📞

Giải pháp chính trị nào cho Mosul?

18:00 | 24/10/2016
Không phải là các bên không có chiến lược tái thiết Mosul, vấn đề là họ có quá nhiều lựa chọn.

Khó đạt đồng thuận

Trong bối cảnh chiến dịch tấn công Mosul đang được các lực lượng Iraq triển khai cấp tập, dư luận chủ yếu tập trung nói về số phận của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi bị đánh bật khỏi “thành trì” này. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất của chiến dịch quân sự này lại chưa được làm rõ: điều gì sẽ xảy ra nếu các lực lượng Iraq giành chiến thắng, song sau đó lại không thể đạt đồng thuận chính trị? Tình hình thực tế hiện nay cho thấy kịch bản này thực sự đáng lo ngại.

Các binh sĩ Iraq ở ngoại ô Mosul, ngày 17/10. (Nguồn: UPI)

Cuộc chiến ở Mosul được nhìn nhận khác nhau tùy theo góc độ quân sự hay chính trị. Đối với những người chỉ quan tâm đến việc giành thắng lợi quân sự trước IS, họ tập trung vào việc xây dựng lực lượng, trong đó chủ lực là quân đội chính phủ Iraq - dưới sự điều hành của Thủ tướng Haider al-Abadi. Tuy nhiên, tham gia chiến dịch giải phóng Mosul lần này còn có các dân quân bán vũ trang người Shiite, lực lượng binh sĩ người Kurd (Peshmerga), những tay súng thuộc các bộ lạc người Sunni… tạo thành một “liên minh” phức tạp về quan điểm và lợi ích. Bên cạnh đó, quân đội Iran, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ chiến dịch Mosul ở trên không và trên bộ.

Mặc dù cuộc tấn công vào Mosul là chiến dịch triển khai quân đội lớn nhất của chính phủ Iraq từ năm 2003 đến nay, song đây được dự báo sẽ là cuộc chiến lâu dài và khó khăn. Cho đến nay, các lực lượng Iraq mới chỉ tái chiếm các làng mạc không người sinh sống ở ngoại vi Mosul, bởi lẽ việc tiếp cận thành phố đặt ra rất nhiều khó khăn. Các chiến binh IS, vốn đã chuẩn bị cho trận chiến này trong suốt 2 năm qua, đang muốn dùng dân thường làm lá chắn bởi chúng biết rằng, quân đội Iraq không muốn gây thương vong cho những người vô tội cũng như không muốn khoét sâu mâu thuẫn giáo phái (quân đội Iraq chủ yếu là người Shiite, trong khi người dân Mosul lại là người Sunni).

Ước tính các lực lượng Iraq tham gia giải phóng Mosul lên tới 60.000 binh sĩ. Trong khi đó, các tay súng IS ở bên trong thành phố chỉ có khoảng 6.000 người.

Có thể nói, trong trường hợp quân đội Iraq giành chiến thắng trước IS, họ có thể tái kiểm soát và điều hành thành phố này. Tuy nhiên, các tay súng khủng bố chưa hẳn sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Mosul. Chúng có thể sẽ chuyển sang hình thức hoạt động ngầm và trở thành một phong trào nổi dậy, giống như al-Qaeda từng làm ở Iraq sau khi tổ chức này bị liên quân Iraq - Mỹ đánh bại hồi năm 2008. Vì vậy, một chiến thắng quân sự ở Mosul có thể loại bỏ vai trò lãnh đạo của IS ở thành phố này, khôi phục hoạt động của các cơ quan nhà nước và các dịch vụ công, song có thể sẽ không chấm dứt hoàn toàn được bạo lực.

Binh sĩ người Kurd trấn giữ một vị trí chiến đấu ở làng Khazir, ngoại ô Mosul. (Nguồn: AP)

Đặc biệt, những lực lượng đang cùng nhau chống IS lại đang mơ hồ về hệ quả chính trị của chiến thắng. Liệu lực lượng nào sẽ cầm trịch trong tiến trình chuyển tiếp của Mosul? Hệ thống chính quyền mới nên được triển khai ra sao? Làm thế nào để người dân Mosul, vốn ít chịu ảnh hưởng của chính quyền trung ương, chấp nhận các chính sách mới của Baghdad? Điều này rất dễ dẫn đến một kịch bản là các lực lượng đồng minh quay ra chĩa súng vào nhau, chỉ vì không thể đạt đồng thuận về chiến lược “hậu chiến thắng”.

Quá nhiều lựa chọn

Không phải là các bên không có chiến lược tái thiết Mosul, vấn đề là họ có quá nhiều lựa chọn. Mỗi bên đều muốn đạt được những lợi ích chính trị về cho phe mình, và không muốn nhượng bộ các phe phái khác.

Ngày 7/10, trong buổi thông báo nội bộ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Brett McGurk - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ phụ trách liên minh quốc tế chống IS, nhận định dù các bên có quan điểm chính trị khác nhau về tương lai Mosul, ưu tiên hàng đầu của họ hiện nay vẫn là đánh bại IS, giải phóng Mosul. Dù vậy, theo ông McGurk, những mâu thuẫn chính trị giữa các lực lượng tham gia chiến dịch tấn công IS sẽ ảnh hưởng đến chiến thuật và hiệu quả tác chiến của liên quân.

Một binh sĩ người Kurd kiểm tra lối vào một đường hầm IS xây dựng ở thị trấn Badana, phía Đông Mosul, nơi vừa được giải phóng. (Nguồn: AP)

Cư dân của Mosul nhìn chung là đa sắc tộc và đa giáo phái, không đồng nhất như các thành phố khác của Iraq như Fallujah, Ramadi hay Tikrit. Thực tế này có thể khiến cho việc hòa giải giữa các cộng đồng dân cư sau xung đột thêm phần khó khăn, thậm chí có thể phá hỏng các giải pháp chính trị.

Trước hàng loạt vấn đề chính trị chưa được giải quyết ở Mosul nói riêng và khu vực miền Bắc Iraq nói chung, các lực lượng đang đứng chung một chiến tuyến chống IS khó có thể đạt được đồng thuận trong một sớm một chiều. Nếu các bên không có một thỏa thuận chính trị toàn diện thì chiến thắng quân sự ở Mosul chỉ là một giải pháp trong ngắn hạn, không thể giải quyết tận gốc những mâu thuẫn chính trị tồn tại từ năm 2003 đến nay. Điều này cũng có thể tạo điều kiện cho “bóng ma” IS sớm quay trở lại. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các phe phái tại Iraq cần dành ưu tiên cho tương lai của Mosul và người dân của thành phố này lên trên những tham vọng chính trị của phe nhóm mình.

(theo Chatham House)