Đầu tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine đã có cuộc bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp về chính sách gia nhập EU và NATO. Quyết định đã được thông qua với 334 phiếu thuận và 31 phiếu chống.
Niềm tin của Ukraine vào “tương lai châu Âu”
Ý tưởng về sửa đổi Hiến pháp dường như không phải là điều gì quá lạ ở các nước Đông Âu. Chẳng hạn như, tháng 10/2018, điều tương tự cũng xảy ra ở Moldova. Quốc gia Đông Âu này đã tiến hành bỏ phiếu để sửa đổi Hiến pháp và coi việc gia nhập châu Âu như một mục tiêu chiến lược phát triển đất nước.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: NATO) |
Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị Quốc hội phản đối. Hiến pháp của Gruzia, Armenia, Belarus và Azerbaijan cũng không đề cập việc gia nhập EU, nhưng trong một vài văn kiện chính thức của các nước này lại thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với EU và Liên minh NATO. Ví dụ, Chiến lược Quân sự Quốc gia Gruzia tuyên bố rằng hợp tác với NATO và EU là chính sách đối ngoại và an ninh ưu tiên.
Những ý tưởng riêng biệt đã xuất hiện qua diễn ngôn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, thể hiện tầm nhìn địa chính trị và vị thế của đất nước: "Ukraine phải trở thành một trung tâm hùng mạnh của khu vực, là thành viên của EU và NATO...” Tổng thống Poroshenko đã nói điều này một cách không thể chắc chắn hơn và rằng 2023 sẽ là "năm chuyển mình" khi Kiev đệ đơn xin gia nhập EU và nhận kế hoạch hành động với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, dư luận từ các nhà bình luận Nga coi đây động thái nhằm ghi điểm rõ rệt của ông Poroshenko trước ngưỡng cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine, dự kiến diễn ra vào ngày 31/3 tới. Hai ứng cử viên được cho là "nặng ký" nhất của đương kim Tổng thống là cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và ngôi sao điện ảnh Vladimir Zelensky.
Bà Tymoshenko cũng đã cho thấy tiếng nói gay gắt về vấn đề nêu trên, cho rằng "Trong thế giới hiện đại, Ukraine không thể đứng một mình, thụt lùi so với dòng chảy của nhân loại. Chính vì vậy mục tiêu của chúng ta là trở thành thành viên của EU. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng một khi chiến tranh xảy ra, chúng ta càng không thể chiến đấu một mình. Chúng ta cần phải là một thành viên của NATO", bà nói.
Nam diễn viên V. Zelensky cũng đồng quan điểm với 2 đối thủ của mình. Ông cho biết: "Quan điểm của tôi là không trở thành một vị khách nếu không được mời. Tôi không muốn cảm thấy mình thấp kém hay là một con người hạng hai. Tất nhiên, có mặt ở đó (EU và NATO) rất tuyệt. Và nếu điều đó trở thành hiện thực hôm nay thì tôi có thể nhận mình là một người sáng suốt". Ông cũng cho rằng xung đột lãnh thổ đã cản trở Kiev là một phần của liên minh. (Một điểm trong đạo luật thứ 6 của liên minh NATO quy định: nếu một quốc gia có xung đột lãnh thổ trong nước thì quốc gia đó không thể là thành viên của NATO).
Phía các cơ quan đối ngoại Nga cho rằng việc thông qua các sửa đổi hiến pháp của Ukraine sẽ cản trở việc thi hành các thỏa thuận Minsk. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu: "Hiện tại, cùng với niềm hãnh diện và sự phô trương, Tổng thống Poroshenko đã thông qua một đạo luật buộc Ukraine phải gia nhập NATO. Tôi càng nghi ngờ liệu ông ấy có muốn tuân thủ các thỏa thuận Minsk nữa hay không. Những người dân đang sinh sống ở Donbass được yêu cầu hợp nhất với nhà nước không phải dựa trên thỏa thuận Minsk mà dựa trên Hiến pháp, trong khi chính Hiến pháp lại đang buộc họ gia nhập NATO. Đây là một hành động khiêu khích nhằm phá hủy các thỏa thuận Minsk đã đạt được.
