📞

Đông Bắc Á và nguy cơ khủng hoảng địa chính trị

10:25 | 29/01/2019
Nhật Bản và Hàn Quốc đã lao vào vào một vụ tranh cãi quân sự nghiêm trọng mà theo các nhà phân tích, có thể tác động không tốt đến tình hình địa chính trị vốn mong manh ở khu vực Đông Bắc Á nếu hai bên không thể tìm được một giải pháp.

Vụ việc bắt đầu xảy ra hôm 20/12/2018 sau khi một cuộc chạm chán giữa một máy bay tuần tra của Nhật Bản mà Tokyo nói nó đang thu thập tin tức tình báo và một tàu khu trục của Hàn Quốc, theo Seoul, đang thực hiện một nhiệm vụ nhân đạo. Cả hai bên đã bất đồng về những gì xảy ra sau đó - Nhật Bản nói Hàn Quốc đã mở hệ thống radar nhắm mục tiêu vào máy bay của họ, trong khi Hàn Quốc cho rằng máy bay Nhật Bản bay quá thấp và rất nguy hiểm và rằng radar "không có ý định theo dấu bất kỳ máy bay nào của Nhật Bản".

Sơ đồ mô phòng đường bay của máy bay tuần tra Nhật Bản quanh tàu chiến Hàn Quốc. (Nguồn: Hani.co.kr)

Sự bất đồng đã nhanh chóng leo thang, đẩy những tranh chấp lịch sử trước đó thành thứ yếu, và đe dọa sự ổn định của khu vực. "Hoạt động địa chính trị ở Đông Á lâu nay đã bị khuấy động mạnh và hiện chưa được giải quyết”, ông Van Jackson, cựu chuyên gia về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói. Theo ông, trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ hiện nay, “Triều Tiên đã tranh thủ một động thái nhu thuật bằng cách sử dụng ngoại giao hội nghị để củng cố vị thế của mình như một quốc gia hạt nhân, thậm chí với vẻ ngoài là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và tương lai của Mỹ ở khu vực hiện ít chắc chắn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 70 của thế kỷ trước. Trong bối cảnh này, những vấn đề âm ỉ đã bắt đầu bung ra dưới lớp ngụy trang của sự ổn định khu vực".

Mối quan hệ đối tác phức tạp

Ngay sau sự cố trên, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc tiếp xúc để tìm cách giải quyết vấn đề này một cách kín đáo, nhưng dường như biện pháp này không hiệu quả.

Nhật Bản đã công bố đoạn hình ghi lại vụ việc theo cách đánh giá của nước này hôm 28/12/2018. Hàn Quốc cũng đã công bố đoạn hình của mình hôm 4/1 vừa qua. Hai bên buộc tội lẫn nhau, trong khi dư luận thì chưa thể biết được ai đúng, ai sai.

Trong khi Nhật Bản tiến hành ba chuyến bay do thám khác đối với các tàu của Hàn Quốc trong tháng này, Seoul công khai lên án chuyến bay do thám của Nhật Bản, coi đây là “hành động khiêu khích rõ ràng” chống lại một “nước đối tác”.

Nghị sỹ Song Young-gil thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc thậm chí còn đi xa hơn khi đề nghị Seoul rút khỏi Hiệp định Thông tin An ninh Quân sự chung (GSOMIA), một thỏa thuận cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm.

Ông Jonathan Berkshire Miller, một nhà phân tích thuộc Học viện Quốc tế Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo, tin rằng các vấn đề trong lịch sử đã góp phần vào sự suy giảm đột ngột quan hệ Nhật - Hàn. "Bối cảnh này là rất quan trọng", ông nói.

Có khác biệt, nhưng nhiều tương đồng

Bất chấp những khác biệt lịch sử, nhìn bề ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là những nền dân chủ mạnh mẽ và là nền kinh tế phát triển. Về mặt địa chính trị, cả hai đều là đồng minh của Mỹ, mong muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ tự do thương mại và thực sự lo lắng sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng những vấn đề trong lịch sử vẫn còn khá “nhạy cảm” và vốn định hình cho mối quan hệ giữa hai nước này. Năm 1965, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ song phương và được cho là để giải quyết các vấn đề thời chiến, dù nhiều người Hàn Quốc cảm thấy rằng hiệp ước này không công bằng, và hiện vẫn phản đối nó. Hơn nữa, suốt hơn 50 năm qua, hai quốc gia Đông Bắc Á này đã và đang tranh chấp gay gắt về quyền sở hữu đối với quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima.

Bất chấp tất cả, quan hệ quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ không bị ảnh hưởng bởi những bất đồng chính trị, ông Miller nói. “Đây là một lĩnh vực bị cách ly hoặc được miễn dịch trước đó”, ông nói. “Nó không phải là hoàn hảo… nhưng nó là một lĩnh vực hai bên đã nhất trí sẽ đem lại lợi ích cho cả hai”.

Căng thẳng Nhật - Hàn xảy ra đúng vào lúc đồng minh của cả hai  là Mỹ đang chuẩn bị cho hội nghị thượng định lần hai với Triều Tiên và  dần kết thúc thời hạn chót trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Duy trì quan hệ đồng minh

Hôm 23/1, Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos  (Thụy Sỹ) để thảo luận vấn đề này, nhưng cuộc gặp của họ kết thúc với những tuyên bố có vẻ không thể giải quyết vấn đề.

Không tham gia với họ ở Davos là đồng minh hiệp ước, Mỹ, mà về cơ bản nước này sẽ đứng ra làm trung gian cho tranh chấp Nhật - Hàn. Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ chuyến đi Davos để giải quyết tình trạng đóng cửa một phần chính phủ. Một số người cáo buộc Nhà Trắng không coi trọng sự quản lý và phối hợp đồng minh.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã chỉ ra trong lá thư từ chức đây là bất đồng chính giữa ông và Tổng thống Trump. "Sức mạnh của chúng ta gắn kết chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống toàn diện và duy nhất của các đồng minh và đối tác", ông Mattis viết trong lá thư từ chức. "Trong khi Mỹ vẫn là quốc gia không thể thiếu trong thế giới tự do, chúng ta không thể bảo vệ được các lợi ích của mình hoặc phát huy vai trò hiệu quả mà không duy trì các quan hệ đồng minh một cách mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng đối với họ".

Các nhà phân tích như Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng, tỏ ra lo lắng rằng sự cố Nhật - Hàn gần đây là biểu hiện của sự suy giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ và sẽ làm lợi cho Triều Tiên và Trung Quốc - hai nước lâu nay vẫn muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

"Cái chúng ta đang chứng kiến mới đây là sự trở lại của lịch sử - hai nước chưa bao giờ hòa giải hoàn toàn kể từ khi họ bình thường hóa quan hệ năm 1965 và để rất nhiều xung đột lợi ích ở lại phía sau trên danh nghĩa hợp tác với Mỹ", ông Jackson nói. "Nếu không thay đổi, tôi nghĩ thật không may sẽ xảy ra một vài hình thức khủng hoảng nghiêm trọng tại thời điểm nào đó trong tương lai", ông nhận định.

(theo CNN/TTXVN)