Nhỏ Bình thường Lớn

Học thuyết Obama

Nước Mỹ đã bước vào cuộc đua tranh chức Tổng thống nhiệm kỳ tới, điều đó cũng có nghĩa Tổng thống đương nhiệm Barack Obama chuẩn bị rời nhiệm sở sau khi tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp. Đây là thời điểm đủ để đưa ra những đánh giá về quá trình nắm giữ vị trí lãnh đạo cường quốc số một của ông Obama.

Học thuyết Obama

Nước Mỹ đã bước vào cuộc đua tranh chức Tổng thống nhiệm kỳ tới, điều đó cũng có nghĩa Tổng thống đương nhiệm Barack Obama chuẩn bị rời nhiệm sở sau khi tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp. Đây là thời điểm đủ để đưa ra những đánh giá về quá trình nắm giữ vị trí lãnh đạo cường quốc số một của ông Obama.

Mới đây, trang mạng The Atlantic đã xuất bản bài viết của tác giả Jeffrey Goldberg có tựa đề “Học thuyết Obama” (The Obama Doctrine), dài 20.000 từ, dựa trên các cuộc phỏng vấn độc quyền với Tổng thống. Bài viết đã mô tả quan điểm của ông Barack Obama về Trung Đông, việc áp dụng sức mạnh của Mỹ, cách nhìn nhận về các nhà lãnh đạo thế giới và rất nhiều vấn đề khác. Bài viết rất đáng để đọc. Tuy nhiên nếu bạn không có thời gian thì đây là những điểm chính của bài viết theo tổng hợp của Tạp chí Newsweek.

hoc thuyet obama

Về bà Hillary Clinton

Ông Obama đã giận dữ với bà Clinton vào năm 2014 khi bà chỉ trích Tổng thống rằng: Nhiệm vụ đầu tiên của một tổng thống Mỹ trên trường quốc tế sau thời Bush là “Đừng làm những điều ngu ngốc”. Theo đó, sự dè dặt của ông Obama đã gây thất vọng cho Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) và những người khác trong Hội đồng an ninh quốc gia, những người luôn mong muốn Chính phủ hành động.

Bà Hillary Clinton, khi còn là Ngoại trưởng, đã ủng hộ phản ứng sớm và quyết đoán với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad. Năm 2014, khi đã rời nhiệm sở, bà Clinton nhận định "sự thất bại trong việc xây dựng một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy của những người đối kháng chống lại Assad đã để lại khoảng trống lớn, tạo điều kiện cho các phần tử thánh chiến nổi dậy".

Khi The Atlantic đăng tuyên bố này, đồng thời công bố đánh giá của bà Clinton rằng "các nước lớn cần định hình lại các nguyên tắc” và tuyên bố “Đừng làm những điều ngu ngốc” không phải là một nguyên tắc tổ chức” thì ông Obama hết sức tức giận. Tổng thống cho rằng cuộc tấn công Iraq đã cho những người thuộc đảng Dân chủ như bà Clinton, người đã bỏ phiếu ủng hộ, thấy sự nguy hiểm của việc làm những trò ngu ngốc là như thế nào. Sau này, bà Clinton đã xin lỗi ông Obama.

Ngoài ra, hai người cũng mâu thuẫn trên một số vấn đề khác như việc can thiệp vào Lybia. Trong khi ông Obama muốn đứng ngoài thì bà Clinton lại muốn can thiệp sâu. Trong chính sách liên quan đến Trung Quốc, hai người cũng có khác biệt. Bà Clinton đã từng bộc bạch (tuy không phải là thông tin chính thức) rằng bà không muốn con cháu của người Mỹ sống trong một thế giới do người Trung Quốc thống trị. Tuy nhiên, ông Obama lại nghĩ khác. "Tôi đã rất rõ ràng khi nói rằng chúng ta có nhiều lo ngại về một nước Trung Quốc suy yếu hơn là một Trung Quốc thành công", ông Obama nói.

