Danh sách những nước đã cân nhắc hoặc xây dựng chiến lược năng lượng hydrogen. (Nguồn: IRENA) |
Từ những năm đầu thế kỷ XXI, hydrogen đã được xem là nguồn năng lượng của tương lai bởi khả năng sản xuất không bị hạn chế. Tuy nhiên, đến nay, nền công nghiệp hydrogen vẫn được xem là ở trong giai đoạn “mới hình thành”.
Theo báo cáo do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố tháng 1/2022, tính đến cuối năm 2021, đã có 21 quốc gia và nền kinh tế công bố chiến lược hydrogen; hơn 40 quốc gia có lộ trình phát triển và sử dụng hydrogen công nghiệp và thương mại. Tới năm 2050, hydrogen sẽ chiếm 12% năng lượng sử dụng toàn cầu. Xuất khẩu hydrogen sẽ chiếm khoảng 30% thị phần thương mại hydrogen thế giới.
Theo một báo cáo khác của Rethink Energy, từ nay đến 2050, với 10.000 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này, giá hydrogen giảm xuống 95% so với hiện nay.
Hầu hết chiến lược quốc gia được công bố ưu tiên nguồn đầu tư công trong giai đoạn đầu của công nghiệp hydrogen từ nay đến 2030. Chẳng hạn, Đức dự kiến chi khoảng 10 tỷ Euro từ ngân sách với kỳ vọng sẽ kéo theo các nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực hydrogen.
Điểm tương đồng khác trong chiến lược của hầu hết các quốc gia là ứng dụng hydrogen thương mại. Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc đều hướng tới sử dụng hydrogen trong vận tải hàng hóa. Trong trung và dài hạn, hydrogen hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn nhiên liệu sạch cho vận tải biển, hàng không.
Trong khi đa số chiến lược của các quốc gia ưu tiên sản xuất hydrogen phi carbon hóa (green hydrogen), nhiều nước có chiến lược phát triển hydrogen ít carbon (blue hydrogen), hydro xám (grey hydrogen) hoặc hydro tím (pink hydrogen)…
Định vị quốc gia trên bản đồ hydrogen thế giới
Khác biệt rõ nét nhất là việc định vị quốc gia trên bản đồ địa chính trị năng lượng 30 năm tới. Trong khi Australia, Chile, Morocco hướng tới trở thành các bên xuất khẩu, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU theo đuổi chiến lược nhập khẩu hydrogen.
Trong EU, nếu như Đức sớm đàm phán với các nước có tiềm năng xuất khẩu để bảo đảm tính cạnh tranh và bền vững nguồn cung, Pháp lại ưu tiên “chủ quyền” quốc gia về nguồn năng lượng này dựa trên thế mạnh điện hạt nhân.
Australia, vốn đã là bên xuất khẩu khí đốt hóa lỏng cho châu Á, đặt tham vọng trở thành nước xuất khẩu hydrogen hàng đầu khu vực.
Vị trí của các nước trên bản đồ địa chính trị hydrogen cũng còn là khả năng nắm giữ các công nghệ tiên phong trong lĩnh vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang là các nước dẫn đầu về công nghệ sản xuất và ứng dụng hydrogen thương mại. Ngay từ đầu, hai nước này ưu tiên tăng cường “an ninh năng lượng”. Vì vậy, dù theo đuổi chiến lược nhập khẩu, Nhật Bản và Hàn Quốc lại là các cường quốc xuất khẩu công nghệ sản xuất và ứng dụng hydrogen.
Về tổng thể sẽ có ba nhóm nước tùy thuộc vào lựa chọn chiến lược của mỗi nước.
Thứ nhất, đó là nhóm các nước xuất khẩu hydrogen nhờ vào lợi thế so sánh về nguồn cung năng lượng giá rẻ từ mặt trời, gió hay khí đốt. Họ cũng có nguồn cung nước ngọt lớn, sẵn các hạ tầng lưu trữ, xuất khẩu hydrogen khí/hóa lỏng. Ví dụ, Morocco có năng lực sản xuất điện gió và điện mặt trời lớn, phù hợp với ưu tiên của EU về nhập khẩu hydro phi carbon. Nước này cũng có thể tận dụng hệ thống đường ống khí đốt sẵn có kết nối với EU qua
Tây Ban Nha. Australia có lợi thế về than đá, năng lượng gió và mặt trời, cũng như khả năng tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chile có lợi thế nhờ vào khả năng xuất khẩu thông qua các cảng biển kết nối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, nhóm các nước có lợi thế về giá năng lượng nhưng hạn chế về nguồn nước ngọt bao gồm các quốc gia Trung Đông, Algeria, Libya hay thiếu đầu tư cho hạ tầng như Nga.
Cuối cùng là các nước nhập khẩu hydrogen gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực EU. Các nước này đi tiên phong trong làm chủ công nghệ và sản xuất hydrogen. Song do giá thành, họ theo đuổi chiến lược nhập khẩu hơn là sản xuất tại chỗ.
