Các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải nỗ lực suy tính, cân nhắc và tranh luận để tìm ra giải pháp cho một EU hậu Brexit. (Nguồn: RF) |
Mùa hè thường là khoảng thời gian dành cho các kỳ nghỉ, thư giãn tinh thần nhưng mùa hè năm nay của các nhà chính trị gia EU thật không mấy bình yên. Trong những tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải nỗ lực suy tính, cân nhắc và tranh luận để tìm ra giải pháp cho một EU đang lúng túng trước những yêu cầu mới của công dân châu Âu.
“Công dân sẽ chỉ chấp nhận EU nếu nó có thể đem lại cho họ sự phát triển thịnh vượng", Thủ tướng của Đức Angela Merkel từng nói trong chuyến thăm Warsaw (Ba Lan) hồi cuối tháng Tám.
Có nỗ lực
Lỗi là tại Brexit. Đó là thứ đã đẩy EU vào tình huống khẩn cấp, khiến liên minh này phải sắp xếp và nhìn lại vai trò trung tâm trong khu vực của mình. Những lá phiếu trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh hôm 23/6 là một đòn đau thương với một liên minh vốn từng chỉ biết đến sự mở rộng.
Tại một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 6 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia còn lại đã thề sẽ cải cách, sắp xếp lại EU và hẹn gặp nhau tại Bratislava (Slovakia) vào ngày 16/9. Gần đây, phần lớn những nỗ lực ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhắm vào việc tìm kiếm nền tảng chung cho hội nghị sắp tới.
Và như mọi khi, bà Merkel vẫn luôn dẫn đầu nỗ lực này. Ngày 22/8, nữ Thủ tướng Đức cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã gặp nhau như một “hội nghị thượng đỉnh mini” tại đảo Ventotene, miền trung Italy, nơi có ngôi mộ của Altiero Spinelli, một trong những người được xem là cha đẻ của ý tưởng xây dựng liên minh châu Âu.
Rõ ràng, họ không hề thiếu các ý tưởng. Mới đây, một số nhà nghiên cứu và các quan chức châu Âu cấp cao đã đưa ra một sáng kiến mang tên "đối tác lục địa", bao gồm việc ra quyết định mới biến châu Âu trở thành thị trường duy nhất, trong đó có thể bao gồm Anh cũng như các nước khác ngoại vi châu Âu, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine. Tuy nhiên, những người có quan điểm bảo thủ thì lại đang gạt đi những ý tưởng lớn, chẳng hạn như lực lượng quân đội thường trực của EU hay một cơ quan tình báo toàn châu Âu.
Và chưa có kết quả
Nhưng trong việc đương đầu với Chính phủ Anh nhằm đưa EU tiến phía trước hậu Brexit, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như chả làm được nhiều ngoài những khẩu hiệu. Các cuộc tấn công khủng bố vừa qua tạo động lực cho các cơ quan tình báo ở mỗi quốc gia chia sẻ thông tin với nhau và tăng cường quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol). Bởi vậy, những đề xuất như vậy thật chẳng có gì mới mẻ.
Còn tại Ventotene, bộ ba lãnh đạo Đức – Pháp – Italy kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng, nhưng rất khó cho EU để thành lập ra bất cứ tổ chức hợp tác quốc phòng nào mà có thể sánh ngang tầm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về vấn đề tị nạn, thỏa thuận gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ dường như hạn chế sự thành lập của lực lượng bảo vệ biên giới trên biển mà các quan chức EU vốn kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Trong khi đó, chính phủ các nước Đông Âu thì vẫn kịch liệt phản đối kế hoạch của EU nhằm phân bổ hàng trăm ngàn người tị nạn trên toàn châu Âu. Thậm chí, Thủ tướng Hungary Viktor Orban còn tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu nhằm chống lại kế hoạch di dời người tị nạn này vào ngày 02/10 tới. Rõ ràng các nước Đông Âu đang lo sợ làn sóng người tị nạn sẽ đè nặng lên xã hội và công ăn việc làm của công dân họ.
Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc cắt giảm người tị nạn có nguy cơ bị phá vỡ. (Nguồn: stratfor) |
Mặt khác, những ý tưởng nhằm thúc đẩy hội nhập trong khu vực đồng Euro, từ việc thành lập quỹ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng chung cho đến việc bầu ra một bộ trưởng tài chính duy nhất, dường như không mấy “đơm hoa kết trái”. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã bàn về một kế hoạch giải quyết tình trạng thanh niên thất nghiệp, nhưng hầu hết các công cụ thực thi đều nằm trong tay chính phủ của mỗi quốc gia mà không phải quốc gia nào cũng biết cách xử lý đúng hướng. Đơn cử vừa qua, các cuộc biểu tình dữ dội nổ ra trên khắp nước Pháp khi chính phủ nước này thúc đẩy thông qua các cải cách lao động gây tranh cãi. Ngay cả các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp hay Đức sắp tới cũng gây sức ép thỏa hiệp đến các nhà lãnh đạo.
Trong bối cảnh đó, những cuộc khủng hoảng đã từng được châu Âu chôn vùi trong vài năm qua nay lại tiếp tục nổi lên. Cuộc đàm phán của EU với Hy Lạp trong gói cứu trợ tiếp theo sẽ càng khó khăn. Đàm phán thỏa thuận Minsk cho tiến trình hòa bình Ukraine thì đang trong tình trạng mắc kẹt. Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được mong chờ giữa EU và Mỹ thì bị một quan chức hàng đầu của Đức tuyên bố rằng “trên thực tế đã chết”. Trong khi đó, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc cắt giảm dòng người tị nạn tuy đã được thông qua nhưng những kẻ buôn lậu người vẫn tiếp tục hoành hành và đưa người vượt qua các đảo Hy Lạp một cách nguy hiểm. Thậm chí, Ankara đã đe dọa sẽ hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận về người di cư với EU nếu thỏa thuận miễn thị thực du lịch không được tiến hành vào tháng Mười.
Có thể thấy, Brexit chẳng hề giúp gì cho bất kỳ vấn đề nào trên đây. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như TTIP, nó còn làm cho quá trình đàm phán khó khăn hơn. Cách để đối phó với sự ra đi của một nước lớn với EU là một thử thách hoàn toàn mới. Ý chí nhằm giữ liên minh tồn tại rất mạnh mẽ trong khi những dự đoán về hướng đi tiếp theo của Anh đang bị thổi phồng. Tuy nhiên, quan niệm cho rằng châu Âu sẽ được củng cố trong những giai đoạn khủng hoảng đang dần trở nên lỗi thời.