Đồng thời, ông cho rằng: "Chúng ta phải cương quyết khi các hành động của Trung Quốc đang phá hoại các lợi ích quốc tế. Nếu bạn nhìn vào cách chúng tôi đã hành động trong vùng Biển Đông, có thể thấy chúng tôi đã có thể huy động nhiều nhất các nước ở châu Á để cô lập Trung Quốc theo cách khiến Trung Quốc phải bất ngờ. Nói một cách thẳng thắn, điều đó đã góp phần phục vụ lợi ích của chúng ta trong việc tăng cường các liên minh".

Với các cố vấn khác

Thậm chí Ngoại trưởng đương nhiệm John Kerry không phải lúc nào cũng được biết các ý định của Tổng thống. Khi ông Obama thay đổi lập trường về việc tấn công Syria vào năm 2014, ông Kerry không hề biết ý định này.

Quyết định của ông Obama cũng gây chấn động khắp Washington. John McCain và Lindsey Graham, hai nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đã gặp Obama tại Nhà Trắng và tỏ rõ sự tức giận. Cả Chuck Hagel, Bộ trưởng quốc phòng lẫn Ngoại trưởng John Kerry đều không ở trong phòng Bầu dục khi Tổng thống thông báo quyết định. Chỉ đến buổi tối hôm đó, ông Kerry mới biết về các thay đổi đó. "Tôi đã bị bỏ qua", ông Kerry thổ lộ.

Về việc hình thành chính sách đối ngoại

Tổng thống Obama không để ý nhiều đến việc hình thành chính sách ngoại giao của Washington. Ông cơ bản không ủng hộ việc củng cố chính sách đối ngoại bằng loại tín nhiệm mua bằng vũ lực. Ông chỉ ra, việc cố giành được tín nhiệm đã dẫn đến chiến tranh ở Việt Nam trước đây. Ông cho rằng "ném bom vào một ai đó để chứng minh rằng bạn sẵn sàng ném bom vào một người khác nữa là lý do tồi tệ nhất cho việc sử dụng vũ lực".

"Nếu bạn nhìn vào cách chúng tôi đã hành động trong vùng Biển Đông, có thể thấy chúng tôi đã có thể huy động nhiều nhất các nước ở châu Á để cô lập Trung Quốc theo cách khiến Trung Quốc phải bất ngờ".

Về các nhà lãnh đạo thế giới khác

Ông Obama cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo lịch sự nhưng yếu ớt. “Sự thật là, trên thực tế, ông Putin, trong tất cả các cuộc họp của chúng tôi, rất cẩn trọng, lịch sự và thẳng thắn. Các cuộc họp của chúng tôi rất thực tế”. Tổng thống Obama nói Tổng thống Putin tin rằng quan hệ của Nga với Mỹ có tầm quan trọng lớn hơn so với suy nghĩ của người Mỹ về mối quan hệ này. Ông Putin hiểu rằng vị trí tổng thể của Nga trên thế giới đang giảm đi đáng kể. Và thực tế việc Nga làm ở Crimea hoặc đang cố gắng chống đỡ cho ông Assad không đột nhiên làm cho Nga trở lên mạnh hơn. Ông Putin không thể xuất hiện trong bất kỳ của các cuộc họp nào gần đây giúp định hình chương trình nghị sự. Vì lý do đó, sẽ không có một cuộc họp G20 nơi người Nga đưa ra chương trình làm việc.

Tổng thống Obama không phải là một fan của Arab Saudi. Ông đổ lỗi cho họ về việc cực đoan hoá Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Mặc dù lập luận rằng cuộc xung đột ở Trung Đông có nguồn gốc từ hàng ngàn năm, ông cũng tin rằng sự giận dữ của người Hồi giáo tăng lên mấy năm gần đây đã được khuyến khích bởi các nước được coi là bạn của Mỹ. Trong cuộc họp bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với ông Malcolm Turnbull, Thủ tướng Australia, ông Obama đã mô tả sự quan sát của ông về Indonesia đã dần dần chuyển từ một quốc gia Hồi giáo khoan dung sang một hình thức cực đoan hơn, khi số lượng phụ nữ Indonesia áp dụng luật sử dụng khăn trùm đầu ngày càng tăng.