Trong khi đó, bản sắc châu Âu là kiến trúc thượng tầng định hình bản sắc mỗi quốc gia vì nó được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử. Vấn đề của Kiev chính là ở chỗ đang bỏ qua một bước, cụ thể là chưa kịp hình thành cho mình một bản sắc riêng. Nếu như các nước châu Âu đặt thể chế dân chủ lên trên hết và áp dụng hàng ngày thì ở Ukraine chính các thể chế tự trở thành giá trị.
Cần kiểm chứng bằng thực tiễn
Quá trình gia nhập châu Âu đòi hỏi trải qua thực tiễn. Đó cũng là bước đi đầu tiên và cần phải thật kiên trì. Các mô hình giá trị có thể tồn tại cùng lúc nhưng phải theo một nguyên tắc. Do đó, các tuyên bố thận trọng về các chính sách châu Âu là một phần chuẩn bị của Kiev khi gia nhập EU. Trong khi đó, các đối tác châu Âu của Ukraine cũng tỏ ra khá thận trọng trước viễn cảnh nước này gia nhập vào EU và NATO.
Ukraine đang mơ đến một giấc mơ gia nhập NATO và trở thành thành viên EU như là một cứu cánh cho các vấn đề trong nước. (NATO) |
Hugh Mingarelli, Đại sứ EU tại Ukraine, lưu ý rằng tiến độ hoàn thành các thỏa thuận với Liên minh châu Âu là 52%. Trong đó, có những lĩnh vực cực kỳ hạn chế như thuế, vận tải, hải quan, sở hữu trí tuệ,... Bên cạnh đó là những người phản đối quá trình cải cách. Chính vì thế, "con đường châu Âu" sẽ còn nhiều chông gai và không diễn ra nhanh như những người đề xuất nó mong muốn.
Mối quan hệ Ukraine - EU và Ukraine - NATO có một lịch sử lâu đời. Đó là những hợp tác dù nhiều hay ít từ năm 1991. Gói viện trợ Toàn diện cho Ukraine là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Kiev - NATO những năm gần đây. Quan hệ Ukraine - EU đã chuyển sang một giai đoạn mới vào năm 2014 khi hai phía lần lượt ký kết thỏa thuận chính trị và thoả thuận kinh tế một vài tháng sau đó. Cả hai đều nằm trong thỏa thuận gia nhập EU. Đến nay, đã có 7 mục cho thỏa thuận này được hình thành gồm các lĩnh vực ưu tiên như: hợp tác chính trị và chính sách đối ngoại, chính sách an ninh; tư pháp, tự do và an ninh; hợp tác thương mại và đấu tranh với gian lận thương mại,... Các bên sẽ phải hoàn tất các điều khoản này đúng thời hạn.
Bản báo cáo công bố ngày 8/11/2018 đã chỉ ra những thành tích nhất định của Kiev nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định việc thực hiện đầy đủ các cải cách theo đúng kế hoạch. Trong số đó, các vấn đề "đau đầu" nhất là việc cải cách hệ thống tư pháp, tham nhũng, luật bầu cử, vấn đề nhân quyền ở Crimea và miền Đông Ukraine, tình trạng nhân đạo ở các khu vực nằm ngoài vùng kiểm soát. Ủy ban châu Âu (EC) đặc biệt chú ý đến vấn đề nhân quyền ở Ukraine. Đến nay, Kiev vẫn chưa có giải pháp đột phá nào cho cuộc xung đột ở Donbass. Năm 2018 cũng không được coi là năm thành công của tiến trình đàm phán Minsk.
So với năm 2014, các thành tích về kinh tế của Ukraine là rất đáng kể, tuy nhiên, nội dung báo cáo cho thấy chủ yếu là nhờ đầu từ bên ngoài. Đáng lưu ý là bản báo cáo đã tỏ rõ sự hài lòng với quá trình cải cách theo đường hướng "châu Âu hóa".
