Nhỏ Bình thường Lớn

Hậu bầu cử Mỹ 2020: Ông Donald Trump và ‘di sản’ chính trị còn đó

TGVN. Dù thất bại hay may mắn lật ngược thế cờ hậu bầu cử, Tổng thống Donald Trump vẫn để lại dấu ấn đậm nét, với nhiều thay đổi bước ngoặt kéo dài tới chính trị Mỹ.

“Di sản” bởi dù Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại và kết quả chính thức của cuộc bầu cử Mỹ chưa được công bố, song tình hình hậu bầu cử đang diễn biến bất lợi cho ông.

Đầu tiên, hàng loạt kiện tụng do chiến dịch tranh cử của ông Trump khởi xướng không đạt kết quả tích cực. Mới đây, ngày 22/11, Thẩm phán Pennsylvania Matthew Brann đã từ chối khiếu nại của ông Trump và công nhận kết quả bầu cử, qua đó xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden tại quê nhà.

Đáng ngại hơn, một số thành viên đảng Cộng hòa đang dần mất kiên nhẫn với ông Trump. Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Pennsylvania Pat Toomey cho rằng đã đến lúc Tổng thống chấp nhận kết quả cuộc bầu cử và tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực để bảo toàn di sản. Tương tự là cựu Cố vấn Tổng thống Chris Christie, Thượng nghị sỹ bang Michigan Fred Upton, Thượng nghị sỹ bang North Dakota Kevin Cramer và Thống đốc bang Maryland Larry Hogan.

(11.24) Tổng thống Donald Trump đang gặp nhiều bất lợi và đứng trước nguy cơ rời Nhà Trắng sau 4 năm cầm quyền. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Donald Trump đang gặp nhiều bất lợi và đứng trước nguy cơ rời Nhà Trắng sau 4 năm cầm quyền. (Nguồn: AFP)

Ngay cả bản thân ông Trump cũng đã thể hiện sự dao động, mới nhất là cho phép Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) “làm những điều cần thiết”, cung cấp các nguồn lực và dịch vụ cần thiết trong trường hợp có chuyển giao quyền lực Tổng thống.

Song dù kết quả cuối cùng có ra sao, ông Donald Trump cũng đã để lại dấu ấn đậm nét khi khởi đầu cho một số thay đổi bước ngoặt và có thể kéo dài nhiều năm trên chính trường Mỹ.

Tầm nhìn táo bạo

Đầu tiên, ông Trump đã tác động sâu sắc tới nhận thức của đảng Cộng hòa, như cái cách mà cố Tổng thống Ronald Reagan từng làm 40 năm về trước. Trong bốn thập kỷ, đảng Cộng hòa đã đề cao cơ chế bàn tay vô hình của thị trường tự do, hạn chế sự can thiệp của nhà nước, giảm phúc lợi xã hội, ủng hộ thương mại, toàn cầu hóa và củng cố vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Song dưới thời ông Trump, mọi chuyện đã thay đổi. Tổng thống Mỹ thứ 45 có lập trường cứng rắn với vấn đề nhập cư và đối ngoại, đưa đảng Cộng hòa dịch chuyển theo xu hướng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và dân túy.

Giơ cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông đẩy mạnh bảo hộ thương mại, chỉ trích toàn cầu hóa và ủng hộ đưa công nghiệp sản xuất quay lại Mỹ. Dù nhiều chính sách của ông Trump chưa triệt để, xong tầm nhìn táo bạo của nhà lãnh đạo này và sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới lưỡng đảng và người dân Mỹ là khó phủ nhận.

Thực tế cho thấy sự thay đổi của đảng Cộng hòa khiến đảng Dân chủ buộc phải điều chỉnh theo chiều hướng tương tự. Bằng chứng là ông Joe Biden đã đề cao “sản xuất tại Mỹ”, cam kết “thúc đẩy sức mạnh công nghiệp và công nghệ Mỹ”, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp giữ và tạo việc làm trên đất Mỹ.

Ông cũng quay sang ủng hộ một số quan điểm về bảo hộ kinh tế ông từng bác bỏ, đồng thời học tập một số chính sách của đương kim Tổng thống về dầu khí và thương mại.

TIN LIÊN QUAN
Wall Street Journal: Tổng thống Trump lên kế hoạch mạnh tay với Trung Quốc?

Tận dụng triệt để

Thêm vào đó là cách ông Trump tận dụng bộ máy chính trị Mỹ, đặc biệt là các sắc lệnh hành pháp vốn không cần sự phê chuẩn của Quốc hội để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Thống kê cho thấy trong gần 4 năm cầm quyền, ông đã ban hành 194 sắc lệnh hành pháp, tương đương 47,1 sắc lệnh/năm.

Đây là tần suất cao kỷ lục kể từ thời cố Tổng thống Ronald Reagan, bỏ xa ông Barack Obama (34,6), George W. Bush (36,4), Bill Clinton (45,5) hay George H.W. Bush (41,5). Thống kê cũng cho thấy tần suất các sắc lệnh hành pháp tăng mạnh về cuối nhiệm kỳ của ông Trump.

