📞

Góc nhìn khác về toàn cầu hóa: Sai ở chỗ nào? (Kỳ II)

14:00 | 20/08/2017
Đến nay, các chuyên gia phải công nhận toàn cầu hóa có cả tác động tích cực và tiêu cực. Vậy toàn cầu hóa bắt đầu cho thấy mặt trái của nó từ khi nào?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần đi ngược lại lịch sử và tìm hiểu về các bước phát triển của hiện tượng này. "Toàn cầu hóa" là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi khoảng 20 năm nay và trở nên đặc biệt "mốt" kể từ khi có sự tăng vọt trong việc trao đổi kiến thức, thương mại và vốn trên toàn cầu nhờ vào những tiến bộ khoa học - công nghệ.

Người biểu tình diễu hành trên đường phố ở Garmisch-Partenkirchen (Đức) khi các nhà lãnh đạo nhóm G7 thảo luận về tự do thương mại cùng nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác, tháng 6/2015. (Nguồn: Reuters)

Những dấu hiệu đầu tiên

Từ rất sớm, các nhà kinh tế học đã quen với khái niệm phổ biến là thị trường và con người trên toàn cầu ngày càng trở nên gắn kết với nhau hơn. Theo Adam Smith - cha đẻ của thuyết "bàn tay vô hình", một trong những người khởi xướng chủ nghĩa tự do kinh tế - nguyên tắc cơ bản của phát triển kinh tế là sự hòa nhập giữa các thị trường. Sự phân chia công việc giúp mở rộng sản xuất, đồng thời sự chuyên nghiệp hóa giúp mở rộng thương mại và vì thế các cộng đồng trên thế giới dần sát lại với nhau. Khuynh hướng này đã xuất hiện từ buổi đầu lịch sử văn minh của loài người. Khi các làng xã, thị trấn, quốc gia và lục địa bắt đầu đổi hàng hóa họ sản xuất lấy những gì họ không giỏi làm ra, các thị trường xích lại gần nhau hơn, cùng lúc với quá trình chuyên nghiệp hóa. Tiến trình miêu tả bởi Adam Smith rất giống cái gọi là "toàn cầu hóa", cho dù vào thời của ông, nó còn chịu nhiều giới hạn địa lý.

Bên cạnh đó, Adam Smith đặc biệt quan tâm đến sự hòa nhập thị trường giữa châu Âu và châu Mỹ. Theo ông, việc Colombus phát hiện ra châu Mỹ năm 1492 đã tạo ra sự phân chia lao động xuyên lục địa khi những người thổ dân Mỹ chuyên gia săn bắn đổi da thú lấy chăn, vũ khí và rượu của người châu Âu. Adam Smith còn cho rằng một trong những thay đổi kinh tế mãnh liệt nhất là việc tìm ra châu Mỹ - nơi có vô số mỏ vàng, bạc với trữ lượng lớn.

Một số nhà kinh tế học hiện đại không đồng tình với luận điểm của Adam Smith. Kevin O’Rourke và Jeffrey Williamson, trong một bài báo viết năm 2002, khẳng định toàn cầu hóa thực sự mới chỉ bắt đầu vào thế kỉ XIX, khi giá thành vận chuyển giảm đột ngột, cho phép tương đồng giá thành hàng hóa ở châu Âu và châu Á. Việc Columbus phát hiện ra châu Mỹ hay Vasco Da Gama tìm được đường sang châu Á qua mũi Hảo Vọng, theo hai nghiên cứu này, không có tác động quan trọng nào tới giá thành sản phẩm cả. Tuy nhiên, họ đã quên mất một điều căn bản là các đồng tiền tệ ở châu Âu chủ yếu dựa trên giá trị của bạc và bất cứ thay đổi nào trong giá trị của bạc sẽ tác động mạnh lên giá thành hàng hóa.

Từ những ví dụ trên, có thể khẳng định các dấu hiệu đầu tiên của toàn cầu hóa đã có từ rất lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, giai đoạn mà nền kinh tế được toàn cầu hóa một cách đúng nghĩa mới chỉ bắt đầu từ thế kỷ XX, khi các nước châu Âu thuộc địa hóa châu Á, biến nơi đây thành nơi cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất châu Âu và là nơi tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở mẫu quốc. Theo Giáo sư thuộc Đại học Havard Jeffry Frieden, những năm đầu của thế kỉ XX đã có những dấu hiệu gần nhất của thị trường thế giới tự do trao đổi hàng hóa, tài chính và nhân lực.

Trong quyển The Great Convergence, Giáo sư Baldwin viết: "Việt Nam đã từ một nước nhập khẩu phụ tùng xe máy thành nơi xuất khẩu các phụ tùng". Rõ ràng là nhờ vào toàn cầu hóa, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.

"Giai đoạn vàng"

Thế nhưng, sau cuộc khủng hoảng những năm 1930, nhiều nước hướng tới chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo vệ thương mại quốc gia khỏi cạnh tranh từ các quốc gia khác bằng các biện pháp thuế quan hay phi thuế quan. Từ góc độ của các nhà tự do kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ luôn bị coi là "xấu" vì nó ngăn cản sự phát triển kinh tế. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, dưới sự tác động của các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do, các nước lại bắt đầu hướng tới nền kinh tế tự do trao đổi.

