Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn nhanh chóng đưa quan hệ Nhật-Hàn quay trở lại đúng quỹ đạo. (Nguồn: AA) |
Ông Moon Jae-in bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 10/5/2017. Thời gian tại nhiệm đã gần hết, do đó, ông Moon Jae-in muốn nhanh chóng đưa quan hệ Nhật-Hàn quay trở lại đúng quỹ đạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác ngoại giao, an ninh và kinh tế thương mại, giảm bớt căng thẳng hận thù.
Đối với Hàn Quốc và cá nhân ông Moon Jae-in, muốn cải thiện quan hệ Nhật-Hàn thì cần phải giải quyết nhiều vấn đề nan giản, vừa liên quan đến các vấn đề đối nội, vừa liên quan đến các vấn đề đối ngoại song phương và đa phương.
Kể từ khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, quan hệ Nhật-Hàn vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có sự thụt lùi rõ rệt. Sự căng thẳng về quan hệ ngoại giao và chính trị giữa hai nước đã trực tiếp dẫn đến tình trạng đình trệ của quan hệ hợp tác kinh tế thương mại ở nhiều góc độ, cũng như sự gián đoạn của chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế cho Hàn Quốc, mà còn gây ra làn sóng dư luận trong nước, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác an ninh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, khiến Nhật Bản và Mỹ cảm thấy không hài lòng.
Bên sốt sắng, bên lạnh nhạt
Trên thực tế, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lên nắm quyền vào tháng 9/2020, ông Moon Jae-in cũng đã thể hiện một số động thái tích cực đối với Nhật Bản. Truyền thông Hàn Quốc đã để ý đến một chi tiết tại thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo hình thức trực tuyến vào ngày 15/11/2020, khi Thủ tướng Suga xuất hiện trên màn hình trực tuyến, ông Moon Jae-in đã giành tặng một tràng pháo tay rất nồng nhiệt. Sau đó, báo chí Hàn Quốc còn tiếp tục làm nổi bật chi tiết này trên nhiều trang báo.
Tại buổi họp báo đầu năm mới của Nhà Xanh vào ngày 18/1/2021, ông Moon Jae-in cũng đề cập đến quan hệ với Nhật Bản theo một cách rất khác với trước đây. Trước cuộc họp báo, Tòa án quận Seoul đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những nạn nhân trong vấn đề “phụ nữ mua vui” từ thời phát xít Nhật chiếm đóng Hàn Quốc.
Tại buổi họp báo, ông Moon Jae-in cho rằng “thẳng thắn mà nói, đó thực sự là một phán quyết khó hiểu”. Về mối quan ngại của Nhật Bản liên quan đến doanh nghiệp nước này tại Hàn Quốc có thể bị thu hồi tài sản, ông Moon Jae-in cho rằng bất luận việc thực hiện bằng phương thức cưỡng chế hay phương thức phán quyết thì đây đều là điều mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không mong muốn.
Truyền thông Hàn Quốc đã chỉ ra sự khác biệt trong các động thái của ông Moon Jae-in trong phát biểu đầu năm nay so với năm 2019, tức là Chính phủ Hàn Quốc không thể can thiệp vào phán quyết tư pháp. Phát biểu lần này cho thấy ông đang quan tâm đến Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nhật Bản không có động thái đáp lại. Truyền thông Hàn Quốc cho rằng mặc dù ông Moon Jae-in đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nhưng Nhật Bản lại luôn thể hiện thái độ lạnh nhạt. Do đó, dự báo quan hệ hai nước trong một năm tới sẽ khó được cải thiện.
Truyền thông Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản đi đến đâu cũng đều công khai bày tỏ thái độ không hài lòng với Hàn Quốc. Ví dụ như, mặc dù Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koji Tomita đã hết nhiệm kỳ và được điều động đến Mỹ ngày 27/1, nhưng đã hơn 20 ngày trôi qua mà người kế nhiệm là tân Đại sứ Aiboshi Koichi vẫn chưa tới Hàn Quốc.
