📞

Kế hoạch B cho Syria

09:11 | 06/03/2016
Không chỉ có Mỹ mà các quốc gia liên quan khác đã tính đến kế hoạch B ở chiến trường Trung Đông này.
Các nước ISSG đưa ra thông báo về lệnh ngừng bắn ở Syria ngày 11/2. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Thỏa thuận ngừng bắn Syria được các cường quốc thế giới thông qua ngày 12/2 tại Munich (Đức). 17 quốc gia thuộc Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG) ký vào thỏa thuận này đã thống nhất thành lập một đường dây nóng phục vụ công tác phối hợp thực thi lệnh ngừng bắn ở căn cứ hàng không Hmeinim, nơi lực lượng không quân Nga sử dụng để tiến hành các chiến dịch ở Syria. Đường dây nóng này sẽ được vận hành bởi quân đội Nga và được xem là phương tiện hỗ trợ hàng đầu cho các bên tham chiến ở Syria để tránh những cuộc đối đầu bất ngờ và giúp làm giảm đi tình hình leo thang căng thẳng phòng trường hợp có bạo động nổ ra.

Tưởng chừng vấn đề Syria đã ổn định, ngày 23/2, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry bất ngờ tuyên bố: Washington có “kế hoạch B” trong trường hợp lệnh ngừng bắn tại Syria thất bại và quá trình chuyển tiếp chính trị không diễn ra ở quốc gia Trung Đông này. Và đương nhiên không phải chỉ có họ mới có "lá bài úp" trong cuộc chơi này. 

Kế hoạch "hành lang người Kurd"

Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cân nhắc mục tiêu hàng đầu là thiết lập "hành lang Kurdish". Kế hoạch này nhằm vào những vùng bị chia tách ở Syria, Iraq và đặc biệt là vùng lãnh thổ phía Bắc Iran. Nhà phân tích an ninh người Pakistan Major Agha H.Amin đã lưu ý rằng mục tiêu lâu dài của chiến lược này là tiến tới thành lập một vành đai ở khu vực gần Địa Trung Hải - nơi có mật độ xung đột thấp, dồi dào tài nguyên thiên nhiên và nằm gần mạn Tây Nam nước Nga - là nơi Moscow khó phòng thủ.

Do đó, Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã được triển khai tới hỗ trợ Đơn vị Tự vệ Nhân dân người Kurd ở Syria (YPG). Cho dù YPG chưa chính thức kêu gọi thành lập nhà nước của người Kurd trên lãnh thổ Syria, bản thân chính phủ Syria cũng đã nhượng bộ đáng kể cho nhóm này như cho phép họ sở hữu một vùng lãnh thổ tự quyết. YPG được biết đến là đồng minh truyền thống của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng luôn bị Thổ Nhĩ Kì và hầu hết các thành viên của NATO coi là một tổ chức khủng bố.

Lo sợ của Ankara 

Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tiếp tục ủng hộ chiến lược lâu dài của khối quân sự này đối với kế hoạch tạo lập hành lang người Kurd ở Iraq. Chiến lược tổng quát của NATO và Ankara đều đồng tình nhất trí miễn là hành lang Kurd không lấn sang lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc vùng lãnh thổ của Syria dọc phía Bắc, và đặc biệt là phía Tây Nam biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara lo sợ rằng sự xuất hiện của những vùng bán tự trị và vùng tự trị của người Kurd ở Syria sẽ dẫn đến sự mất ổn định cho miền Đông nước này cũng như là giúp PKK phát triển. Chính yếu tố này đã dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây bắn pháo vào một số vị trí của YPG ở Syria cũng như tiến hành nhiều sự trừng trị thẳng tay đối với PKK. Kế hoạch B của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ liên quan đến sự tiếp tục hỗ trợ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Al-Nusrah và cả nhóm phiến quân Turkmen ở  Tây Bắc Syria.

Vùng đệm cản bước

Nhận thức được chiến lược lâu dài của  NATO, Nga đã ủng hộ PKK từ giữa những năm 1980. Đảng này cũng nhận được sự ủng hộ của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) Venezuela cũng như Đảng Cộng sản Cuba. Điều đó cho thấy NATO không phải là tổ chức đầu tiên và duy nhất sáng sáng lập hay sử dụng nguyên tắc ủy thác trong chiến lược cạnh tranh.

Các nhà phân tích ở Moscow đã cân nhắc việc PKK có thể tạo ra "vùng đệm" ngăn cản sự bành trướng của NATO lại gần biên giới nước Nga. Điều này dẫn đến việc Moscow chỉ trích mạnh mẽ hành động gây bất lợi cho PKK của Ankara cũng như những cuộc pháo kích vào các vị trí của YPG ở Syria. YPG đang ở vị trí có thể thương lượng thoải mái với Damascus, Moscow và với Washingtion. Trớ trêu thay, đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ - nước Mỹ, đã cùng với Nga cân nhắc đến việc gây chia rẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ như là một phần vững chắc của kế hoạch B. 

Israel "tàng hình"

Trong khi cả thế giới đang tập trung vào cuộc chiến tranh diễn ra ở Syria và các nước ISSG, Israel hầu như tàng hình trước radar của truyền thông quốc tế. Kể từ năm 2011, Israel đã tăng cường nỗ lực để gây bất ổn ở khu vực Syria bằng cách hỗ trợ Quân đội Syria Tự do (FSA),  nhóm Jabhat Al-Nusrah và một số nhóm khác từ vùng lãnh thổ Syria mà nước này chiếm đóng - cao nguyên Golan.

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, Israel tuyên bố rằng họ có ý định thôn tính vĩnh viễn cao nguyên Golan. Tuy nhiên, ý định này đã không được các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thuận. Israel đã thi hành truyền bá luật học Israel, văn hóa và ngôn ngữ và nền giáo dục của Israel ở Golan.

Sự hợp tác của Israel với nhóm Jabhat Al-nusrah và những cuộc nổi dậy ở Golan đã dẫn đến sự rút lui của Lực lượng Quan sát viên Không can dự Liên hợp quốc (UNDOF) ở khu vực này. Nơi đây trở thành địa điểm để quân đội và tình báo Israel tự do tương tác với các nhóm nổi dậy.

Người Syria tại Golan đã bị thay thế bằng lực lượng nổi dậy với phần lớn binh lính là người nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra nhiều thách thức cho nhóm Hezbollah và giúp cho nhóm Jabhat Al-Busrah có thể thâm nhập vào thung lũng Bekaa của Lebanon. Sự chiếm đóng thường trực của quân đội Israel ở Golan đang cho thấy “sự thất bại” của UNDOF cũng như cách vận dụng hiệu quả vỏ bọc “cuộc chiến chống khủng bố” của Israel. 

"Quan ngại" của Iran

Tất cả những điều đã nói ở trên hối thúc Iran bảo vệ “một nhà nước Syria” - nhưng không nhất thiết là nhà nước như hiện nay. Mỗi một chính phủ quốc gia đều hoạt động dựa trên cơ sở lợi ích an ninh quốc gia. Mục tiêu chiến lược chính của Tehran ở Trung Đông là duy trì một nhà nước Syria và một nhà nước Iraq với hệ thống chính phủ có thể đảm bảo một "hành lang người Iran" ở Địa Trung Hải. Tehran cũng quan ngại về một nhà nước của người Kurd - do NATO hậu thuaẫn, sẽ thống trị ở miền Bắc Iraq. Gần đây Iran đang cố gắng đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn từ phía hành lang Kurd bằng cách cải thiện quan hệ với Washington cũng như tiến hành các hoạt động quân sự ở Syria và Iraq.

(theo Global Research)