Các cuộc thăm dò dư luận
Các cuộc thăm dò về các vấn đề "nóng hổi" này đã được tiến hành. Theo kết quả của Trung tâm thăm dò dư luận Ukraine Razumkov, 46% người dân ủng hộ hợp tác với châu Âu, chỉ 12,6% bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Nga. Ngoài ra, 7% cho rằng cần làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước SNG. Khu vực ủng hộ đi theo đường hướng châu Âu tích cực nhất là miền Tây Ukraine với 75,5%, trong khi số người ủng hộ "thân Nga" nằm ở Donbass và miền Đông đất nước với lần lượt là 30% và 22,4%.
Còn theo Quỹ Sáng kiến Dân chủ, 52% người dân Ukraine cho rằng nước này cần gia nhập EU, 34% phản đối và 15% không thể quyết định. Điều thú vị là số người tự coi mình là người châu Âu đang dần tăng lên ở nước này (44% vào cuối tháng 9/2018 so với 38% vào tháng 7/2017).
Những người hài lòng với việc Ukraine trở thành thành viên NATO đưa ra lập luận rằng liên minh sẽ đem lại sự đảm bảo về an ninh cho đất nước, số còn lại không đồng tình do lo ngại Kiev có thể bị kéo vào "các cuộc phiêu lưu quân sự" của tổ chức này.
Tóm lại, mức sống cao, tôn trọng pháp luật và quyền con người, giảm tình trạng tham nhũng là tất cả những lợi ích mà người dân Ukraine đang nhìn thấy trong "giấc mơ châu Âu" của mình. Nhưng nghịch lý ở đây là gì? Đó là Ukraine hoàn toàn có khả năng đạt được tất cả những điều này mà không cần gia nhập EU và NATO. Rốt cuộc, họ sẽ gặt hái được các kết quả đó nếu tuyệt đại đa số dân chúng tuân thủ các quy tắc đặt ra.
Gia nhập EU không giải quyết được những vấn đề này. Đó hoàn toàn là những vấn đề nội tại của chính Kiev mà không cần đến ai can thiệp để xử lý. Nếu lập luận rằng viễn cảnh là thành viên của EU và NATO sẽ thúc đẩy đất nước tiến lên phía trước thì cũng không đúng, vì Kiev đã từng đạt đến mức độ phát triển nhất định với nền kinh tế phồn thịnh và pháp luật được tôn trọng từ trước khi trở thành thành viên của EU. Vậy thì gia nhập để làm gì?
Và những nghịch lý
Để gắn lên mình "cái mác bản sắc châu Âu", thì việc của người dân Kiev là định hình họ là ai và nằm trong ranh giới nào, mức độ hiểu biết sâu sắc đến đâu. Các nước từng gia nhập EU để giải quyết vấn đề lãnh thổ của mình đã không đạt được kết quả nào. Các thể chế "châu Âu hóa" ở Serbia và Montenegro đã cho thấy sự vô tác dụng khi các nước này rơi vào tình trạng xung đột. Lời hứa hẹn giải quyết vấn đề lãnh thổ nếu các quốc gia gia nhập EU và NATO chỉ là "củ cà rốt" trong chiến thuật sử dụng "cây gậy và củ cà rốt" của các tổ chức này.
Thực tiễn cho thấy các quyết định trong các trường hợp trên được đưa ra dựa trên cơ sở tình thế chứ không căn cứ vào luật pháp quốc tế hay nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Qua đó, Montenegro đã trở thành một quốc gia độc lập và Kosovo tách khỏi Serbia. Ngày nay, điều kiện để Serbia giải quyết cuộc xung đột Kosovo là công nhận nền độc lập của nó.
Trong trường hợp của Ukraine, chính đề tài gia nhập EU đã dẫn đến gia tăng xung đột và làm mất đi tính toàn vẹn của quốc gia này (việc Crimea sáp nhập vào Nga tháng 3/2014).
