Nhỏ Bình thường Lớn

Lãnh đạo mới của châu Âu là ai?

TGVN. Sau nhiều ngày đàm phán trong không khí căng thẳng, những vị trí chủ chốt nắm quyền lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho nhiệm kỳ 5 năm tới đã lộ diện. Đây được coi là bộ máy lãnh đạo lý tưởng, hài hòa chính trị, địa lý và quan trọng nhất là khiến EU không bị phân chia.
TIN LIÊN QUAN
lanh dao moi cua chau au la ai Nghị viện châu Âu bất đồng trước các đề cử chức vụ hàng đầu EU
lanh dao moi cua chau au la ai Nghị viện châu Âu sẽ phải bầu Chủ tịch vào ngày 3/7 trong bất cứ tình huống nào
lanh dao moi cua chau au la ai
Từ trái qua: Bà Ursula von der Leyen, ông David Sassoli, bà Christine Lagarde, ông Charles Michel, ông Josep Borrell. (Nguồn: Courrier Picard)

Chưa bao giờ có một hội nghị thượng đỉnh châu Âu lại căng thẳng và kéo dài như vậy, có những lúc tưởng chừng sẽ không thể kết thúc. Tuy vậy, sau 4 ngày đàm phán (30/6 - 3/7), các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thống nhất về việc lựa chọn các quan chức cấp cao trong tương lai của các tổ chức thuộc EU.

Đó là các vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Các vị trí này có vai trò rất quan trọng trong việc định hình các chính sách của EU trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, di cư cho tới khí hậu của khối kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu dân.

Người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Ủy ban châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen (sinh năm 1958), một người bạn thân của Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ là người phụ nữ đầu tiên và là người Đức thứ hai đứng đầu Ủy ban châu Âu. Nếu được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, bà Leyen chính thức trở thành Chủ tịch của EC vào ngày 1/11/2019. Bà được cho là theo đuổi chủ nghĩa liên bang, ngắm đến củng cố một “liên bang châu Âu” đoàn kết và xây dựng một quân đội châu Âu trong dài hạn.

Là một phụ nữ tài giỏi, bà nhận bằng tiến sỹ Y khoa tại Đại học Hannover (Đức) năm 1991 và từng theo học kinh tế tại Đại học Göttingen (Munich) và Trường Kinh tế London. Bà hoạt động nhiều năm trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel. Năm 2013, bà Leyen là phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và cũng là bộ trưởng duy nhất từng phục vụ trong nội các của cả bốn chính phủ của bà Merkel.

lanh dao moi cua chau au la ai
(Nguồn: Swiss Info)

Trước đó, từ 2005-2009, bà Leyen giữ chức Bộ trưởng Liên bang về Gia đình, Cao niên, Phụ nữ và Thiếu niên. Từ 2009-2013, bà là Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội Đức. Năm 2010, bà Leyen là ứng viên do bà Merkel đề cử cho chức tổng thống Đức, nhưng vị trí ứng cử của bà đã bị nhóm bảo thủ của CDU/CSU chặn lại.

Từ Washington tới Frankfurt

Vị trí quan trọng số hai trong ban lãnh đạo EU là chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nó đã được tin tưởng gửi gắm vào Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Bà Lagarde năm nay 63 tuổi, là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Pháp, trở thành người đứng đầu IMF từ năm 2011.

Đây là lần đầu tiên, EU đạt được cân bằng giới tính trong bộ máy lãnh đạo khi có hai phụ nữ và ba người đàn ông được lựa chọn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: "Quyết định này khẳng định sự thống nhất của châu Âu, cả về chính trị và địa lý."

Bà Lagarde được đề cử trực tiếp vào vị trí Chủ tịch ECB mà không gặp chút khó khăn gì. Được coi là một nhà đàm phán cứng rắn và đầy nhiệt huyết, bà được hy vọng sẽ đưa ra những chính sách tiền tệ và quyết định kinh tế quan trọng để khôi phục nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone).

Tuy không phải một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, bà Lagarde được coi là một trong những nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới. Trước khi hoạt động chính trị, bà là một luật sư tại Baker & Mackenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới, và dần dần nắm chức Tổng giám đốc điều hành vào năm 2004.

Vào giữa những năm 2000, bà Lagarde trở lại Pháp, nắm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức Bộ trưởng Thương mại thời Thủ tướng Dominique de Villepin và Bộ trưởng Nông nghiệp thời Thủ tướng François Fillon. Khi là Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde nỗ lực theo đuổi không mệt mỏi những cải cách kinh tế thông minh và táo bạo.

Cuộc đời xoay quanh chính trị

Thủ tướng Bỉ Charles Michel sẽ là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, có nhiệm vụ thúc đẩy các mục tiêu chính trị của EU. Với kinh nghiệm điều hành bộ máy chính phủ khá phức tạp ở Bỉ, ông Michel được kỳ vọng là người tìm ra tiếng nói chung giữa 28 lãnh đạo các quốc gia châu Âu với những đường lối chính sách, chính trị khác nhau. Vị trí của ông Michel không cần chờ phê chuẩn của EP.

