📞

Liên minh Mỹ - Hàn ra sao nếu Donald Trump thắng cử?

18:07 | 06/08/2016
East Asia Forum nhận định, hai ứng viên Tổng thống Mỹ có nhận thức về vị thế của Mỹ trên thế giới - bao gồm cam kết với các đồng minh - rất khác nhau.

Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đã có công rất lớn trong việc hình thành chính sách “tái cân bằng” hướng về châu Á của Mỹ. Trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Hillary Clinton đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hơn nữa quan hệ liên minh. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên với chính sách củng cố đồng minh nếu bà trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017 tới.

Ngược lại, ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đã nhiều lần đặt câu hỏi về giá trị của việc đi "tiên phong" trong chiến lược an ninh của Mỹ và đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ đồng minh nếu Hàn Quốc không “trả tiền" bảo vệ nước này cho Mỹ. Chính vì vậy, một số nhà phân tích trong khu vực đang rất lo ngại về tương lai của liên minh Mỹ - Hàn, vốn đã kéo dài 63 năm qua, nếu ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) dự kiến được Mỹ - Hàn Quốc triển khai vào năm 2017 để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Trên thực tế, Hàn Quốc cũng đã trả tiền cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, việc chia sẻ gánh nặng quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng đang dần thay đổi với việc Hàn Quốc ngày càng chi nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ.

Theo Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Mỹ- Hàn (SMA) năm 2014, Hàn Quốc phải trả 50% chi phí ngoài nhân sự (khoảng 867 triệu USD). Số tiền này được bổ sung trong chi tiêu quốc phòng hàng năm của Hàn Quốc với ngân sách 35 tỷ USD, chiếm 2,6% GDP của nước này.

Việc ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên vẫn là lý do chính cho việc duy trì một liên minh quân sự mạnh mẽ, bao gồm khoảng 28.000 binh lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.

Sự không chắc chắn về cam kết đối với đồng minh của Mỹ có thể khiến Bình Nhưỡng kéo dài thời gian trở lại bàn đàm phán nhằm ý đồ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Khi đó, giới lãnh đạo Mỹ và các nước trong khu vực sẽ phải đối phó với một Triều Tiên nhạy cảm hơn và có thể được trang bị vũ khí hạt nhân.

(theo East Asia Forum)