầm nổi lên thành một bá chủ khu vực trái với mong muốn của Mỹ.

Một phần tư thế kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trạng thái cân bằng mới của thế giới chưa xuất hiện. Nước Mỹ gần như chưa tìm ra ý tưởng cho việc cần phải làm gì sau khi giành chiến thắng trước sự sụp đổ của Liên Xô. Lập trình tự động của Washington là tiếp tục sử dụng các công cụ của sức mạnh quân sự, ý thức hệ về chính trị và ảnh hưởng kinh tế để định hình trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận này, thay vì đem lại sự ổn định, đã khiến nhiều nước nhìn nhận Mỹ là quốc gia không thể lường trước được, chuyên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, và do đó cần phải có một đối trọng với Mỹ.

Giờ đây Mỹ đã kiệt sức sau gần 15 năm can dự quân sự ở Afghanistan, Iraq và hiện này là Syria. Điều này không có nghĩa là sức mạnh quân sự của Mỹ đã bị xói mòn đáng kể, song khả năng duy trì nhịp độ của những chiến dịch không nhìn thấy hồi kết đã bắt đầu đè nặng lên quân đội, ngân sách, xã hội và chính trường Mỹ.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã từng hướng nội sau những cuộc can thiệp lớn trên thế giới, làm dấy lên câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của họ đối với thế giới. Và đó chính là điều mà chính giới Mỹ ngày nay đang cân nhắc lại. Bất luận ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, thì nhiều khả năng con đường tới đây của nước Mỹ sẽ theo hướng yêu cầu các đồng minh của Mỹ trên thế giới đảm nhận vai trò tích cực hơn trong khi Mỹ giảm bớt vai trò trên cương vị "cảnh sát trưởng" của thế giới.

Nhưng ngay cả khi Mỹ đang xét khả năng cũng như mong muốn của họ đối với việc đóng một vai trò tích cực trên trường quốc tế, thì sự phát triển của các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc, cũng đang làm thay đổi toàn bộ cán cân quyền lực và ảnh hưởng. Có thể Mỹ không yếu đi, song Trung Quốc đang mạnh lên, điều này khiến các quốc gia châu Á không thể chỉ đặt câu hỏi đơn giản là làm thế nào để cân bằng giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc và hợp tác an ninh với Mỹ.

Trong bối cảnh một Trung Quốc trỗi dậy đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với sức mạnh an ninh của Mỹ tại khu vực còn đầu tư và thương mại được mở rộng của Mỹ tiếp tục đặt ra những thách thức kinh tế cho Bắc Kinh, sự tương phản đơn giản này trở nên bị xóa nhòa.

Tiến trình quá độ ngoại giao mới nổi của Trung Quốc

Trong mấy năm qua, hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh về cơ bản là xoay quanh mục tiêu ràng buộc các nền kinh tế khu vực với nền kinh tế Trung Quốc để giúp nước này đạt được những mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải giải quyết những bất đồng và những vấn đề còn tồn tại ở khu vực trong khi các quốc gia khu vực phản ứng gay gắt trước những vấn đề này do họ nhìn nhận Trung Quốc đang theo đuổi các tham vọng bành trướng chính trị và kinh tế.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã nhanh chóng mở rộng vai trò an ninh của các lực lượng an ninh của họ tại nước ngoài, song chủ yếu dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, diễn tập quân sự chung, phản ứng trước thiên tai, và ngày càng có xu hướng thông qua việc bán vũ khí.

Hiện các chính trị gia Trung Quốc đang thảo luận về việc nên tăng cường vai trò của các lực lượng an ninh của Trung Quốc để hỗ trợ những lợi ích của họ trên toàn cầu. Tiến trình cơ cấu lại và chuyên nghiệp hóa quân đội Trung Quốc, cùng với tiến trình thiết lập các căn cứ hoặc cơ sở ở nước ngoài, sẽ tạo điều kiện cho vai trò mới này.

Để phù hợp với tiến trình từng bước mở rộng vai trò của các lực lượng vũ trang của Trung Quốc ở nước ngoài, Bắc Kinh cũng đang xem xét lại các chính sách không liên minh của mình. Trung Quốc không tìm kiếm những liên minh chính thức, vì điều này mang lại những rủi ro nhiều không kém những phần thưởng.

Hiện tại chiến lược này cũng không nhằm mục đích tạo ra một khối làm đối trọng với những liên minh của Mỹ, mà trên thực tế nhằm gây căng thẳng lên các mối quan hệ liên minh và đối tác truyền thống của Mỹ.

Có lẽ sự thay đổi lớn nhất xuất hiện tại Bắc Kinh là sự công nhận rằng chính sách không can thiệp thô bạo có thể đã lỗi thời. Những chính sách không can thiệp của Trung Quốc chưa bao giờ được tuân thủ nghiêm ngặt, song Bắc Kinh thường xuyên đảm bảo những lợi ích của mình thông qua việc duy trì quan hệ (và ủng hộ) toàn bộ chính trường của một nước, ngay cả khi chính trường đó đang có sự đấu đá quyền lực nghiêm trọng. Bằng cách này, Trung Quốc tìm cách tự thể hiện mình là bên thứ ba trung lập, một bên chỉ muốn quan hệ kinh doanh bất luận kết quả cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của nước đó như thế nào. Tuy nhiên, bất chấp việc Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố không can thiệp, sự thay đổi đang diễn ra dưới nhiều sắc thái.

