Vào ngày 28/12/2022, Hàn Quốc đã ban hành “Chiến lược cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng”, bản chiến lược chính thức đầu tiên của Seoul đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Động thái này cho thấy một sự thay đổi mang tính quyết định trong tầm nhìn chính trị của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol khi từ bỏ cách tiếp cận thận trọng với khu vực của chính quyền tiền nhiệm. Mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng điều chỉnh chiến lược của Hàn Quốc và Việt Nam đang có cơ hội để trở thành đối tác then chốt hàng đầu của Hàn Quốc ở khu vực trong bối cảnh chiến lược mới. |
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy một sự thay đổi trong quan điểm đối ngoại của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol. (Nguồn: Ankasam) |
3 nguyên tắc và 9 nỗ lực cốt lõi
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc, gói gọn trong 44 trang, nêu lên tầm nhìn, nguyên tắc hợp tác và các nỗ lực cốt lõi (CLE) mà Hàn Quốc sẽ hướng đến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tầm nhìn xuyên suốt của những nhà hoạch định chiến lược khẳng định sự ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng. Theo đó, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy các giá trị cốt lõi là tự do, dân chủ, luật pháp và nhân quyền, đồng thời ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng sự đoàn kết với các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị này. Hàn Quốc cũng sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong phòng ngừa tranh chấp và xung đột vũ trang thông qua việc thiết lập quy tắc và thúc đẩy các giải pháp hoà bình cho các tranh chấp. Để đẩy mạnh sự thịnh vượng tại khu vực, Seoul cam kết đóng góp vào việc xây dựng một trật tự kinh tế cởi mở và công bằng, nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thúc đẩy một hệ sinh thái kinh tế và công nghệ hợp tác và toàn diện.
Ba nguyên tắc trong hợp tác với các quốc gia tại khu vực của Hàn Quốc được nhấn mạnh trong Chiến lược là: Tính bao trùm, nghĩa là chiến lược này không nhắm đến hoặc loại trừ bất kỳ một quốc gia cụ thể nào; Tính tin cậy, nghĩa là các quan hệ đối tác phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau; và Tính có đi có lại, nghĩa là sự hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Tài liệu cũng xác định 9 nỗ lực cốt lõi mà Hàn Quốc hướng đến tại khu vực, bao gồm: Xây dựng trật tự khu vực dựa trên các chuẩn mực và quy tắc; Hợp tác để thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền; Tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố trên toàn khu vực; Mở rộng hợp tác an ninh toàn diện; Xây dựng mạng lưới an ninh kinh tế; Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; Dẫn đầu hợp tác khu vực về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng; Tham gia vào “ngoại giao đóng góp” thông qua quan hệ đối tác hợp tác phát triển phù hợp; và Thúc đẩy sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc được công bố cho thấy một sự thay đổi trong quan điểm đối ngoại của chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Yoon Suk Yeol so với người tiền nhiệm Moon Jae In. Ông Yoon khi còn là ứng cử viên tổng thống đã tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ phải đảm nhiệm một vai trò khu vực và quốc tế lớn hơn thay vì thụ động thích nghi và phản ứng với môi trường quốc tế đang thay đổi#_ftn1. Với mong muốn trở thành một quốc gia đóng vai trò “then chốt toàn cầu” (global pivotal state), Hàn Quốc sẽ phải nhìn vượt ra khỏi phạm vi Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, để tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định dấu ấn của mình ở cấp độ toàn cầu.
Để thực hiện tuyên bố này, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã quyết định nâng cấp liên minh Mỹ-Hàn thành “Liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu”#_ftn2. Chính quyền mới cũng đã cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tham gia nhiều hơn với NATO và tham dự vào các sáng kiến khu vực do Mỹ lãnh đạo như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và nhóm Chip 4 gồm các cường quốc bán dẫn của thế giới.
