Sáng ngày 9/11/2016, nhiều nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ, trong đó có nhà kinh tế được giải Nobel Paul Krugman, đã tiên đoán chiến thắng của ông Trump là “tin tức xấu”, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ và kinh tế Mỹ đứng trước bờ vực suy thoái.
Dấu ấn Donald Trump
Song, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Lần đầu tiên sau hơn một thập niên, Mỹ đạt được mức tăng trưởng trên 3%, có lúc lên đến 4,2% (quý II/2018). Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm xuống còn 3,7%, thấp kỷ lục trong 50 năm qua. Theo Báo cáo tháng 10/2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cũng lần đầu tiên kể từ năm 2008, Mỹ lấy lại vị thế nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, vượt qua đối thủ nặng ký Singapore. Nước Mỹ dưới thời Trump cũng vượt qua Nga và Saudi Arabia, trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới.
Thứ hai là câu chuyện về tương lai chính trị của tỷ phú Trump với tư cách là ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump được đánh giá là “non nớt” về chính trị và “bốc đồng”, “thiển cận” về phát ngôn. Không ít chuyên gia về nội bộ Mỹ cho rằng, ông Trump không tồn tại được quá nửa nhiệm kỳ, thậm chí có dự đoán ông không thể cầm quyền được “quá 9 tháng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Song, thực tế lại không như dự đoán. Đúng là ông Trump đã gặp khó khăn chồng chất về việc xây dựng bộ máy với việc nhân sự của nhiều cơ quan trọng yếu chưa bao giờ được lấp đầy. Ông cũng gặp nhiều khó khăn với những phát ngôn gây tranh cãi, thiếu nhất quán trên hàng loạt vấn đề cả đối nội và đối ngoại. Đặc biệt, cuộc điều tra về việc có hay không sự “cấu kết giữa bộ máy tranh cử của ông Trump và Nga trong bầu cử 2016” do công tố viên Bob Mueller tiến hành luôn đặt ông Trump và nhóm cộng sự thân cận vào tình trạng khó khăn.
Thế nhưng, ông Trump vẫn đứng vững và phần nào thể hiện được dấu ấn riêng. Đó là việc nâng cao hiệu quả, tinh giảm bộ máy, sử dụng tiết kiệm ngân sách đối với chính phủ liên bang theo mô hình “đại công ty”. Đó là việc trao quyền tự quyết và đi cùng với đó là trách nhiệm cho lãnh đạo các Bộ, ngành. Bản thân ông Trump và không ít cố vấn, quan chức chính quyền hiện tại đã “nêu gương” tình nguyện không nhận lương từ nguồn ngân sách chính phủ. Thực hiện cam kết tranh cử và thay đổi đường lối lãnh đạo đã phần nào được cử tri Mỹ ghi nhận qua việc phần lớn cử tri Cộng hoà (gần 90%) vẫn ủng hộ ông Trump, điều được kiểm chứng qua kết quả bầu cử giữa kỳ.
Thứ ba là về chính sách đối ngoại của Mỹ, một chủ đề nóng lên ngay vào đêm ông Trump thắng cử. Không ít học giả, chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ đưa đất nước trở lại thời kỳ biệt lập; rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” chính là sự từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Trên thực tế, nước Mỹ dưới thời Trump tiếp tục khẳng định mục tiêu củng cố và tăng cường vị thế siêu cường thế giới thể hiện qua việc chấn hưng kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng.
“Can dự” kiểu mới
Đi đôi với việc củng cố sức mạnh bên trong, chính quyền Trump đã điều chỉnh cơ bản cách thức can dự, theo hướng chuyển từ tư duy “bao cấp” sang chủ trương “có đi có lại” và “tăng chia sẻ” vai trò, trách nhiệm và gánh nặng tài chính.
Nước Mỹ dưới thời Trump đã thay đổi, tạo ra cả thách thức và cơ hội cho các quốc gia. Tuy nhiên, thách thức hay cơ hội lại phụ thuộc vào góc nhìn và lợi ích của mỗi nước. |
Về thương mại, chính quyền Trump quyết liệt thực hiện thương mại “công bằng”, “có đi có lại” trong quan hệ với không chỉ các cường quốc cạnh tranh, đối tác mà với cả các đồng minh truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với các nước bị Mỹ coi là “đối thủ”, Washington chuyển từ chủ trương chú trọng can dự sang đề cao cạnh tranh, gây sức ép toàn diện để đối thủ phải thỏa hiệp.
Với Trung Quốc, thành công lớn nhất cho đến nay của chính quyền Trump là giành lại thế chủ động trong quan hệ, dùng chính sách gây sức ép toàn diện, đánh vào tham vọng khu vực và toàn cầu của Bắc Kinh.