Tại sao điều này xảy ra? Turnbull hỏi. Ông Obama trả lời, là do Arab Saudi và người Arab vùng Vịnh đã đổ tiền bạc và một số lượng lớn các giáo viên vào Indonesia, giảng dạy và tuyên truyền các giáo lý Hồi giáo mạnh hơn. So với thời ông sống ở đây, Obama cho rằng Indonesia bây giờ theo xu hướng Hồi giáo Arab hơn trước.

"Arab không phải là bạn ông sao?", ông Turnbull hỏi. Tổng thống Obama mỉm cười. "Nó phức tạp lắm".

Quan tâm đến môi trường

Trong một cuộc trò chuyện khác, tác giả đã đề nghị Tổng thống mô tả các mối đe dọa ông lo ngại nhất, khi ông chuẩn bị bàn giao cho người kế nhiệm. Tổng thống đã nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nói: "Như tôi đã khảo sát, trong 20 năm tới, biến đổi khí hậu làm tôi lo ngại sâu sắc vì những tác động mà nó gây ra trên tất cả các vấn đề khác mà chúng ta phải đối mặt. Nếu bạn bắt đầu thấy hạn hán trầm trọng hơn, nạn đói phổ biến hơn, nhiều người mất nhà cửa ở khu vực ven tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực ven biển ở châu Phi và châu Á, vấn đề người tị nạn, nghèo đói, bệnh tật… nảy sinh nhiều hơn… đó chính là một phần hệ quả của biến đổi khí hậu”.

Di sản của Reagan

Khi nói đến những hành động quân sự của Tổng thống Reagan, người ta nhớ đến các vụ Grenada, hay vụ Iran - Contra hay chính sách với Nicaragua… Thế nhưng, nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh của nước Mỹ của người tiền nhiệm không được ông Obama đánh giá cao. Theo vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ, thành công đáng kể nhất của ông Reagan là nhận ra cơ hội mà Gorbachev tạo ra để can dự bằng các hoạt động ngoại giao nhằm đạt được mục đích của nước Mỹ. Nó cũng cho thấy cách một số người hiện đang thúc đẩy quan điểm cho rằng Mỹ nên đi ném bom các nước là không phù hợp.

Phán xét những điều Tổng thống chưa làm

Trong khi nhiều chính khách ở Mỹ vẫn coi việc can thiệp mạnh vào Trung Đông là chính sách cơ bản của nước này thì dường như trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã có một quan điểm khác. Theo đó, việc tiếp tục can dự mạnh mẽ vào Trung Đông sẽ làm tổn hại nền kinh tế, suy giảm khả năng Mỹ tìm kiếm các cơ hội cũng như đối phó với nhiều mối đe dọa khác và điều quan trọng nhất là sẽ làm tổn hại đến sinh mạng của binh sĩ vì những nguyên nhân không trực tiếp liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Chính vì vậy, ông Obama đã đặt cược rằng việc can thiệp trực tiếp vào Syria sẽ khiến nước Mỹ phải trả giá cao hơn nhiều so với việc không can thiệp. Tại thời điểm này, cuộc chiến ở Syria, nơi đang chứng kiến sự hỗn loạn ở mức độ ngày càng lớn hơn, đặt ra thách thức trực tiếp nhất đến thế giới quan của Tổng thống Obama.

Tổng thống George W. Bush có thể được ví như là một con bạc. Ông được nhớ đến vì những điều đã làm trong canh bạc ở Trung Đông. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama cũng là một con bạc. Nhưng ngược lại, ông sẽ được đánh giá theo những điều ông đã không làm trong canh bạc này.

Đ.H (lược dịch)