Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi HĐBA ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức, ngày 10/5. (Nguồn: AFP) |
Với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng, tại cuộc họp khẩn đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine ngày 10/5, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ.
Nghị quyết của LHQ đồng thời tuyên bố rằng Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ, khuyến nghị HĐBA ủng hộ tiến trình này.
Ý nghĩa lớn
Dù không đưa lại tư cách thành viên tức thì cho Palestine, song việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine. Theo đó, Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng vào tháng Chín tới, như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm các nước; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do vẫn chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của LHQ như HĐBA hay Hội đồng Kinh tế và xã hội (ECOSOC).
Vấn đề tư cách thành viên của Palestine đã kéo dài hàng thập kỷ. Theo Hiến chương LHQ, việc kết nạp các thành viên mới phải do Đại hội đồng quyết định, căn cứ theo một nghị quyết được đề nghị bởi HĐBA, thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ, không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Thành viên gia nhập cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên Đại hội đồng LHQ mới trở thành thành viên chính thức.
Rào cản và sự ủng hộ
Trong suốt năm thập kỷ qua, Palestine chưa một lần vượt qua “cửa ải” này vì luôn luôn bị ít nhất một thành viên thường trực HĐBA LHQ phủ quyết. Đó chính là Mỹ, đồng minh chiến lược quan trọng bậc nhất của Israel. Mới đây nhất, ngày 18/4, Mỹ dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn nghị quyết của HĐBA ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ. Washington luôn thận trọng bảo vệ các lợi ích của Israel nên đã nhiều lần vô hiệu hóa các động thái hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine.
Không chỉ ngăn cản Palestine trở thành thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, mới tháng trước, Mỹ phủ quyết một nghị quyết do Algeria bảo trợ nhằm tìm kiếm sự công nhận Palestine như một nhà nước thực thụ. Washington lập luận rằng một nhà nước Palestine chỉ có thể hình thành từ “một thỏa thuận hòa bình toàn diện”, được thực hiện “thông qua giải pháp hai nhà nước với an ninh của Israel được bảo đảm”.
Trong khi đó, làn sóng ủng hộ người Palestine và phản đối Israel đang lan rộng. Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh quốc gia Tây Ban Nha RNE ngày 9/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, xác nhận thông tin rằng Tây Ban Nha, Ireland và một số quốc gia EU khác công nhận nhà nước Palestine trong tháng này.
Bên cạnh đó, hàng loạt cuộc tuần hành, biểu tình, phản đối, tẩy chay Israel, ủng hộ người Palestine diễn ra khắp nơi, từ khu vực người Arab, người Hồi giáo và bắt đầu lan rộng ra các quốc gia khác như Nhật Bản, Thụy Điển và ngay cả trong lòng nước Mỹ. Nam Phi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ… thống nhất cùng nhau khởi kiện Israel ra Tòa Công lý quốc tế (ICJ) vì những hành động tại Dải Gaza.
Quyết tâm của Tel Aviv
Trong bối cảnh sự ủng hộ Palestine đang lên cao, Israel đã ban bố lệnh sơ tán mới tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza để mở rộng hoạt động quân sự sâu hơn vào nơi trú ngụ cuối cùng của người dân Gaza, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ quốc tế và ngay cả đồng minh thân cận Mỹ. Sự quyết tâm của Tel Aviv đã khiến đồng minh Mỹ cũng có vẻ không hài lòng. Washington phải quyết định hoãn gửi tới Israel lô đạn pháo do lo ngại Tel Aviv sẽ dùng để tấn công vào Rafah.
Sau lệnh sơ tán và cảnh báo của Israel, hơn 400.000 người đã phải tháo chạy khỏi Gaza. Farid Abu Eida, người đang chuẩn bị rời Rafah cho biết: “Chúng tôi không biết phải đi đâu nữa. Không còn nơi nào ở Gaza an toàn...”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đăng trên mạng xã hội rằng, dân thường Rafah được lệnh đến “các khu vực không an toàn” và tố cáo điều đó là “không thể chấp nhận được”.
Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố, việc Israel tấn công Rafah, nơi tập trung phần lớn người dân Dải Gaza, thảm họa lớn nhất trong lịch sử của người dân Palestine sẽ xảy ra. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng khẳng định, Gaza sẽ đối mặt với “thảm họa nhân đạo kinh hoàng” khi Israel tấn công vào khu vực trú ẩn cuối cùng này của người Palestine...
Như vậy, bất chấp việc LHQ thông qua nghị quyết và làn sóng ủng hộ Palestine đang lan rộng, xung đột tại Dải Gaza càng làm hiện rõ những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng của khu vực này, cũng như toan tính chiến lược của các bên liên quan, trong đó có Mỹ. Điều đó khiến cho giải pháp hai nhà nước cho đến nay chưa thể trở thành hiện thực, ngăn cản Palestine trở thành thành viên LHQ, khiến xung đột ở Dải Gaza kéo dài không hồi kết và thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở vùng đất này.