Việc sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn bị Hàn Quốc né tránh trong giai đoạn chính quyền Tổng thống Moon Jae In (2017-2022) vì nó liên quan đến những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhưng từ tháng 5/2022, chính quyền mới đã lên kế hoạch để xây dựng bản chiến lược đầu tiên với khu vực này. Tổng thống Yoon chính thức tiết lộ về chiến lược với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN tháng 11/2022. Bản chiến lược có thể được ví như mảnh ghép quan trọng cuối cùng để hoàn thiện chính sách ngoại giao mang dấu ấn của chính quyền mới. |
Sự thay đổi chiến lược của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi quan điểm chính trị của Tổng thống Yoon và ê kíp của ông. Tuy nhiên, đây cũng là sự định hình một chiến lược mang tính dài hạn về những gì Seoul sẽ theo đuổi trong những thập kỷ tới. Động lực quan trọng của Chiến lược chính là sự phụ thuộc ngày càng lớn của Hàn Quốc vào thương mại với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Như trong Chiến lược đã thừa nhận, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm khoảng 70% trong tổng thương mại của nước này, 2/3 đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc đang hướng đến khu vực và đặc biệt 64% lượng dầu thô nhập khẩu và 46% nguồn cung khí đốt tự nhiên cho nước này đi qua Biển Đông#_ftn3. Khi mà lợi ích của Seoul gắn ngày càng chặt chẽ với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì mong muốn duy trì trật tự địa chính trị thuận lợi trong khu vực là tối quan trọng. Đã đến thời điểm mà Hàn Quốc cần phát huy vai trò xây dựng trật tự quốc tế tích cực hơn, từ bỏ sự “do dự chiến lược” trước đó, ngay cả khi có thể đó là một sự ảnh hưởng xấu đến quan hệ của Hàn Quốc với đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc.
Gia tăng cam kết hợp tác
Với những nội dung đó, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện và khung khổ cho sự hợp tác tích cực và rõ ràng hơn của nước này với các quốc gia khác trong khu vực, từ vấn đề chuỗi cung ứng, an ninh mạng, kinh tế kỹ thuật số cho đến không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, y tế và nhiều vấn đề quan trọng khác. Sự tham gia này trên thực tế đã được Seoul cam kết trong Chính sách hướng Nam trước đây. Tuy nhiên, khác biệt bây giờ nằm ở chỗ khi Hàn Quốc có một chiến lược thực sự với khu vực, thì những cam kết sẽ trở nên thuyết phục hơn rất nhiều và mức độ hợp tác được kỳ vọng sẽ gia tăng tương xứng.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Trại David, bang Maryland, ngày 18/8. (Nguồn: Reuters) |
Những cam kết và thái độ rõ ràng hơn của Hàn Quốc cũng đã được thể hiện liên quan đến việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và giải quyết những vấn đề gây tranh chấp tại Biển Hoa Đông, Biển Đông và cả ở eo biển Đài Loan. Chính quyền của Tổng thống Yoon rất kiên quyết trong việc phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này thể hiện rất rõ tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11/2022 tại Campuchia cũng như tại Hội nghị ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tổ chức lần đầu tiên vào tháng 8/2023.
Thực tế này phản ánh tầm nhìn của Hàn Quốc rằng việc gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Seoul. Sự tham gia tích cực hơn của Hàn Quốc vào các vấn đề này sẽ đóng góp vào các nỗ lực chung để xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoà bình và ổn định. Đặc biệt, nó sẽ mang lại các hiệu quả tích cực trong các mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và các quốc gia cùng chia sẻ mong muốn này tại khu vực.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc dù hướng tới những liên kết chặt chẽ hơn với chiến lược của Mỹ, nhưng cũng không loại trừ các cơ hội hợp tác với Trung Quốc. Bản chiến lược này nhìn nhận Trung Quốc là “đối tác quan trọng để đạt được thịnh vượng và hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Sự gần gũi về mặt địa lý và sức nặng của mối quan hệ kinh tế vẫn là yếu tố gắn kết hai quốc gia lớn ở Đông Bắc Á này. Hơn nữa, nhiều vấn đề chiến lược mà Hàn Quốc cần đến sự hợp tác của Trung Quốc như thương mại, biến đổi khí hậu, y tế công cộng và đặc biệt là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy đồng thời cả những cơ chế phối hợp tại khu vực có sự tham gia của Trung Quốc như Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật vốn đã bị ngừng lại những năm gần đây.
Thông điệp mà chính phủ Hàn Quốc gửi đi, đó là “các quốc gia đại diện cho các hệ thống chính trị đa dạng tại khu vực có thể cùng nhau tiến lên một cách hòa bình thông qua cạnh tranh và hợp tác dựa trên các quy tắc”, và Hàn Quốc sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia miễn là họ tuân thủ các quy tắc hiện hành, chuẩn mực quốc tế và các giá trị phổ quát.