Tính trung bình hằng năm, ông Trump ban hành 47,1 sắc lệnh - con số cao kỷ lục kể từ thời cố Tổng thống Ronald Reagan, bỏ xa ông Barack Obama (34,6), George W. Bush (36,4), Bill Clinton (45,5) hay George H.W. Bush (41,5).

Quan trọng hơn, phần lớn chúng đã và đang tác động đáng kể đến nội bộ nước Mỹ. Mới đây, ngày 21/10, ông Donald Trump đã thông qua sắc lệnh hành pháp gỡ bỏ quyền bảo vệ đối với công chức, viên chức phụ trách xây dựng chính sách, cho phép chính quyền liên bang sa thải mà không cần lý do chính đáng hay quy trình xét duyệt thông thường, làm dấy lên làn sóng tranh cãi quyết liệt.

Trong tuần tới, ông Trump được cho là sẽ ký lệnh hành pháp nhằm rút phần lớn quân Mỹ tại Afghanistan và thậm chí bãi bỏ quyền hưởng quốc tịch Mỹ theo nơi sinh trong Tu chính án thứ 14.

Đáng chú ý, ông Biden có vẻ cũng “học tập” cách làm này của ông Trump, nhất là khi đảng Dân chủ vẫn đứng trước nguy cơ mất đa số tại Thượng viện. Ngày 9/11, chiến dịch tranh cử của ông Biden tiết lộ nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ ban hành 4 sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu nhằm đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phục hồi chương trình bảo vệ trẻ đến Mỹ bất hợp pháp và hủy bỏ lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh.

2607-200808donaldtrumpal1655-669457071312d8106e012c11c0c6f1b0
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp. (Nguồn: NBC)

Phong cách đặc biệt

Cuối cùng, phong cách đơn giản nhưng hiệu quả là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của ông.

Thứ nhất, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông thường sử dụng tuyên bố ngắn gọn, dễ hiểu cùng cáo buộc trực diện nhằm vào đối thủ. Ông luôn thể hiện phong thái tự tin, truyền cảm hứng, thường xuyên sử dụng các từ như “chiến thắng”, “tin tưởng” và “tuyệt vời”.

Tuyên bố hay diễn thuyết của ông rất dễ hiểu, dễ chia sẻ, qua đó phát huy hiệu quả trong truyền đạt thông điệp đến với cử tri ở nhiều tầng lớp khác nhau, đặc biệt là những ai không am hiểu về chính sách hay có trình độ chuyên môn cao. Thực tế này đã thể hiện rõ trong cuộc bầu cử vừa qua.

Thứ hai, khác với hình ảnh chính trị gia thường cố gắng xây dựng quan hệ với giới truyền thông để tránh bị công kích, ông không ngại đối đầu, thậm chí chủ động tấn công “quyền lực thứ tư”. Ông Trump thường chỉ trích hãng tin trong nước có lập trường trung hữu-thiên tả như CNN hay báo nước ngoài, và chỉ duy trì quan hệ với số ít thiên hữu như với Fox News hay Breibart News.

Thứ ba, ông Trump tận dụng triệt để tài khoản Twitter, với thông điệp ngắn gọn, xúc tích để nắm thế chủ động trong truyền tải thông tin, kết nối với người dùng. Đây là điều mà chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden hiểu rõ: Việc tăng cường tương tác trên Twitter, “ăn miếng trả miếng” và làm rõ cáo buộc không chính xác của ông Trump khiến ông Biden ghi điểm trong mắt nhiều cử tri.

Tuy nhiên, chiến thắng dành cho ai, vẫn là chuyện của tương lai. Điều chắc chắn ở thời điểm hiện tại là ngay cả khi ông Donald Trump phải rời Nhà Trắng sau nhiệm kỳ đầu, di sản của vị Tổng thống thứ 45 sẽ ở lại Washington D.C. và tiếp tục định hình nước Mỹ trong nhiều năm tới.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Ngoại trưởng Pháp nói về thái độ của ông Trump, khả năng giảm quy mô lễ nhậm chức

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Ngoại trưởng Pháp nói về thái độ của ông Trump, khả năng giảm quy mô lễ nhậm chức

TGVN. Ngày 22/11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, ông chia sẻ quan điểm với ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe ...

Bầu cử Mỹ 2020: Thẩm phán bác yêu cầu ngăn chứng nhận kết quả bầu cử tại Nevada, Tổng thống Trump gặp riêng các nghị sĩ Cộng hòa Michigan

Bầu cử Mỹ 2020: Thẩm phán bác yêu cầu ngăn chứng nhận kết quả bầu cử tại Nevada, Tổng thống Trump gặp riêng các nghị sĩ Cộng hòa Michigan

TGVN. Thẩm phán Gloria Sturman của hạt Clark thuộc bang Nevada ngày 20/11 đã từ chối một yêu cầu khẩn cấp về việc ngăn bang ...

Con trai cả của Tổng thống Trump và Cố vấn Nhà Trắng cùng mắc Covid-19

Con trai cả của Tổng thống Trump và Cố vấn Nhà Trắng cùng mắc Covid-19

TGVN. Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn Nhà Trắng Andrew Giuliani đã có kết quả xét ...