Hệ thống tên lửa phòng không S-400. (Nguồn: TASS) |
Giây phút những chiếc máy bay Nga đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quân sự Murted tại Ankara đã được Mỹ dự đoán từ lâu. Mỹ từng nhiều lần phản ứng về động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và “cắt” Ankara hoàn toàn ra khỏi các chương trình quân sự của mình, nhất là loại nước này khỏi chuỗi cung ứng của tiêm kích tàng hình F-35.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp hệ thống tên lửa trên hồi mùa Hè năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ mua 4 tiểu đoàn S-400 với giá 2,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua hệ thống phòng không của Nga.
Loại tên lửa chính mà S-400 sử dụng mang số hiệu 48N6. Những tên lửa này có thể bắn trúng các mục tiêu trên không ở tầm bắn 250km và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong bán kính 60km. Chúng sử dụng đầu đạn phân mảnh có sức nổ lớn. Một loại tên lửa khác có số hiệu 77N6 hiện đang trong quá trình thử nghiệm. Khác với các loại tên lửa đất đối không khác của Nga, tên lửa 77N6 sẽ sử dụng công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) giống như tên lửa PAC-3 của hệ thống Patriot và được sử dụng dành riêng cho việc chống các tên lửa đạn đạo. Một loại tên lửa khác mà Nga có thể sử dụng cho S-400 là 40N6, một loại tên lửa tầm xa có thể mở rộng khả năng phòng không của hệ thống lên 400 km. Tuy vậy, 40N6 vẫn chưa rõ ngày triển khai bởi có khả năng radar của S-400 không đủ điều kiện để 40N6 phát huy hết khả năng của mình. Có thể, 40N6 sẽ được áp dụng cho hệ thống phòng không S-500 Prometheus mà Nga đang phát triển. |
Vậy, S-400 là gì? Hệ thống này lợi hại ra sao mà lại khiến Mỹ phải tìm mọi cách ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đồng minh sở hữu nó đến vậy?
Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay, do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Nó là phiên bản cải tiến của S-300, vốn được giới thiệu bởi Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, là câu trả lời cho hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Việc nghiên cứu S-400 bắt đầu từ tháng 1/1990 và mãi đến năm 2007, Nga mới chính thức đưa hệ thống này vào hoạt động.
S-400 (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler), được thiết kế để tiêu diệt khí cụ bay của đối phương bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái trong phạm vi 400 km và tên lửa đạn đạo cách xa 60 km. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5–10 m - đây là điều mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.
So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số: Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).
S-400 bao gồm một số thành phần chính như: một chiếc xe tải dùng để chở và phóng tên lửa hoạt động cùng với các radar riêng biệt, hoạt động cùng lúc ở nhiều tần số khác nhau để tạo độ chính xác cao hơn. Thường thì 1 tiểu đoàn S-400 có khoảng 12 xe phóng với 48 tên lửa tầm xa hoặc rất xa (mỗi xe phóng có 4 tên lửa). 1 tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu ở phạm vi 600 km. Một lữ đoàn tác chiến (gồm 6 tiểu đoàn hợp thành) có thể khóa 36 mục tiêu và điều khiển đồng thời 72 tên lửa tấn công 36 mục tiêu này.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua S-400?
Các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria đã giúp tăng cường sức mạnh cho lực lượng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là lực lượng khủng bố li khai, mối đe dọa tiềm tàng tới an ninh nước này và là vấn đề an ninh hàng đầu của Ankara. Theo các nhà phân tích, đây là nguyên nhân chính khiến niềm tin của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Mỹ ngày càng giảm và vì sao Ankara lại thân với Moscow hơn.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm liền luôn muốn gia cố sức mạnh quân sự bằng cách mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán giữa hai bên đã thất bại và không hợp đồng nào được ký kết. Trong khi đó, NATO đã đặt một hệ thống Patriot trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát năm 2011, nhưng Ankara vẫn khăng khăng muốn sở hữu một hệ thống cho riêng mình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng việc ông quyết định mua hệ thống S-400 của Nga là quyền của Ankara: "Chúng tôi không chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo hòa bình và an ninh quốc gia".