Với Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim lần thứ nhất đã giúp giảm căng thẳng, tạo tiến triển bước đầu trong phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tại Trung Đông, Mỹ cũng tiến gần tới mục tiêu tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, gia tăng kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Iran, giảm gánh nặng cho Mỹ bằng việc giảm cam kết tài chính và lên kế hoạch rút quân khỏi “vũng lầy” Syria và Afghanistan.
Những cơn sóng ngầm
Trả lời phỏng vấn ngày 10/1/2019 giữa lúc Chính phủ Mỹ bước vào tuần đóng cửa thứ ba, ông Trump cho rằng đối phó với Trung Quốc không khó bằng đối phó với phe Dân chủ và “đảng đối lập” – ám chỉ giới truyền thông Mỹ.
Sự chống đối của phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ tăng lên. Với việc chiếm đa số tại Hạ viện, phe Dân chủ đã và sẽ tìm mọi lý do để chống lại bất cứ chương trình nghị sự nào của Chính quyền Trump. Tình trạng bế tắc chính trị nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài và có thể sẽ trầm trọng hơn.
Ông Trump và nhóm cố vấn sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các cuộc điều tra do Hạ viện phát động, trong khi cuộc điều tra của công tố viên Mueller chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Không loại trừ việc ông Trump sẽ bị luận tội tại Hạ viện, song phe Dân chủ sẽ phải tính đến sự phản kháng của cử tri, nhất là nhóm cử tri nòng cốt ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Cùng với đó, cuộc chiến của ông Trump với báo chí Mỹ đã bước vào năm thứ ba với nhiều diễn biến gay cấn. Tỷ lệ các tờ báo, trang mạng đưa tin tiêu cực về chính quyền, trong đó nổi bật là CNN, CNBC, CBS, The New York Times... tiếp tục chiếm đa số với khoảng 90%. Ông Trump liên tục gọi các hãng truyền thông trên là “đưa tin giả”, “đảng đối lập”, “kẻ thù của người dân Mỹ”. Bối cảnh bế tắc nội bộ hiện nay càng khiến giới truyền thông tăng thêm tiếng nói.
Thứ ba là sự phản kháng của các cường quốc, đối thủ của Mỹ. Phương châm “Nước Mỹ trên hết” và chủ trương “công bằng”, “có đi có lại” của chính quyền Trump đã làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và nhiều đồng minh; làm giảm sút ảnh hưởng của Mỹ ở nhiều khu vực và quốc gia.
Ngoài ra, dù kinh tế Mỹ khởi sắc, nhưng một số “đám mây” tiêu cực cũng đã xuất hiện. Kinh tế Mỹ đã bước vào năm tăng trưởng dương thứ 10 sau khủng hoảng 2008 và dư luận về “quy luật 10 năm” đã bắt đầu xuất hiện. Việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 đang tạo khó khăn cho Mỹ trong duy trì đà tăng trưởng tích cực hiện nay. Tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng làm giảm doanh thu một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc (ngô, đậu nành, thịt lợn), có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Mỹ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận vào ngày 1/3 tới.
Lối thoát về đối ngoại
Một điều mang tính quy luật trong chính trị Mỹ là mỗi khi Tổng thống gặp bế tắc về đối nội, thậm chí trở thành “vịt què”, mặt trận đối ngoại lại trở thành tâm điểm. Chiến lược “Chiến tranh giữa các vì sao” được Tổng thống Ronald Reagan đưa ra vào tháng 3/1983 sau bầu cử giữa kỳ năm 1982. Mỹ và NATO cũng đã tiến hành không kích Kosovo tháng 3/1999 sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm 1998. Gần đây nhất, sau thất bại lớn trong bầu cử giữa kỳ năm 2010, chính quyền Obama đã đưa ra chiến lược “Tái cân bằng”.
Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh đối ngoại nhằm ghi điểm với cử tri, giành lợi thế cho bầu cử 2020. Những “hồ sơ đối ngoại” được cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm là tăng cường xuất khẩu hàng hóa Mỹ, quan hệ với Trung Quốc, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và phần nào đó là vấn đề dân chủ - nhân quyền.
Nước Mỹ dưới thời Trump đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi, tạo ra cả thách thức và cơ hội cho các quốc gia. Là thách thức hay cơ hội lại phụ thuộc vào góc nhìn và lợi ích trong quan hệ với Mỹ của mỗi nước.
Ngạn ngữ Mỹ có câu: “Nếu không tham gia, bạn sẽ trở thành nạn nhân”. Điều này càng đúng với phong cách lãnh đạo của ông Trump – chủ động gây sức ép để đạt kết quả. Bài học từ Hàn Quốc, Canada, Mexico và Nhật Bản trong việc chủ động can dự tích cực với chính quyền Trump thay vì bị động chờ Mỹ “ra đòn” vẫn còn nguyên giá trị với các nước, ít nhất trong hai năm tới.