📞

Khi đồng minh đối đầu

07:13 | 26/08/2017
Quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Đỉnh điểm là mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan kêu gọi kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức không bỏ phiếu cho liên minh cầm quyền của Đức, bao gồm đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vì cho rằng đây là “ba đảng đối địch với Ankara”. Những tuyên bố này của ông Erdogan được đưa ra vào thời điểm trước thềm cuộc bầu cử Đức, diễn ra vào ngày 24/9 tới.

Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Merkel.

Trên thực tế, khoảng 1,2 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử với tư cách công dân Đức. Bởi vậy, sự lung lay ý chí của số cử tri không nhỏ này khiến các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền Đức vô cùng lo lắng.

Đáp lại động thái bất ngờ của người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng cho rằng tuyên bố của ông Erdogan là vô lý và không ai có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước Đức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gọi đây là “hành vi can thiệp chưa từng có” vào nội bộ Đức.

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Erdogan cũng lên tiếng “chỉnh” lại phát ngôn trên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức. Mới đây nhất, sự kiện Tây Ban Nha bắt giữ nhà văn người Đức Dogan Akhanli theo lệnh truy nã quốc tế từ Ankara, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng đang bùng cháy giữa Berlin - Ankara.

Ngọn lửa căng thẳng này vốn đã nhen nhóm trong một năm trở lại đây liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố...

Mâu thuẫn giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) leo thang sau khi Ankara từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Berlin đã ngăn chặn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để tiến hành vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp nhằm tập trung quyền lực vào Tổng thống Erdogan.

Theo giới quan sát, nếu hai bên tiếp tục đưa ra các động thái trả đũa, quan hệ giữa hai đồng minh NATO sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Đặc biệt, các vấn đề song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức có thể gây ảnh hưởng lớn đến chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU).

Về phía châu Âu, nguy cơ khủng bố và khủng hoảng người tị nạn có thể gia tăng nếu thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tháng Ba năm ngoái nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu bị Ankara đơn phương từ bỏ. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tư cách thành viên EU của họ sau vụ việc này sẽ càng trở nên xa vời. Mặt khác, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn hại không nhỏ khi gia tăng căng thẳng với một quốc gia thành viên chủ chốt EU như Đức. Với những quan hệ và lợi ích đan xen như vậy, khi hai đồng minh NATO lựa chọn đối đầu, rõ ràng thiệt hại cho cả hai bên sẽ càng lớn.