Khi hai người cùng có cái tên Boris trong giới chính trị EU, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov, gặp nhau năm 2017 tại hội nghị thượng đỉnh ở Trieste (Pháp), Thủ tướng Albania Edi Rama từng cảm thán: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nước Anh của ông Boris sẽ rời EU, còn Bulgaria dưới thời ông Borisov lại dẫn dắt Khối”.
Không chỉ ông Rama, mà ngay cả người dân Bulgaria cũng cảm thấy khó tin. 10 năm trước khi gia nhập EU, Bulgaria vẫn là quốc gia nghèo nhất khối, với nạn tham nhũng tràn lan cùng một thể chế bất ổn. Đó cũng là lý do khiến Sofia chưa thể gia nhập vào khu vực đồng tiền chung Euro, hay lọt vào danh sách các nước trong Hiệp ước Schengen.
Tuy nhiên, vào ngày 1/1, Bulgaria đã lần đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của EU. Trọng trách của Sofia là đảm bảo bộ máy lập pháp của khối hoạt động trơn tru, đặc biệt là khi phải giải quyết vấn đề hóc búa như đàm phán Brexit. "Vị thuyền trưởng" lèo lái Bulgaria nói riêng và EU nói chung thời gian tới, không ai khác ngoài Thủ tướng Boyko Borisov, một cựu vệ sĩ với đai đen karate và cá tính mạnh mẽ.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov. (Nguồn: Reuters) |
"Cơn gió lạ" Borisov
Những nước đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của EU thường gặp khó khăn trong nửa năm đầu. Bulgaria đã chứng minh mình không phải là ngoại lệ, nhất là sau những vụ xả súng kinh hoàng gần đây khiến một doanh nhân và một quan chức cấp cao ngành thuế thiệt mạng ở Sofia, hay sự xuất hiện của đảng cực hữu trong Chính phủ liên minh của quốc gia này.
Tuy nhiên, lập trường chính trị trung hữu của ông Borisov được đánh giá sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho Brussels. Giống như Thủ tướng Slovakia Robert Fico, quan điểm của ông Borisov là sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng thân EU. Chuyên gia Vessela Tcherneva (thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu) nhận định rằng: “Bên cạnh sự tự tin, ông ấy hiểu rõ tầm quan trọng của các chính sách và chính trị ở cấp EU, cũng như mối liên hệ trực tiếp giữa những gì đang diễn ra tại châu Âu và nhiệm kì thành công của ông tại Bulgaria”. Ông Borisov đã đánh giá cao những đóng góp của EU đối với sự hồi sinh của Bulgaria thời gian qua khi cung cấp vốn cho Sofia xây dựng hệ thống đường, cầu và nhà máy nước.
Những đối tác cũ cũng dành nhiều lời khen cho ông Borisov, đánh giá ông là một người “dễ chiều”. Một trong số đó là Ivailo Kalfin, cựu Phó Thủ tướng Bulgaria theo trường phái trung tả. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia nội các của ông Borisov, nhưng vẫn cho rằng làm việc cùng ông Borisov rất dễ chịu.
Ngay cả lo ngại từ phía EU liên quan đến đối nội tại Bulgaria, từ vấn nạn tham nhũng cho đến tự do báo chí, đều đã suy giảm ít nhiều dưới thời ông Borisov. Đối với nhiều nhà lãnh đạo EU, ông Borisov đã chứng tỏ mình như một đồng minh tin cậy và thực tế. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nhiều lần tỏ ra thích thú những “cái ôm thật chặt” từ Thủ tướng Borisov. Tuy nhiên, các nguyên thủ Pháp, Đức và Hà Lan lại không hào hứng như vậy.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Bulgaria Boyko Borisov. (Nguồn: Radio Bulgaria) |
Còn đó những hoài nghi
Bulgaria rất mong muốn gia nhập Schengen, để công dân của quốc gia này có thể đi lại tự do hơn ở hầu hết các nước châu Âu, cũng như tham gia cơ chế trao đổi tiền tệ, được coi là “phòng chờ” của đồng Euro. Tuy nhiên, ngay cả khi Bulgaria đã đạt được nhiều tiêu chí về mặt thủ tục thì một số quan chức cấp cao EU vẫn lo ngại rằng các thể chế của Sofia chưa sẵn sàng.
Nhưng ông Borisov có cách của riêng mình. Vị Thủ tướng này từng mời người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tới thăm biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ như một cách để khẳng định về vai trò cần có của Sofia trong Schengen, với lời nhắn rằng: Bulgaria “không đáng bị” cho ra rìa. Sự khác biệt trong quan điểm của Bulgaria về một số vấn đề cũng khiến nhiều người lo ngại: Ông Borisov từng phản đối định mức người tỵ nạn bắt buộc của EU, cũng như việc cảnh cáo Ba Lan về diễn biến chính trị của quốc gia này. Việc thảo luận về ngân sách EU cũng được cho là bài toán nan giải thời gian tới.
Nghi ngại là vậy, nhưng không ít người vẫn kì vọng rằng Sofia sẽ làm nên chuyện thời gian tới. Một bước ngoặt trong nhiệm kì Chủ tịch luân phiên của Bulgaria là buổi họp thượng đỉnh có sự tham dự các nước ở vùng Balkan sắp tới, nhằm hồi sinh quan hệ trắc trở của khối với khu vực này.
Ông Borisov tuyên bố sẽ đề cập những mục tiêu thực tế như cải thiện hệ thống đường và mạng điện thoại di động. Tuy nhiên, để thuyết phục được những người bạn khó tính EU và các vị khách Balkan, vị Thủ tướng Bulgaria sẽ phải khéo léo biến phong cách chính trị độc đáo của mình thành lợi thế, tạo bàn đạp cho một nhiệm kì Chủ tịch luân phiên thuận buồm xuôi gió.