Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an có cuộc trao đổi với TG&VN về những điểm đặc biệt có tính lịch sử của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như đưa ra những dự báo về kết quả và tác động của sự kiện này.
Chuyện nội bộ mà thế giới muốn nghe
Đầu tiên, chúng ta hãy tự hỏi tại sao dư luận Mỹ và thế giới lại quan tâm đến kỳ bầu cử này như vậy. Về lý thuyết, bầu cử Mỹ là một sự kiện có tính thường xuyên 4 năm một lần, các nước khác có thể là 5-6 năm. Tuy nhiên, đã từ lâu, bầu cử Mỹ trở thành sinh hoạt chính trị, diễn đàn chính trị mang tính toàn cầu mặc dù về nguyên tắc đây là câu chuyện nội bộ. Tất cả bởi vì vị thế, vai trò chủ chốt của nước Mỹ trên thế giới cho đến nay và ít nhất là vài thập niên tới.
Có thể khẳng định, Mỹ là siêu cường kinh tế, chính trị, an ninh của nhân loại. Washington vẫn có vai trò chi phối tiến trình phát triển của thế giới trong nhiều năm tới. Cách hành xử của Mỹ đối với châu Âu và các đồng minh Trung Đông tác động đến nửa Tây bán cầu của châu Á – Thái Bình Dương. Sự điều chỉnh của Mỹ trong quan hệ đối với Trung Quốc cũng khiến bầu không khí an ninh châu Á – Thái Bình Dương chuyển động theo. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn là siêu cường số một về an ninh – chính trị toàn cầu.
Hình minh họa. (Nguồn: Goodcall) |
Về kinh tế cũng tương tự. Có nhiều quan điểm cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Nhưng viễn cảnh đó chưa thể xảy ra lúc này. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ cần cân nhắc “nhấc lên đẩy xuống” lãi suất 0,1% là toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, hệ thống chứng khoán rung chuyển đã cho thấy trât tự kinh tế quốc tế vẫn nằm trong tay người Mỹ.
Mỗi ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều tạc vào dấu ấn lịch sử Mỹ và thế giới những nét riêng. Ví dụ như Tổng thống thứ 43 George W.Bush (con) với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan tháng 10/2001, vào Iraq tháng 3/2003 tạo ra sự “đảo lộn”, “rung chuyển” Trung Đông mà đến nay vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng. Khác với phong cách sẵn sàng đơn phương sử dụng vũ lực của cựu Tổng thống W.Bush con, Tổng thống Barack Obama lại khác. Ông Obama không từ bỏ vũ lực nhưng ưu tiên biện pháp đối thoại, hợp tác đa phương, kêu gọi tất cả quốc gia trên thế giới hợp tác giải quyết những điểm nóng.
Trăm năm có một!
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này có rất nhiều điểm đặc biệt mà giới sử gia Mỹ và thế giới phải tiếp tục nghiên cứu mới lý giải được. Điều đặc biệt nhất mà nước Mỹ chưa từng có trong 240 năm qua là “hiện tượng Donald Trump”. Hầu hết ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều là luật sư – người có thể xử lý các vấn đề của nước Mỹ và thế giới theo các chuẩn mực. Có đến 60% ứng cử viên Tổng thống Mỹ hoặc Tổng thống là luật sư. 40% còn lại, tuy không phải là các luật gia nhưng đều đã kinh qua chính trường. Họ có thể là Thống đốc Bang, Bộ trưởng, Chánh án Tòa án tối cao, Nghị sĩ…. Những ứng cử viên này đều đúc kết được trí tuệ cũng như cách nhìn nhận các vấn đề về Mỹ và thế giới. Nhưng ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump lại gần như chưa có hoạt động chính trị nào cả ở tầm bang và liên bang. Cùng với đó là tính cách đặc biệt của vị tỷ phú này.
“Cử tri Mỹ không còn tin vào những chính trị gia “danh gia vọng tộc” trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Họ cho rằng giới tinh hoa truyền thống của hai đảng chính trị hàng đầu nước Mỹ này “nói nhiều mà làm không bao nhiêu”. Thiếu tướng Lê Văn Cương |
Tháng 5/2015, ông đứng ra tranh cử với các phát ngôn bị cho là “không nghe nổi”. Dưới góc nhìn của các nhà chính trị, hầu hết các phát ngôn đó bị cho là ngờ nghệch, thậm chí là ngổ ngáo, lố bịch, như việc muốn xây bức tường ở phía Nam nước Mỹ để ngăn chặn người di cư Mexico với chi phí do chính quyền Mexico trả; hay những lời mà không một chính trị gia nào dám nói như công khai chỉ trích Hồi giáo, ngăn nhập cư, miệt thị phụ nữ và cử tri da màu. Tuyên bố trong 18 tháng tranh cử của Donald Trump về mặt chính trị là hết sức sơ hở, chưa kể đến việc “trước sau bất nhất”.
Hai đặc điểm trên đã tạo nên “hiện tượng Donald Trump” – điều mà các sử gia sau này có điểm lại cuộc bầu cử Mỹ 2016 không thể bỏ qua. Tính cách của tỷ phú Donald Trump có thể nói là “vô chính trị”. Thế nhưng, ông Trump vẫn giành thắng lợi trong bầu cử cơ sở và Đại hội đảng Cộng hòa – điều mà vào tháng 5/2015, không ai dám nghĩ. Đây có thể là điều đặc biệt nhất của cuộc bầu cử năm nay tại Mỹ.
