Dầu mới
Ngày 13/3, 5 thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Áo, Bulgaria, CH Czech, Litva và Slovenia đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EP) Charles Michel, kêu gọi đàm phán về phân bổ vaccine không công bằng.
Trong thư, 5 nước này cho rằng việc “cung cấp số lượng vaccine của các công ty dược phẩm đến từng nước thành viên EU không được thực hiện trên cơ sở bình đẳng”, không tuân thủ hạn ngạch vaccine.
Theo họ, nếu tiếp diễn, tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn, khi một số quốc gia sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong khi các nước khác tụt lại phía sau, gây nguy hiểm cho khối.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz là một trong những người đầu tiên chỉ trích EU về tình trạng phân bổ vaccine Covid-19 không công bằng.(Nguồn: GMX) |
Trước đó một ngày, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cáo buộc một số quốc gia EU đã bí mật đàm phán hợp đồng với các phòng thí nghiệm và việc phân phối vaccine Covid-19 giữa các nước EU diễn ra bất bình đẳng.
Ông cho rằng một số quốc gia đã thỏa thuận bổ sung với công ty dược phẩm.
Trong khi đó, một người phát ngôn của EU giải thích rằng việc “yêu cầu cung cấp nhiều hay ít vaccine” là tùy thuộc vào mỗi quốc gia thành viên.
Về yêu cầu trên, Văn phòng Chủ tịch EP Charles Michel xác nhận đã nhận bức thư kiến nghị và khẳng định “ điều phối cuộc chiến chống đại dịch là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự” của Thượng đỉnh EU ngày 25-26/3 tới.
Tuy nhiên, rõ ràng câu chuyện này không đơn giản như vậy.
Thứ nhất, theo phân tích của tạp chí Politico, 5 quốc gia nêu trên đều nằm trong số các quốc gia đứng thấp nhất trong EU về tỷ lệ phần trăm dân số đã tiêm phòng vaccine Covid-19.
Quá trình tiếp cận, phân phối và tiêm chủng vaccine chậm đồng nghĩa rằng các quốc gia này sẽ đạt miễn dịch cộng đồng chậm hơn các quốc gia còn lại trong EU.
Quan trọng hơn, nó còn khiến người dân của 5 quốc gia này đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao do Covid-19, qua đó tác động tiêu cực tới uy tín của chính quyền.
Thứ hai, không loại trừ khả năng các quốc gia này sử dụng câu chuyện phân phối vaccine không công bằng để chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi khó khăn từ Covid-19 trong nước.
Cụ thể, đảng Xã hội Dân chủ Áo cho rằng Thủ tướng Sebastian Kurz đang sử dụng EU làm “cừu non thế mạng” cho công cuộc chống dịch đang gặp nhiều khó khăn.
Lửa cũ
Song quan trọng hơn cả, điều này cho thấy bất đồng, chia rẽ ngày một lớn giữa các thành viên EU. Trước đó, hồi tháng 2, nội bộ EU đã nảy lên cuộc tranh cãi về ngân sách khối thời hậu Brexit.
Mâu thuẫn giữa các nước EU xoay quanh vấn đề ngân sách cần tăng thêm bao nhiêu, cần điều chỉnh chi ngân sách cho các ưu tiên như thế nào và mỗi thành viên nên đóng góp bao nhiều phần trăm trong GDP.
Một vấn đề nhạy cảm nữa là phần ngân sách hoàn lại cho các nước giàu hơn có duy trì hay không. Bốn nước “tiết kiệm” trong EU là Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đều muốn thắt chặt ngân sách và chỉ bù đắp một phần mà nước Anh để lại.
Trong khi đó, các nước ở phía Nam và Đông Âu lại muốn duy trì phần chi cho nước mình để nâng cấp cơ sở vật chất. Các quốc gia nhạy cảm về nông nghiệp như Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng muốn giữ các khoản trợ cấp cho nông dân.
Hội nghị Thượng đỉnh EU tháng 7/2020 từng cho thấy sự bế tắc của khối nhằm thông qua ngân sách hồi phục hậu Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Đáng chú ý, nhóm “tiết kiệm” trên từng cản bước việc phê chuẩn kế hoạch hồi phục sau đại dịch Covid-19 của EU.
Ba Lan và Hungary cũng phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của liên minh với yêu cầu các thành viên phải tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của EU, khiến kế hoạch chung đi vào ngõ cụt.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 7/2020, đã có lúc Thủ tướng Italy khi đó là ông Giuseppe Conte thừa nhận rằng: “Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán”.
Phải 5 tháng sau, các bên mới có thể nhất trí về gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ Euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 gây ra.
Đó là chưa kể đến vấn đề tiếp nhận người tị nạn từ lâu đã gây tranh cãi trong EU. Cuối tháng 9/2020, sau khi Ủy ban châu Âu công bố chính sách mới về người nhập cư, tị nạn của EU tại Brussels, Bỉ, nhóm một số các nước Đông Âu đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 7/2020, Thủ tướng Italy khi đó là ông Giuseppe Conte thừa nhận rằng: “Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán”. |
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng các biện pháp được đề xuất không đủ mạnh và đột phá để giải quyết vấn đề hiện nay, yêu cầu “sàng lọc” hơn với nhóm người tị nạn ở các trại ngoài EU.
Thủ tướng CH Czech Andrej Babis cho rằng EU cần ngăn người di cư ở biên giới và đưa họ quay trở về nước, nhận định rằng phân bổ người tị nạn và nhập cư cho mỗi nước thành viên khiến các quốc gia phải thay đổi hệ thống trợ cấp, hạn ngạch hiện nay và Czech không ủng hộ điều này.
Vì thế, việc 5 thành viên khiếu nại về phân bổ vaccine chẳng khác nào đổ thêm dầu mới vào ngọn lửa sẵn có, khiến bất đồng, chia rẽ bùng lên, đe dọa đoàn kết nội khối và số phận toàn EU.