ASEAN - đối tác then chốt
Mối quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc đã được khởi động từ năm 1989, phát triển nhanh chóng thành quan hệ đối tác toàn diện năm 2004, quan hệ đối tác chiến lược năm 2010 và đang được đề xuất nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong năm tới (năm 2024).
Hàn Quốc và ASEAN đã hợp tác thông qua nhiều cơ chế phối hợp tại khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, RCEP, EAS, ADMM+, ARF, IPEF. Hiện nay, ASEAN là đối tác lớn thứ hai về thương mại, điểm đến thứ hai về FDI và nơi nhận ODA lớn nhất của Hàn Quốc. ASEAN được nhận định có những tiềm năng phát triển rất to lớn và luôn nằm trong trọng tâm chính sách của Hàn Quốc.
Ngày 11/11/2022, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 23, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI)”. Điều này cho thấy nỗ lực của chính quyền mới ở Seoul để tăng cường quan hệ với khối, nêu bật ý định vượt ra ngoài trọng tâm kinh tế để hướng đến xây dựng mối quan hệ chiến lược và toàn diện hơn với ASEAN, phối hợp chặt chẽ trong cả ba trụ cột của ASEAN là Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - xã hội.
Để đạt được mục tiêu đó, Hàn Quốc cam kết sẽ tăng gấp đôi mức đóng góp hàng năm cho Quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc. Ngoài ra, KASI đề xuất tổ chức một cách thường xuyên hơn các cuộc đối thoại chiến lược giữa các quan chức cấp cao của cả hai bên để thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc-ASEAN#_ftn4. Phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), Sáng kiến KASI và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc đều hướng tới mục tiêu về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng#_ftn5.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chuẩn bị chụp ảnh chung gia đình trước Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta ngày 6/9/2023. (Nguồn: AFP) |
Tầm quan trọng của ASEAN trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc tiếp tục được nhấn mạnh. Chiến lược khẳng định ASEAN là “đối tác then chốt” của Seoul trong hợp tác giải quyết các vấn đề tại khu vực như ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và cân bằng.
Hợp tác của Hàn Quốc với ASEAN sẽ được định hướng theo 8 “hướng nỗ lực cốt lõi” được đề xuất tại KASI, bao gồm: Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc và củng cố quan hệ song phương với các nước thành viên ASEAN; Tăng cường hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong các cơ chế do ASEAN lãnh đạo; Mở rộng hợp tác an ninh toàn diện ASEAN-Hàn Quốc; Thúc đẩy phối hợp chiến lược ASEAN-Hàn Quốc; Mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực của tương lai và mới nổi vì sự thịnh vượng và phát triển chung; Cùng giải quyết và ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu; Thúc đẩy trao đổi thế hệ tương lai như động lực cho sự thịnh vượng trong tương lai; Tăng cường các nguồn lực hợp tác ASEAN-Hàn Quốc bao gồm việc tăng các Quỹ hợp tác liên quan đến ASEAN và tăng cường ODA cho khu vực.
(còn tiếp)
#_ftnref1 Yoon Suk Yeol, “South Korea Needs to Step Up: Seoul Must Embrace a More Expansive Role in Asia and Beyond,” Foreign Affairs, 8 February 2022, https://www.foreignaffairs. com/articles/south-korea/2022-02-08/south-korea-needs-step?utm_medium=social (accessed 22 August 2022).
#_ftnref2 The White House, “U.S.-ROK Leaders’ Joint Statement,” 21 May 2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/ statements-releases/2021/05/21/u-s-rok-leaders-joint-statement/ (accessed 2 October 2022).
#_ftnref3 Ministry of Foreign Affairs of ROK, Strategy for a Free, Peaceful, and Prosperous Indo-Pacific Region, 2022-12-28. https://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5676/view.do?seq=322133.
#_ftnref4 Choe Wongi, The ROK’s Indo-Pacific Strategy under President Yoon: Key Elements and Strategic Implications, IFANS Focus, 14 November 2022, https://www.ifans.go.kr/ (accessed 20 November 2022).
#_ftnref5 Minister of Foreign Affairs of ROK, Minister of Foreign Affairs Park Jin Discusses Ways to Deepen and Expand ASEAN-Korea Partnership with ASEAN Secretary-General, 2023-06-20. https://overseas.mofa.go.kr/eng/brd/m_5676/view.do?seq=322219.