Ở tuổi 43, Charles Michel là một trong những lãnh đạo trẻ nhất châu Âu. Từ năm 16 tuổi, ông đã theo bước cha mình dấn thân vào sự nghiệp chính trị, gia nhập đảng "Tự do trẻ của Jodoigne". Cha của ông, Louis Michel là một chính trị gia chủ nghĩa tự do nổi tiếng tại châu Âu và cũng từng là ủy viên của Hội đồng châu Âu.

Ông Michel cũng đã quá quen với việc là người trẻ nhất trong một khán phòng đầy những chính trị gia giàu kinh nghiệm. Ở tuổi 18, ông được bầu làm Ủy viên Hội đồng tỉnh Walloon Brabant, trở thành đại biểu Quốc hội Bỉ trẻ nhất ở tuổi 23. Năm 2000, ông Michel trở thành Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Wallonie khi mới chỉ 25 tuổi, và trở thành Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử của Bỉ vào năm 2014 ở tuổi 38.

Vị ngoại trưởng đại diện cho 28 quốc gia

Chức vụ Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại thuộc về Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, 72 tuổi có vai trò điều phối chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU. Việc nhận được chức vụ mới này đánh dấu sự trở lại với nghị trường châu Âu của ông Borrell, sau khi từng giữ chức Chủ tịch EP nhiệm kỳ 2004-2009.

Ông xuất thân từ gia đình khá khiêm tốn, là con trai của một người thợ làm bánh ở một ngôi làng ở vùng núi phía bắc Catalonia. Năm 1975, ông tham gia đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) và tới năm 1979 mới thực sự dấn thân vào sự nghiệp chính trị khi trở thành ủy viên hội đồng thành phố Madrid. Sau đó, ông giữ các chức vụ Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng các công trình công cộng và giao thông trước khi đảm nhận chức Chủ tịch đảng PSOE năm 1998.

Sự nghiệp chính trị của Borrell cũng không quá hào nhoáng khi ông hai lần bị dính vào các cáo buộc tham nhũng. Tuy vậy, ông đã trở lại chính trường vào năm 2017 với tư cách là một trong những người phản đối gắt gao việc Xứ Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Tây Ban Nha tháng 6/2018 và tranh cử thành công để giữ chiếc ghế tại EP nhưng ông lại từ chối để tiếp tục làm việc với chính phủ Tây Ban Nha.

Khi nhà báo làm chính trị

Vị trí cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng thuộc về ông David Sassoli, người Italy, một trong 14 Phó Chủ tịch EP sắp mãn nhiệm . Ông Sassoli sẽ giữ chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu trong nửa nhiệm kỳ (2,5 năm) sau đó chuyển giao công việc cho một thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu.

Sassoli sinh năm 1956 tại thành phố Florence. Trong những năm 1970, sau khi tốt nghiệp ngành chính trị học thuộc Đại học Florence, ông Sassoli bắt đầu sự nghiệp báo chí với việc cộng tác với các tờ báo địa phương nhỏ và các cơ quan thông tấn Italy. Những năm 1990 là thời gian thành công nhất đối với sự nghiệp báo chí của ông Sassoli khi ông dẫn nhiều chương trình thời sự quan trọng của kênh TG3 và TG1.

Tới năm 2009, sau khi từ chức Phó giám đốc kênh TG1, David Sassoli mới bắt đầu bước chân vào con đường chính trị khi gia nhập đảng Dân chủ Italy và đồng thời tranh cử thành công vào EP trong cùng năm. Từ năm 2009 - 2014, ông trở thành đại diện của đảng Dân chủ Italy tại EP. Năm 2014, ông trúng cử vị trí Phó Chủ tịch EP cho tới hiện nay.

Nếu tất cả vị trí nói trên được Nghị viện châu Âu thông qua, kể từ ngày 1/11, bộ máy lãnh đạo mới của EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không hề dễ dàng. Các nhà lãnh đạo cần tiếp tục đảm bảo sự liên kết chính trị, địa lý và quy mô dân số của cả khối trong bối cảnh EU đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là Brexit và vấn đề Iran.

lanh dao moi cua chau au la ai

Mất lòng tin vào Hội đồng Nghị viện châu Âu, Ukraine triệu hồi đại sứ để tham vấn về Nga

Ngày 25/6, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết sẽ triệu hồi đại sứ của Ukriane tại Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) để ...

lanh dao moi cua chau au la ai

Nga hy vọng phái đoàn Ukraine không bỏ phiên họp Hội đồng Nghị viện châu Âu

Moscow sẽ lấy làm tiếc nếu Ukraine rời khỏi phiên họp tháng Sáu của Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) do có sự tham gia của ...

lanh dao moi cua chau au la ai

Liên minh châu Âu: Trong khó ló cái cũ

TGVN. Hiện tại có 4 thách thức lớn đối với sự tồn vong của Liên minh châu Âu (EU). Chương trình nghị sự chiến lược 2019-2024 ...