Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 28/1. (Nguồn: AP) |
Điểm mấu chốt trong khía cạnh chính trị của Kế hoạch Hòa bình Trung Đông dày 80 trang - được ví von là "Thoả thuận thế kỷ" - là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine: Nhà nước Palestine sẽ được thành lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, với nhiều điều kiện nghiêm ngặt kèm theo, trong khi đó Jerusalem vẫn là thủ đô “không thể tách rời của Israel”.
Theo Tổng thống Donald Trump, điều kiện trên chỉ được thực hiện một khi nhà nước Palestine tương lai cam kết “phi quân sự hóa” và công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ chiếm đóng. Ông chủ Nhà Trắng cũng vẽ ra một viễn cảnh về “bình minh mới”, với khoản đầu tư 50 tỷ USD nhằm khôi phục nền kinh tế của Palestine.
Hai người cười, một kẻ khóc
Có 5 điểm đáng chú ý liên quan đến Kế hoạch này:
Thứ nhất, Kế hoạch đã khai tử Tiến trình Oslo: Hai Hiệp ước Hòa bình Oslo năm 1993 và 1995 từng được coi là khoảnh khắc lịch sử khi lần đầu tiên người Palestine công nhận nhà nước Israel, còn người Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đại diện cho người dân Palestine. Tuy nhiên, rạn nứt, đối đầu và căng thẳng, bạo lực trong quan hệ ngay sau đó, cùng Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mới của Mỹ nhằm thiết lập một cục diện mới tại đây khiến tương lai của Hiệp ước Hòa bình Oslo mờ mịt hơn bao giờ hết.
Thứ hai, ngay từ đầu, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, mà tác giả chính là con rể của Tổng thống Trump, được thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Nó lại vừa được công bố trong bối cảnh ông Trump đang vướng vào tiến trình luận tội và chỉ còn 9 tháng nữa là tới kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020. Do đó, Kế hoạch này còn được cho là nhằm ít nhiều đánh lạc hướng dư luận khỏi tiến trình luận tội, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái, với tiềm lực tài chính và tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở nước Mỹ.
Thứ ba, với Kế hoạch này, ông Donald Trump đã tạo ra một "khuôn khổ hoà bình Trung Đông" mà các đời Tổng thống sau khó có thể thay đổi. Mỹ đã tiến quá xa theo hướng thiên vị Israel. Theo Mỹ, Palestine cần phi quân sự hóa và công nhận chủ quyền Israel đối với các khu định cư trên lãnh thổ chiếm đóng, chỉ để đối lấy chủ quyền hạn chế với Đông Jerusalem, thánh địa của họ. Lập trường này sẽ khiến Mỹ khó nối lại quan hệ bình thường với Palestine, nhân tố then chốt trong triển khai thỏa thuận thế kỷ của ông Donald Trump. Đảo ngược Kế hoạch khi ấy sẽ đồng nghĩa với kéo lùi quan hệ Mỹ - Israel, trụ cột trong chính sách đối ngoại của Washington.
Thứ tư, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông là trái đắng của Palestine. Người Palestine đang bị dồn vào chân tường và thỏa thuận thế kỷ giống dự thảo đầu hàng hơn là thỏa thuận bình đẳng. Chấp nhận kế hoạch, số phận của họ sẽ nằm trong tay Mỹ và Israel. Phủ quyết, Palestine vẫn phải đối mặt với các cuộc tấn công từ Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chọn phương án thứ hai, khi từ chối đề xuất của Mỹ và khẳng định hy vọng của người Palestine không phải để bán.
Thứ năm, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông là chiến thắng của Israel nói chung và ông Benjamin Netanyahu nói riêng, khi mang lại nhiều điều khoản vô cùng có lợi cho Tel Aviv, đồng thời củng cố vị thế của đương kim Thủ tướng trước những sóng gió trên chính trường trong nước. Thêm vào đó, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông đã tạo lợi thế Israel trong những cuộc đàm phán tương lai với Palestine, khi Israel rồi sẽ chỉ chấp nhận những điều kiện mà vốn đã được Mỹ "đảm bảo" trong Kế hoạch Hoà bình vừa được công bố.
Chiến sự tại khu vực dải Gaza đang tiếp diễn và nhiều khả năng sẽ leo thang sau khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông. (Nguồn: Getty Images) |
Khi “kế hoạch hòa bình” châm ngòi xung đột
Xét những yếu tố kể trên, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, thực ra không thể thực hiện được trên thực tế bởi sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở lực lớn. Đầu tiên là sự phản kháng mạnh mẽ và quyết liệt của Palestine, nhân tố then chốt trong thực thi thỏa thuận, hay thái độ từ thế giới Arab, đặc biệt là Saudi Arabia, đồng minh thân thiết của Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump chỉ còn 9 tháng tại nhiệm và chừng đó là quá ít để vượt qua trở lực, triển khai thỏa thuận được cho là mang tầm cỡ thế kỷ này. Thời gian còn lại của ông Netanyahu cũng không nhiều, khi ông vừa chính thức bị tòa án truy tố về tham nhũng, nhận hối lộ và gian dối vào ngày 28/1 và chỉ còn hơn một tháng là tới bầu cử tại Israel.
Như vậy, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có xu hướng vị kỷ hơn là một thỏa thuận thế kỷ và nếu được triển khai, chỉ có thể đổ thêm dầu vào lửa, thổi bùng căng thẳng Israel – Palestine vốn đã rất “nóng”, trong một khu vực Trung Đông, luôn được coi là "chảo lửa" của xung đột.