Bên cạnh đó, một hiện tượng khác cũng cần ghi nhận là việc bà Hillary Clinton tranh cử. Trong lịch sử nước Mỹ có 2 lần nữ ứng cử viên Mỹ tham gia tranh cử nhưng đều ở vị trí ứng cử viên liên danh phó Tổng thống là bà Geraldine Ferraro vào năm 1984 (với ứng cử viên đảng Dân chủ Walter Mondale) và Thống đốc bang Alaska Sarah Palin vào năm 2008 (với ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain). Việc bà Clinton là người phụ nữ đầu tiên làm ứng viên tranh cử Tổng thống là điều lịch sử phải ghi nhận.
Khúc quanh lịch sử
Học giả Mỹ và thế giới vẫn phải tiếp tục nghiên cứu “hiện tượng Donald Trump”, nhưng theo ông Lê Văn Cương, hiện tượng đặc biệt này chỉ xuất hiện trong những điều kiện chính trị – xã hội nhất định. Về mặt tâm trạng xã hội nước Mỹ, nguyên nhân cơ bản nhất chính là hàng trăm triệu cử tri Mỹ trong năm 2015-2016 đang mất lòng tin với giới chính trị tinh hoa. Có thể coi đây là cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội thực sự trong lòng nước Mỹ.
“Năm 2008, chính sự chán nản với “Bush con” đã khiến người Mỹ, lần đầu tiên thực sự vượt qua kỳ thị sắc tộc sau 232 năm mà bỏ phiếu cho Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ bởi cho rằng ông Bush đã “hủy hoại” đảng Cộng hòa. Tám năm sau, nước Mỹ vẫn còn bất bình với giới tinh hoa”. |
Năm 2016, nước Mỹ đã bước vào ”khúc quanh lịch sử”. Khủng hoảng chính trị – xã hội của nước Mỹ đã tạo ra “thời thế” để thúc đẩy nguyên nhân trực tiếp hơn dẫn đến hiện tượng Donald Trump là khủng hoảng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhìn sâu vào đảng Cộng hòa, đa số đảng viên không vừa lòng với giới tinh hoa của đảng mình. Bản thân những nhân vật chủ chốt, lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa cũng mâu thuẫn nhau. Chính “sự khủng hoảng lòng tin” này giúp ông Donald Trump vượt qua được bầu cử trong đảng.
Nước Mỹ bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế năm 2008 nhưng vẫn chưa bước vào giai đoạn phát triển mới. FED vẫn còn thấp thỏm trong việc điều chỉnh lãi suất, nền kinh tế chưa chắc chắn. Phân hóa xã hội ngày càng rõ rệt, tội phạm dùng súng tăng, khủng bố phát triển. Dưới con mắt của giới phê bình, chính quyền Tổng thống Obama còn yếu kém trong cách hành xử với Nga, Trung Quốc hay “chập chững” trong vấn đề ở Iraq, Syria. Dân chúng không còn tin tưởng vào chính trị Mỹ ngay cả đối nội và đối ngoại. Và khi cử tri không tin, ông Donald Trump xuất hiện như một lựa chọn thay thế.
Tương lai bất định
Tính tới thời điểm này, có vẻ cán cân đang nghiêng về bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) muốn mở lại cuộc điều tra về việc xử lý thư điện tử của bà Clinton trong thời kỳ bà làm Ngoại trưởng rõ ràng là điều bất lợi cho ứng cử viên này. Cuộc thăm dò ngày 30/10 của ABC/Washington Post cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton và ông Trump là 46%-45% và hơn 33% số cử tri cho biết những chi tiết mới trong vụ điều tra bê bối thư điện tử của bà Clinton khiến họ giảm ủng hộ đối với bà.
Hơn thế nữa, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu của Mỹ thường thấp với khoảng 50%. Do đó, tất cả các thăm dò vừa rồi chưa phản ánh đầy đủ. Từ nay cho tới ngày 8/11, nếu việc FBI điều tra bà Clinton không có diễn biến gì mới, có thể nói, bà Clinton sẽ cầm chắc chiến thắng, dù chỉ sít sao.
Nhưng có hai sự kiện đột biến mà chúng ta không nên loại bỏ. Thứ nhất, nếu FBI báo cáo bà Clinton gây tổn hại đến an ninh quốc gia, bà Clinton sẽ đánh mất tín nhiệm to lớn đối với cử tri Mỹ. Thứ hai, nếu có vài vụ khủng bố nặng nề khiến xã hội Mỹ hoang mang, khả năng cao cử tri sẽ dồn phiếu cho ông Donald Trump.
Về ảnh hưởng toàn cầu hậu bầu cử Mỹ, có thể nói thời đại Obama sắp kết thúc. Nếu Donald Trump lên, thế giới sẽ bước sang giai đoạn khác: Tây bán cầu có vẻ yên ổn hơn còn Đông bán cầu thì căng thẳng hơn. Nhưng ngược lại, nếu Clinton thắng cử, quan hệ Mỹ – Nga sẽ căng thẳng trong khi quan hệ Mỹ – Trung sẽ nằm ở thế giằng co. Dù ai lên chăng nữa cũng sẽ không tạo ra đột biến trong quan hệ quốc tế bởi cấu trúc – trật tự thế giới hiện nay dựa trên tương quan lực lượng tương đối cân bằng giữa các thế lực cũng như phản ánh rất chính xác thực lực của các quốc gia chủ chốt. Bốn năm tới của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ dù có thay đổi đến đâu, cũng khó có thể đưa thế giới đến bước ngoặt đáng kể nào.