Với hiệp ước Bretton Woods - khởi đầu cho hệ thống tài chính quốc tế và Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) - tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), làn sóng toàn cầu hóa đã trở nên rõ rệt. Ở Mỹ, những năm tháng dưới quyền Tổng thống John Kennedy đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn này. Ở châu Âu, đó là sự ra đời của thị trường chung. Theo nhà kinh tế học giảng dạy tại Đại học Harvard Dani Rodrik, từ năm 1944-1990, thương mại thế giới tăng trưởng ở mức 7% - đây chính là "giai đoạn vàng của toàn cầu hóa".

"Siêu toàn cầu hóa"

Một sự thay đổi lớn đã diễn ra vào những năm 1980. Ở phương Tây, tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát đã dẫn đến những thay đổi quan trọng về chính trị. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan – hai nhà lãnh đạo chính trị cấp tiến ủng hộ tự do thương mại - lên nắm quyền tại 2/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc những tư tưởng tự do "siêu toàn cầu hóa" bắt đầu lan tỏa tại các thể chế kinh tế toàn cầu như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và WTO. Tòa án của WTO có quyền tác động tới các quốc gia trong chính sách thuế, môi trường và điều tiết thị trường. Những ràng buộc trong khuôn khổ của tổ chức này không phải là mang lợi ích tới mọi quốc gia, cũng như tới mọi người dân. Đây chính là khởi đầu của bước ngoặt trong quá trình toàn cầu hóa, mà sự thoái trào của nó đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Phiên bản thuần túy nhất của "siêu toàn cầu hóa" chính là Thỏa thuận Washington, trong đó các nước châu Mỹ Latin được vay tiền của IMF, đổi lại, họ phải giảm hàng rào thuế quan và cho phép tư nhân hóa một loạt ngành công nghiệp do Nhà nước nắm phần lớn. Sự tự do hóa này mang lại những kết quả tích cực. Năm 1995, hai nhà nghiên cứu Jeffrey Sachs và Andrew Warner kết luận:“không có ví dụ nào cho thấy một quốc gia mở cửa kinh tế mà lại thất bại cả".

Tuy nhiên, giai đoạn thịnh vượng này không kéo dài hay gắn liền với ổn định chính trị. Từ cuối những năm 1990 đến giữa những năm 2000, người dân ở các nước Mỹ Latin liên tục phản đối các ý định tư hữu hóa một số ngành cơ bản như gas, nước. Năm 2002 tại Argentina, cuộc khủng hoảng tồi tệ đã diễn ra làm phe cánh hữu cầm quyền, vốn ủng hộ tư hữu hóa hơn nữa, thất thế trên chính trường. Tại nhiều nước khác trong khu vực, phe cánh tả cũng bắt đầu lên ngôi, kết quả từ sự phản ứng của người dân trước những tác động tiêu cực của việc tư hữu hóa quá mức nền kinh tế.

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Kinh tế Amartya Sen khẳng định: toàn cầu hóa làm cho thế giới giàu có hơn về mặt khoa học và văn hóa, đồng thời đem lại lợi nhuận kinh tế cho rất nhiều người. Liên hợp quốc cũng dự đoán toàn cầu hóa có khả năng giúp xóa nghèo trên toàn thế giới vào thế kỉ XXI. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng bị chỉ trích bởi một số nhà kinh tế học khác, như ông Joseph Stiglitz, vì không cải thiện tình trạng phân biệt giàu nghèo ngày càng tăng.

Châu Á hưởng lợi

Theo Dani Rodrik, toàn cầu hóa đã có nhiều thay đổi, giờ đây nó đang biến thành một hệ thống "rối loạn và không mang lại sự bình đẳng". Nhà nghiên cứu này cho rằng "chỉ có các nước châu Á là thực sự hưởng lợi từ toàn cầu hóa". Tại các nước này, số lượng người dân trung lưu nhờ vào toàn cầu hóa đã tăng mạnh mẽ. Giáo sư kinh tế Richard Baldwin chỉ ra các nước hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.

Ngoài ra, một số nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng nhờ vào toàn cầu hóa mà thay đổi tích cực. Trong quyển The Great Convergence, Giáo sư Baldwin viết: "Việt Nam đã từ một nước nhập khẩu phụ tùng xe máy thành nơi xuất khẩu các phụ tùng". Rõ ràng là nhờ vào toàn cầu hóa, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.

Từ 30 năm nay, toàn cầu hóa đã khiến tình trạng chênh lệch giàu nghèo tăng cao, đặc biệt là tại các nước phát triển như Mỹ và Anh - nơi các biến động chính trị gần đây đã thể hiện rõ sự không hài lòng của người dân. Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng toàn cầu hóa đã giúp nhiều nước thoát nghèo, giúp họ tận dụng các lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế, trong đó có Việt Nam. Toàn cầu hóa, ích lợi hay không, điều đó phụ thuộc vào chính sách quốc gia nhằm thu lợi ích lớn nhất và giảm đi tác động tiêu cực nhất của nó.