Mặc cho nhận được nhiều lời đe dọa từ phía Tổng thống Trump, nhưng ông Erdogan vẫn luôn kêu gọi Mỹ không nên để việc mua S-400 làm mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ giữa hai quốc gia bị ảnh hưởng.
Vì sao Mỹ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400?
Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu cả F-35 và hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, thì người Nga có thể tiếp cận công nghệ của F-35, nhất là khả năng tàng hình (tránh bị radar phát hiện). Các chuyên gia cho rằng việc có S-400 ở gần F-35 có thể giúp Nga tìm thấy các điểm yếu của máy bay, từ đó phát triển thêm các tính năng phát hiện tiêm kích tàng hình cho radar của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng đặt hàng khoảng 100 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ và gần 1.000 bộ phận của loại phi cơ này được sản xuất bởi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Washington Post, ước tính hệ thống radar trên S-400 chỉ có thể phát hiện F-35 ở khoảng cách 32km, nhưng F-35 được trang bị tên lửa không đối đất với tầm bắn lên tới 64km. Vậy nên, S-400 tạm thời không phải là mối lo ngại đối với F-35.
Tuy nhiên, “cẩn tắc vô áy náy”, ngày 17/7, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nói rằng các máy bay F-35 không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga. Cùng lúc, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen Lord khẳng định, Ankara đang bị “hoãn” tham gia chương trình sản xuất F-35. Tuyên bố này ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có khả năng quay trở lại với F-35, nếu Ankara chịu từ bỏ hợp đồng mua S-400 của Nga. Ngoài ra, toàn bộ quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chương trình F-35 sẽ rời khỏi Mỹ vào cuối tháng Bảy. Hiệu lực thi hành quyết định để Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng tham gia chương trình F-35 sẽ kéo dài tới tháng 3/2020.
Giữa tình hình căng thẳng, Tổng thống Trump, từng nhiều lần lên tiếng “bảo vệ” người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng ông Erdogan buộc phải mua hệ thống của Nga bởi chính quyền Tổng thống Barack Obama không thể bán cho Ankara hệ thống phòng thủ do người Mỹ chế tạo.
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia khác từng mua vũ khí công nghệ của Mỹ cũng nhiều lần tỏ rõ ý định muốn mua S-400. Tuần vừa qua, chính phủ Ấn Độ khẳng định sẽ mua S-400. Quốc vụ khanh Shripad Naik nêu rõ: "Một hợp đồng đã được ký kết vào ngày 5/10/2018 về việc chuyển giao các hệ thống S-400 từ Nga. Việc chuyển giao có khả năng sẽ được hoàn tất trước tháng 4/2023". Qatar, một đồng minh khác của Mỹ, cũng cho biết họ đang tìm cách mua S-400. Đương nhiên, tất cả những quốc gia này đều nhận được “cái lắc đầu ngao ngán” từ phía Mỹ.
Hiện tại Nga đang triển khai 39 tiểu đoàn S-400 thuộc 19 trung đoàn tại nhiều địa điểm khác nhau tại Nga (khoảng 329 xe phóng tên lửa). Ngoài ra, Belarus đang sở hữu 2 hệ thống S-400 do Nga tặng. Trung Quốc tháng 11/2014 ký hợp đồng mua 6 tổ hợp phòng không S-400 của Nga với trị giá hơn 3 tỷ USD, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua loại vũ khí này. Saudi Arabia đã ký hợp đồng mua S-400 trị giá 3 tỷ USD với Nga từ hồi tháng 10/2017 trong chuyến thăm của Quốc Vương Salman tới Nga, tuy nhiên thương vụ này đã đổ vỡ. Ngày 19/7, nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin thông báo đã trúng thầu thương vụ trị giá gần 1,5 tỷ USD xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD cho Saudi Arabia. Ngoài ra, Iraq và Iran cũng đang trong quá trình đàm phán với Nga để mua S-400 nhằm tăng cường hệ thống quân sự. Iran hiện đang sở hữu hệ thống S-300. |