“Ngoại giao hydrogen”
Để đảm bảo chuỗi cung ứng, nhiều nước đã sớm triển khai “ngoại giao hydrogen” nhằm ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước có tiềm năng trở thành bên xuất khẩu. Theo báo cáo của IRENA, đã có khoảng 30 hiệp định song phương trong lĩnh vực này được ký kết.
Là nước tiên phong, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận song phương với Australia, Brunei, Saudi Arabia và UAE trong cung ứng hydrogen.
Đức cũng đã triển khai việc đàm phán thỏa thuận với các đối tác về nhập khẩu và cung ứng hydrogen. Một trong số dự án giữa Berlin và nhóm ba nước Bỉ-Luxembourg-Hà Lan phát triển hệ thống cảng và khu lưu trữ, phân phối hydrogen lớn nhất châu Âu. Hydrogen hóa lỏng có thể sẽ được nhập khẩu qua cảng Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ), sau đó vận chuyển theo đường ống khí đốt sẵn có tới thị trường EU. Đức cũng đã đạt được thỏa thuận nhập khẩu hydrogen từ các đối tác Australia, Canada, Chile, Đan Mạch, Morroco, Namibia...
Theo chuyên gia năng lượng quốc tế Philippe Copinschi thuộc Viện nghiên cứu chính trị Paris, đồng tác giả của báo cáo “Thách thức địa chiến lược của hydrogen”, công bố tháng 12/2021, có bốn yếu tố tác động đến vị trí địa chính trị của các quốc gia trên bản đồ hydrogen thế giới.
Thứ nhất là giá thành. Giá hydrogen phụ thuộc rất nhiều vào giá năng lượng cần thiết để sản xuất, tức giá năng lượng sạch, khí đốt... Đứng từ góc độ này, một số khu vực sẽ có lợi thế so sánh bởi có tiềm năng lớn về điện gió, mặt trời hoặc có nguồn cung khí đốt giá rẻ.
Thứ hai là yếu tố nguồn nước. Cho dù đã có một số công nghệ tách muối từ nước biển để cung cấp cho các nhà máy hydro, nhưng việc các nước Trung Đông khan hiếm nước ngọt cũng làm giảm lợi thế về năng lượng giá rẻ của khu vực này.
Thứ ba, sản xuất hydro đòi hỏi ngân sách đầu tư ban đầu rất lớn vào các hạng mục hạ tầng sản xuất và vận chuyển. Vì vậy, các dòng vốn tư nhân và FDI sẽ hướng về các quốc gia có quyết tâm cao về tài chính trong giai đoạn đầu từ nay đến 2030.
Thứ tư, để thu hút đầu tư tư nhân cũng như FDI, việc các quốc gia sớm xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế hydrogen là một ưu thế.
Thách thức địa chính trị
Tuy nhiên, sự phát triển của năng lượng hydrogen cũng để lại nhiều thách thức.
Theo ông Copinschi, hệ lụy lớn nhất là suy yếu vị thế của các nước xuất khẩu năng lượng hóa thạch (khí đốt, dầu lửa, than đá). Điều này có thể làm giảm căng thẳng và xung đột tại Trung Đông, nhưng cũng gia tăng nguy cơ bất ổn nội bộ do nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa, khí đốt bị giảm sút. Các căng thẳng mới sẽ hình thành xung quanh khả năng làm chủ công nghệ sản xuất hydrogen, nguồn nước ngọt, hạ tầng và nỗ lực đảm bảo an ninh cho các tuyến đường vận chuyển hydrogen đang định hình.
Khi hydrogen nổi lên như một nguồn năng lượng mới, thay thế dầu lửa, khí đốt trong vòng 30 năm tới sẽ làm thay đổi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về năng lượng. An ninh năng lượng của các quốc gia không còn phụ thuộc vào việc có hay không có dầu lửa, khí đốt trên lãnh thổ mình. Tự chủ năng lượng phụ thuộc vào quyết tâm của chính quốc gia đầu tư vào sản xuất và chuyển đổi sử dụng hydrogen.
Bản đồ địa chính trị năng lượng thế giới trong tương lai sẽ phụ thuộc một phần quan trọng vào các dự án sản xuất và cung ứng hydrogen. Kinh tế hydrogen sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mới giữa các quốc gia có thế mạnh về năng lượng sạch (gió, mặt trời…), nguồn nước cũng như khả năng kết nối với các thị trường tiêu thụ chính như Đông Á hay EU. Nhiều nước đang phát triển, phải nhập khẩu dầu như Mauritania, Namibia, Ai Cập hay Morocco đã sớm nhận thức cơ hội và sẵn sàng tham gia cuộc chơi mới.
Thoát khỏi sự ràng buộc của tài nguyên dưới lòng đất, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn các quốc gia có ổn định chính trị dài hạn bởi các dự án hydrogen đòi hỏi nguồn vốn ban đầu lớn. Ngược lại, một quốc gia được lựa chọn đầu tư sản xuất và cung ứng hydrogen cũng góp phần giảm thiểu các nguy cơ địa chính trị của quốc gia và khu vực. Cuộc khủng hoảng Ukraine với những hệ lụy cũng là xung lực mới, đẩy nhanh cuộc chạy đua địa chính trị hydrogen đang hình thành.