Ngày 7/7, Haiti, quốc gia nhỏ bé ở vùng Caribbean đã trải qua một cơn sốc nặng khi Tổng thống Jovenel Moise (53 tuổi) bị ám sát tại tư gia.
Theo giới chức Haiti, thủ phạm là một nhóm “biệt kích nước ngoài” đã giả dạng thành các đặc vụ của Lực lượng Chống Ma túy Mỹ (DEA). Đệ nhất phu nhân Martine Moise cũng bị thương nặng và đã được đưa đến bang Florida (Mỹ) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise. (Nguồn: NY Times) |
Ông Moise đã vướng phải nhiều chỉ trích và đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt. Theo đó, phe đối lập cáo buộc vị tổng thống “tham quyền cố vị” - do ông vẫn tiếp tục cầm quyền trong bối cảnh đất nước không thể tổ chức bầu cử trong suốt 2 năm, dẫn đến việc Quốc hội nước này bị giải tán.
Các nhà lãnh đạo đối lập đã nhiều lần yêu cầu ông Moise từ chức, đồng thời, người dân cũng tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình chống lại ông trong những năm gần đây.
Hồi tháng Hai, ông Moise thông báo về việc bắt giữ 23 người, trong đó có một cựu ứng viên tổng thống, một thanh tra cảnh sát cấp cao và một thẩm phán Tòa tối cao. Ông Moise cáo buộc những người này có âm mưu đảo chính và ám sát tổng thống.
Xuất thân bình thường
Ông Jovenel Moise sinh ngày 26/6/1968 trong một gia đình trung lưu ở thành phố Trou-du-Nord. Cha ông là một thương gia, còn mẹ là một thợ may.
Năm lên 6 tuổi, gia đình ông chuyển tới thủ đô Port-au-Prince sinh sống. Tại đây, ông Moise đã tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Quisqueya, nơi ông gặp người bạn đời của mình.
Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu kinh doanh phụ tùng ô tô và sở hữu một nông trại chuối rộng hơn 10 ha.
Năm 2001, hợp tác với Culligan, ông đã khởi động một công trình phân phối nước uống cho các khu vực Tây Bắc và Đông Bắc nước này.
Năm 2004, ông được nhận vào làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp của vùng Tây Bắc. Không lâu sau, ông được bầu làm chủ tịch và giữ chức Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Haiti. Ông đã rất nỗ lực trong việc giới thiệu năng lượng mặt trời đến với quốc gia này, cũng như giúp Haiti có được nhiều dự án nông nghiệp sáng tạo, giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Năm 2015, ông Moise bỗng dưng trở nên nổi tiếng trên chính trường Haiti, tổng thống bấy giờ là ông Michel Martelly chỉ định ông trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Tet Kale (PHTK) cầm quyền tại nước này. Quyết định này bị nhận nhiều chỉ trích, do khi đó ông Moise không có chút kinh nghiệm chính trị nào.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong nước nhận định, ông Moise có cơ hội chiến thắng cao do đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy ngành nông nghiệp.
Sau đó, tại cuộc bầu cử Tổng thống Haiti diễn ra vào ngày 20/11/2016, ông Moise đã giành chiến thắng. Đó cũng là lúc nhiều người đặt câu hỏi về chiến thắng của ông.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Pháp năm 2017. (Nguồn: Reuters) |
Nhiệm kỳ nhiều tranh cãi
Sau khi đắc cử, ông Moise bị cáo buộc hành xử ngày càng giống một "kẻ độc tài" tìm cách củng cố quyền lực, dù ông liên tục phủ nhận. Ông bị phe đối lập đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất trong lịch sử một quốc gia cũng không mấy yên bình.
Các nhà lãnh đạo đối lập đã cáo buộc ông tìm cách gia tăng quyền lực, bao gồm việc thông qua một sắc lệnh hạn chế quyền hạn của các tòa án và thành lập một cơ quan tình báo riêng của tổng thống.
Năm 2017, Thượng viện Haiti đã ra một báo cáo cáo buộc ông biển thủ ít nhất 700.000 USD từ một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng có tên PetroCaribe. Năm 2019, các cuộc biểu tình yêu cầu cách chức ông Moise nổ ra và liên tục được tổ chức sau đó. Phần lớn người tham gia biểu tình đến từ vùng nghèo nhất và cáo buộc chính phủ của ông không cung cấp cho người dân những nhu cầu thiết yếu.
Đã có nhiều tranh cãi về việc ông Jovenel Moise tiếp tục nắm quyền tổng thống trong năm nay. Trong khi đó Mỹ, Liên hợp quốc và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ủng hộ ông Moise tiếp tục cầm quyền năm thứ 5 liên tiếp, đến năm 2022.
Tuy nhiên, phe đối lập, vốn cáo buộc ông Moise tham nhũng và làm mất an ninh trong nước, lập luận rằng, nhiệm kỳ của ông đúng ra đã kết thúc vào ngày 7/2 do một điều khoản trong hiến pháp, bắt đầu tính nhiệm kỳ sau khi tổng thống đắc cử, chứ không phải sau khi ông nhậm chức.
Bản thân ông Moise tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử, song sẽ không từ nhiệm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022. Ông cũng đẩy mạnh các kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp vào tháng 4/2021.
Hồi tháng 2, ông Moise đã từng cảnh báo rằng, ông là mục tiêu của một vụ ám sát bất thành, sau khi ông ra lệnh bắt 23 đối thủ chính trị, trong đó có một thẩm phán tối cao.
Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đã đưa Haiti, quốc gia vốn luôn chìm trong khó khăn và hỗn loạn, giờ đây lại phải đối mặt với tương lai bất định.
Các nhà chức trách tư pháp Haiti hôm 9/7 cho biết, các thành viên chủ chốt của nhóm biệt kích bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise đã ở nước này khoảng 3 tháng. Lực lượng chức năng phát hiện thi thể của ông Moise có tổng cộng 12 vết đạn ở vùng đầu, ngực, mông và bụng. Các con của ông may mắn thoát chết. Trong cuộc họp báo tối 8/7 tại Port-au-Prince, Tư lệnh cảnh sát quốc gia Haiti Leon Charles cho biết, họ đã bắt giữ 17 nghi phạm ám sát Tổng thống Moise, bao gồm 15 người Colombia và 2 công dân Mỹ. Hai công dân Mỹ gốc Haiti được xác định danh tính là James Solages, 35 tuổi và Joseph Vincent, 55 tuổi. Trong khi đó, một số nghi phạm người Colombia là cựu quân nhân. |