Trong khi đó, Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kang Chang-il mặc dù đã đến Tokyo vào ngày 22/1, nhưng có thể do Nhật Bản tỏ ra lạnh nhạt, nên không những không thể đến chào Thủ tướng Suga, mà còn không thể gặp mặt Ngoại trưởng Motegi.
Tin liên quan |
Mỹ củng cố liên minh: Hai quan chức hàng đầu của chính quyền ông Biden tới Nhật Bản, Hàn Quốc |
Khi tân Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kang Chang-il xin trình quốc thư, phía Nhật Bản chỉ cử Thứ trưởng Ngoại giao Akiha Takao tiếp đãi và kết thúc trong 10 phút. Bình luận về thái độ này của Chính phủ Nhật Bản, hãng tin Kyodo cho rằng: “Tín hiệu này có nghĩa là trừ khi Hàn Quốc thay đổi thái độ và không khơi lại vấn đề lịch sử, nếu không (Nhật Bản) sẽ không coi Hàn Quốc là một đối tượng để đối thoại”.
Tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Jeong Eri-yong được bổ nhiệm ngày 8/2 đã chủ động kết nối với các quốc gia láng giềng chỉ 4 ngày sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, trong số các nước láng giềng quan trọng, chỉ có Nhật Bản là chưa thể tổ chức điện đàm cấp ngoại trưởng. Giới truyền thông Hàn Quốc nhận định, nguyên nhân chính là do Nhật Bản quá lạnh nhạt.
Tiến thoái lưỡng nan
Xem ra thời điểm quan hệ Nhật-Hàn nồng ấm trở lại vẫn chưa đến. Hiện tại, Tổng thống Moon Jae-in vẫn đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu ông chủ động tiếp cận Nhật Bản hơn nữa thì khó tránh khỏi sự chỉ trích của dư luận trong nước, đặc biệt là phe đối lập. Tuy nhiên, nếu thu mình lại hoặc không thể hiện sự dũng cảm, tiếp tục dựa vào cái cớ là chính phủ không thể can thiệp vào tư pháp, thì ông sẽ không thể thúc đẩy sự cải thiện và phát triển của quan hệ Nhật-Hàn.
Bởi thực tế, quan hệ Nhật-Hàn vô cùng phức tạp và không dễ khôi phục. Mâu thuẫn trong quan hệ Nhật-Hàn có nhiều yếu tố phức tạp đan xen trong cả lịch sử lẫn hiện thực. Tuy nhiên, mâu thuẫn, bất đồng và khác biệt giữa hai nước do vấn đề lịch sử để lại sẽ khó có thể xóa bỏ.
Nhật Bản đã chiếm đóng bán đảo Triều Tiên suốt từ năm 1910 đến năm 1945 và trong thời gian dài đô hộ Hàn Quốc, phát xít Nhật đã gây ra nhiều thảm kịch cho Hàn Quốc, để lại vết thương rất khó nguôi ngoai trong lòng người dân nước này.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã gây ra tình trạng “cưỡng bức lao động” và “phụ nữ mua vui”. Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản từ trước đến nay đã không tỏ ra một chút hối hận nào về những hành vi xâm lược và tàn bạo đó.
Trước khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, quan hệ Nhật-Hàn không mấy nồng ấm, nhưng do đều là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á nên hai nước này về biểu hiện bề ngoài vẫn tỏ ra hòa dịu mặc dù thực chất bên trong vẫn căng thẳng.
Năm 1965, hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản và yêu sách, đây được coi là nhận thức chung cơ bản của quan hệ Nhật-Hàn sau chiến tranh. Nhật Bản cho rằng căn cứ vào hiệp định này thì các vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã được giải quyết, tuy nhiên hiệp định này lại thiếu nghiêm trọng cơ sở đồng thuận của người dân Hàn Quốc.
Sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, tinh thần phản đối Nhật Bản tại Hàn Quốc tăng cao, mẫu thuẫn giữa hai nước lại bùng phát và không ngừng trở nên gay gắt hơn. Tháng 10/2017, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết ủng hộ các yêu sách đòi bồi thường của người dân Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật Bản đã phản đối gay gắt phán quyết này. Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là Kono Taro cho rằng phán quyết này là rất đáng tiếc và không thể chấp nhận được.