Bắc Kinh gần đây đã đồng ý can dự trực tiếp với một số nhóm biên giới ở Myanmar để làm trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình, và nước này đã làm trung gian cho một cuộc đối thoại giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan. Nước này đã gặp thất bại khi cố gắng giữ sự cân bằng giữa hai bên tham chiến tại Nam Sudan và đây là ví dụ rõ ràng về những hạn chế của việc không đứng về bên nào.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là vấn đề Triều Tiên, nơi những hành vi của Bình Nhưỡng đang tạo ra những phản ứng khu vực rất bất lợi cho các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc can thiệp để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân bằng cách nhắc nhở Bắc Kinh rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc chỉ là một phản ứng trước những hành động của Triều Tiên. Ngoài THAAD, các nỗ lực mở rộng khả năng và chính sách quốc phòng tại Hàn Quốc và Nhật Bản để đối phó với Triều Tiên cũng đang đặt ra thách thức an ninh ngày càng lớn đối với Trung Quốc.

Mắc kẹt ở giữa

Trung Quốc đang xem xét lại các công cụ chính sách ngoại giao của họ trong khi Mỹ xem xét khả năng cũng như mong muốn đóng vai trò tích cực. Điều này mở đường cho Trung Quốc nổi lên như một "cổ đông có trách nhiệm" mà Washington vốn khuyến khích. Mỹ muốn chứng kiến (chí ít là bề ngoài) một Trung Quốc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, hiện diện an ninh tại Afghanistan để giúp dập tắt các cuộc giao tranh phe phái nội bộ và chống khủng bố trong thời gian Chính phủ Afghanistan dần trưởng thành, cung cấp viện trợ nhân đạo và đảm bảo an ninh cho người tị nạn đang trú ngụ tại khu vực ngoại vi gần cuộc khủng hoảng Syria.

Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra nếu Trung Quốc phù hợp với hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm, và Trung Quốc tuân thủ hệ tư tưởng và những giá trị đạo đức mà Mỹ tuyên bố là tán thành. Trên thực tế, Trung Quốc không có thế giới quan giống Mỹ. Bắc Kinh cho rằng dân chủ là cơ chế tốt nhất để các chính phủ tránh các cuộc xung đột quốc tế. Bắc Kinh không nhất trí với việc cần phải áp đặt những tập tục kinh tế, chính trị hay xã hội của bản thân quốc gia mình lên các quốc gia khác. Và Bắc Kinh phản đối ý tưởng cho rằng Mỹ có quyền về mặt đạo đức để nắm vai trò lãnh đạo thế giới cao hơn Trung Quốc hay các cường quốc chủ chốt khác.

Điều này không có nghĩa là sự nổi lên của Trung Quốc nhằm trực tiếp chống lại Mỹ. Mặc dù các chính sách kinh tế của Trung Quốc đều nhằm mục đích phá vỡ sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống kinh tế thế giới, song họ không nhất thiết muốn đồng USD bị bởi đồng nhân dân tệ thay thế (điều này mang lại rất nhiều trách nhiệm và thách thức cho Bắc Kinh). Các chính sách thương mại của Mỹ đều nhằm mở rộng những sự lựa chọn, thị trường, và nguồn cung, không nhất thiết phải ngăn chặn Mỹ tiếp cận những nhà sản xuất và những người tiêu dùng mà Trung Quốc nhằm mục tiêu. Và Trung Quốc mở rộng vai trò quân sự là để bảo vệ những lợi ích quốc gia của mình cũng như làm đối trọng với sức mạnh nổi trội của quân đội Mỹ.

Washington buộc phải dần thay đổi trật tự thế giới, hoặc chí ít là định hình trật tự đó theo nhãn quan của mình, đúng vào lúc khả năng hình thành hệ thống thế giới của họ bị hạn chế. Do đó, nỗ lực này của Washington vấp phải những thách thức từ các quốc gia khu vực vốn lo ngại khi chứng kiến cam kết của Mỹ đưa ra những tín hiệu lộn xộn. Cùng lúc, sự tăng trưởng và vai trò được mở rộng của Trung Quốc cũng thách thức nguyên trạng của khu vực, kéo theo phản ứng lo ngại của các nước láng giềng và Mỹ.

Mỹ càng tìm cách đảm bảo những lợi ích của mình, nước này càng đẩy mạnh những hoạt động chống lại điều mà Mỹ cho là phản ứng cần thiết để ngăn chặn sự nổi lên của một bá quyền khu vực. Mỹ càng tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng tại khu vực, và quảng bá những tập quán chính trị và xã hội của mình, Bắc Kinh càng quan niệm rằng Mỹ đang theo đuổi chính sách kiềm chế Bắc Kinh.

Trung Quốc đang làm thay đổi nguyên trạng trong khi Mỹ tìm cách duy trì nguyên trạng, điều này tất yếu dẫn đến những hiểu lầm và bất đồng. Tại một khu vực có rất nhiều mối thù địch lịch sử để lại, với sự cạnh tranh ngày càng tăng xung quanh các nguồn lực và thị trường, với những cuộc tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, với dân số và quân đội ngày một tăng, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến tình hình càng bất ổn hơn nữa.

(tổng hợp)