Kosovo và Crimea có những điểm tương đồng nhất định trong quá trình tìm kiếm sự độc lập với việc đều nhận sự can thiệp của phương Tây và Nga. Tuy nhiên, cả 2 sự kiện đều không phải là một hình mẫu tốt cho việc giải quyết các bất đồng dân tộc bằng biện pháp hòa bình.
Không ai trong số các ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua bầu cử tổng thống Ukraine tỏ ra nghi ngờ rằng "con đường châu Âu" có nhiều chông gai hoặc thậm chí đi đến thất bại. Dẫn luận của họ đều là hoặc là tham gia vào EU và NATO, hoặc là bị Nga đàn áp. Dù gì đi chăng nữa, đây sẽ chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì tính hợp pháp của chế độ và nó sẽ bị đình chỉ khi quan hệ của Nga với phương Tây được điều chỉnh sau cuộc khủng hoảng kéo dài. Sau đó, các vấn đề xây dựng nhà nước sẽ được "reset" lại từ đầu.
Con đường trở thành thành viên EU và gia nhập NATO của Ukraine còn rất mịt mờ (Eucommission) |
Kinh nghiệm của Bulgaria lại chỉ ra rằng việc gia nhập EU trong tư cách là một đối tác kinh tế yếu kém đã đưa đến một loạt khó khăn: phải chi trả cho các chương trình và dự án khác nhau song những gì nhận lại từ các quỹ châu Âu không làm giảm căng thẳng xã hội và sự bất mãn. Ưu điểm ở đây là dòng người lao động từ các nước kém phát triển dễ dàng di chuyển đến các nước EU phát triển hơn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực khi đó sẽ tập trung lại và không còn ai quan tâm đến những nước kém phát triển, vì họ không muốn mất đi dòng người lao động này. Có thể dể thấy trước, Ukraine sẽ dần "cung cấp" cho châu Âu nguồn lao động giá rẻ, thuộc thế hệ thanh niên mới.
"Chuông báo động" cho "giấc mơ gia nhập EU" là những kỳ vọng mong mỏi được đáp ứng trong tương lai gần của người dân. Trong trường hợp thất bại, nguy cơ dẫn đến biến động chính trị như các cuộc biểu tình rầm rộ ở Maidan sẽ lặp lại. Do vậy, các chính sách hứa hẹn thận trọng và thực dụng sẽ nhận được sự ủng hộ cao từ dân chúng và có nhiều cơ hội hơn để đảm bào quyền lực.
Tổng thống Petro Poroshenko cho rằng thành công của việc "châu Âu hóa" Kiev sẽ giúp nước này tránh trở thành thuộc địa của Moscow. Trong khi chính các "dấu hiệu báo trước" từ việc luân chuyển dòng người lao động sang châu Âu sẽ làm gia tăng nhanh chóng sự phụ thuộc của Kiev vào các nước này.
Lựa chọn nào là khôn khéo cho Ukraine?
Với vị trí địa chính trị thuận lợi, Kiev hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm kinh tế, là điểm đến đầu tư hiệu quả và phát triển các dự án sáng tạo. Để làm được điều này, cần phải từ bỏ các chiến lược khiến Ukraine trở nên phụ thuộc vào bất kỳ "ông lớn" nào, dù là Nga, châu Âu, hay Mỹ, thậm chí cả Trung Quốc (về lâu dài). Xây dựng các thể chế kinh tế hiệu quả dựa trên luật pháp và tôn trọng nguyên tắc, đào tạo thế hệ trẻ sẽ giúp Kiev thực hiện giấc mơ của mình mà không cần gia nhập vào EU hay NATO.
Nga vẫn là một tác nhân quốc tế quan trọng đối với Ukraine. Theo đó, trong tương lai ngắn hoặc trung hạn, Kiev cần "vun đắp" mối quan hệ này theo một định dạng mới.