Ông Kono tái khẳng định hiệp định được hai nước ký vào năm 1965 đã giải quyết các vấn đề bồi thường giữa hai nước, đồng thời cảnh báo nếu Hàn Quốc nhất quyết theo đuổi yêu sách này, thì Nhật Bản có thể sẽ cân nhắc các phương án đáp trả.
Ngày 30/10/2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết về đơn kiện của 4 người lao động Hàn Quốc từng bị cưỡng bức đưa đến Nhật Bản làm việc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, yêu cầu Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản phải bồi thường cho mỗi nguyên đơn 100 triệu Won.
Ngày 10/1/2019, ông Moon Jae-in nhấn mạnh, đối với các vụ kiện liên quan đến lao động thời chiến yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại, Chính phủ Hàn Quốc chỉ có thể tôn trọng phán quyết và Chính phủ Nhật Bản cần hiểu rõ lập trường này. Nhật Bản lại cho rằng việc xuất hiện các vụ kiện tụng và đòi bồi thường tại Hàn Quốc có liên quan đến thái độ của Chính quyền Moon Jae-in, ít nhất thì ông Moon Jae-in cũng đã không xử lý ổn thỏa các vấn đề tranh chấp kiểu này xuất phát từ đại cục của quan hệ Nhật-Hàn.
Vào thời điểm đó, ông Moon Jae-in có lập trường rất cứng rắn, điều này khiến căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục leo thang. Tháng 7/2019, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc và nước này cũng trả đũa. Khi Mỹ đoán vai trò trung gian hòa giải, quan hệ Nhật-Hàn phần nào hạ nhiệt nhưng vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dù từ năm ngoái, ông Moon Jae-in đã có nhiều động thái hòa giải, nhưng Nhật Bản cho rằng Nhà Xanh đã “chỉ nói mà không làm”. Trong buổi họp báo đầu năm mới vào ngày 19/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi cho biết: “Nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn vi phạm các cam kết quốc tế, không chấp hành hiệp định đã ký kết giữa hai nước. Trong bối cảnh này, dù cho Hàn Quốc có thể hiện thái độ mong muốn giải quyết vấn đề thì cũng rất khó, cần phải xem Hàn Quốc sẽ đưa ra những phương án cụ thể nào để giải quyết vấn đề thì mới đánh giá được”. Nhật Bản muốn nhìn thấy các hành động cụ thể thay vì chỉ nghe lời nói suông của Moon Jae-in.
Có thể dự đoán, cùng với việc nhiệm kỳ của ông Moon Jae-in sắp kết thúc, Nhật Bản sẽ không thay đổi lập trường, thậm chí còn không muốn cải thiện quan hệ Nhật-Hàn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Đối với ông Moon Jae-in, nếu không thể sớm cải thiện được quan hệ Hàn-Nhật thì rõ ràng sẽ phải đối diện với bất lợi trên nhiều mặt, chí ít là về kinh tế thương mại và công nghệ.
Theo báo cáo So sánh năng lực cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp chính của Hàn Quốc và Nhật Bản do Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc công bố vào ngày 28/7/2019, năm 2018 Hàn Quốc đã nhập khẩu tới 4.227 mặt hàng từ Nhật Bản, trong đó có tới 253 mặt hàng có mức độ lệ thuộc hơn 50%.
Có thể kể đến một số ví dụ như, ngành dệt may phụ thuộc tới 99,6% ngành công nghiệp hóa chất và công nghiệp phụ trợ phụ thuộc tới 98,4%, ngành xe hơi, máy bay, tàu thủy và linh kiện máy móc vận tải phụ thuộc tới 97,7% nhập khẩu từ Nhật Bản. Các loại nguyên liệu mới được sử dụng trong sản phẩm công nghệ mới như chất bán dẫn tiên tiến hay chip… của Hàn Quốc đều chịu tác động trực tiếp từ Nhật Bản.
Đây có thể là lý do khiến ông Moon Jae-in chủ động bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Hàn-Nhật, nhưng cũng có thể động thái này đã là quá muộn.